Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

4 loại mỹ phẩm phổ biến có chứa hóa chất gây ung thư

VOH - Những người sử dụng các loại kem trị mụn thông dụng gần đây đã được cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn trong những sản phẩm mà họ sử dụng.

Phòng thí nghiệm độc lập Valisure mới đây đã gửi một lá thư gửi đến Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) liên quan đến mức độ chất benzen gây ung thư mà họ tìm thấy cao hơn 12 lần giới hạn 2 phần triệu của FDA.

Theo nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, benzen là một chất gây ung thư có liên quan đến các bệnh ung thư như ung thư hạch và bệnh bạch cầu. 

Hóa chất này có mặt khắp nơi và mọi người có thể tiếp xúc với nó trong không khí từ ô tô đốt nhiên liệu, khói thuốc lá điện tử và thậm chí từ việc nấu ăn bằng bếp gas - Kelly Dobos, một nhà khoa học mỹ phẩm tại Đại học Cincinnati cho biết. 

Tuy nhiên, không chỉ có trong không khí - như Valisure đã phát hiện - benzen còn được tìm thấy trong các sản phẩm mỹ phẩm được hàng triệu người sử dụng. 

kem chống nắng
Một số loại kem chống nắng dạng xịt có chứa benzen - Ảnh minh họa

DailyMail.com đã nêu bật 4 loại sản phẩm mỹ phẩm mà benzen có thể đang ẩn giấu bên trong. 

Sản phẩm trị mụn

Benzoyl peroxide - một hoạt chất có trong nhiều sản phẩm trị mụn, có thể biến thành benzen khi gặp nhiệt

Một số sản phẩm mà Valisure thử nghiệm chứa hàm lượng benzen cao hơn 800 lần so với mức khuyến nghị của liên bang đối với benzen, một phần là do thực tế là các sản phẩm này có chứa một hóa chất gọi là benzoyl-peroxide. 

Benzoyl-peroxide được sử dụng trong nhiều phương pháp điều trị mụn trứng cá, bao gồm cả sữa rửa mặt và kem. Thông thường, nó ở dạng gel nhằm mục đích giảm lượng vi khuẩn trên bề mặt da gây ra mụn trứng cá. Khi benzoyl-peroxide tiếp xúc với nhiệt, nó sẽ bị biến đổi hóa học, biến thành benzen.  

Hiệp hội Mụn trứng cá và Rosacea Hoa Kỳ khuyến cáo, một số sản phẩm trị mụn nên được bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo an toàn hoặc bảo quản ở nơi khô mát vì nhiệt độ cao có thể kích hoạt phản ứng hóa học tạo ra benzen.

Kem chống nắng

Một số loại kem chống nắng dạng xịt có chứa benzen. Nghiên cứu năm 2022 của Valisure đã lấy mẫu 661 loại kem chống nắng từ 108 nhãn hiệu và kết quả đã tìm thấy benzen trong 192 loại - hay 29% - sản phẩm có nồng độ lớn hơn 2 ppm.

Kaury Kucera, Giám đốc khoa học của Valisure, đồng tác giả nghiên cứu viết trong một bài báo: “Một thương hiệu có thể có hàm lượng benzen rất cao trong một lô và cùng một nhãn hiệu đó có thể không phát hiện được benzen trong một lô khác ”. 

Xem thêm: 7 kiểu dùng kem chống nắng sai lầm mà bạn nên tránh

David Light, đồng sáng lập của Valisure nói với Daily Mail trước đó rằng, không giống như các sản phẩm trị mụn vốn tạo ra benzen từ các thành phần khác của chúng, nồng độ benzen trong kem chống nắng đến từ các tạp chất trong chuỗi cung ứng. 

FDA chưa xác định được nguồn gốc của benzen trong các sản phẩm này nhưng cho biết, nó có thể liên quan đến các hóa chất liên quan đến quá trình sản xuất. 

FDA nói với Consumer Reports vào tháng 12/2023: “Sự ô nhiễm này có thể liên quan đến các thành phần không hoạt động như carbomers (chất làm đặc), isobutane (chất đẩy phun) hoặc các thành phần thuốc khác làm từ hydrocarbon”. 

Dầu gội khô

Khoảng 70% dầu gội khô được Valisure thử nghiệm vào năm 2022 đều dương tính với benzen.

Chín trong số các chai dầu gội khô chứa lượng benzen gấp 10 lần giới hạn cho phép. Giống như kem chống nắng, các cơ quan quản lý tin rằng, hóa chất này đã xâm nhập vào sản phẩm trong quá trình sản xuất. 

Benzen được tìm thấy ở cả nhãn hiệu bình dân và đắt tiền với phạm vi giá cả từ 6 USD đến 40 USD. Sau phát hiện nhiều mẫu dầu gội khô chứa benzen, nhiều thương hiệu thu hồi sản phẩm khỏi kệ hàng.

Nước rửa tay

Nếu bạn để benzen dính vào da, nó vẫn có thể làm tăng nguy cơ ung thư

Vào tháng 7/2022, các nhà nghiên cứu từ Đại học New York đã tìm thấy benzen trong 31% sản phẩm – trên tổng số 200 loại nước rửa tay - mà họ đã thử nghiệm.

Các nhà khoa học thực hiện các thử nghiệm sau khi FDA đưa ra cảnh báo năm 2021 về benzen trong nước rửa tay, chủ yếu là những sản phẩm được sản xuất ở Mexico và Trung Quốc. 

Valisure cũng đưa ra cảnh báo độc lập vào năm 2021, phát hiện benzen trong 17% sản phẩm – trên tổng số 260 chai được thử nghiệm và 21 chai chứa hàm lượng benzen vượt quá giới hạn của FDA. 

Về việc làm thế nào benzen xâm nhập vào sản phẩm, các nhà dịch tễ học của Đại học Utah cho biết, có thể nó liên quan đến cách các nhà sản xuất tinh chế chất khử trùng.

Họ thường sử dụng benzen và các sản phẩm có nguồn gốc từ benzen trong quá trình này, những chất này được cho là sẽ biến mất khi sản phẩm được đóng chai.