Theo ThS, BS Vũ Xuân Thành (Giảng viên bộ môn Chấn thương Chỉnh hình trường ĐH Y Dược TPHCM, BS BV Chấn thương Chỉnh hình,TPHCM), khớp vai là khớp đảm nhận rất nhiều những chức năng giúp cơ thể con người vận động và làm việc. Khớp vai có biên độ vận động lớn nhất của cơ thể, chính vì thế đây cũng là khớp có thể xảy ra nhiều trục trặc nhất.
Những vấn đề thường gặp của khớp vai
Để phù hợp với sự tiến hóa của loài người trong việc cầm, nắm, hái, lượm, khớp vai có thể vận động theo nhiều hướng khác nhau. Chính vì hoạt động linh hoạt nên khớp vai có thể gặp rất nhiều vấn đề như:
- Bị đau khớp bả đau và làm giới hạn vận động của tay, vai.
- Khớp vai bị yếu, khiến các động tác của tay không mạnh như trước.
- Người đã từng bị trật khớp vai một lần thì khớp vai không còn chắc chắn và tình trạng trật khớp vai có thể tái phát nếu bạn làm việc nặng, vận động sai tư thế,...
Tuy nhiên trong tất cả các trục trặc có thể xảy ra ở khớp vai thì đau khớp bả vai được xem là vấn đề thường hay gặp nhiều nhất.
Tại sao lại bị đau khớp bả vai và khi nào cần phải phẫu thuật?
ThS, BS Đỗ Xuân Thành cho biết, khớp vai có khung xương cấu tạo bởi xương đòn, xương bả vai và chỏm xương cánh tay. Các xương này khớp với nhau tạo thành khớp cùng-đòn và khớp ổ chảo-cánh tay. Các khớp được giữ bằng các dây chằng và gân cơ bao khớp.
Đau khớp vai là bệnh lý thường gặp (Nguồn: Internet)
Các hình dáng khớp vai cho phép cánh tay có biên độ hoạt động rộng. Tuy nhiên, do sự đa chuyển động nên khớp vai dễ gặp các vấn đề như sự mất vững khớp vai hay sự chèn ép của mô mềm hoặc cấu trúc của xương, kết quả là gây ra đau khớp bả vai. Cơn đau này có thể xuất hiện khi bạn vận động, đau có thể xảy ra liên tục, có thể là tạm thời và cũng có thể kéo dài.
Phần lớn nguyên nhân gây ra đau khớp bả vai là do:
- Viêm quanh khớp vai hay rách gân cơ khớp vai.
- Tình trạng trật khớp tái phát sau khi khớp vai đã bị chấn thương, gọi là mất vững khớp vai.
- Thoái hóa khớp vai.
- Tai nạn giao thông gây chấn thương gãy xương vùng vai, khớp vai.
Khi bạn phát hiện những bất thường ở khớp vai như: đau khớp vai trái, đau khớp vai phải, đau nhức khớp vai... thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Tùy theo mức độ bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bảo tồn (không phải can thiệp phẫu thuật) và các phương pháp tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng hoặc sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Kỹ thuật nội soi khớp vai có những ưu điểm gì?
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị đau khớp bả vai bằng phương pháp nội soi. Nội soi khớp vai là thủ thuật được các bác sĩ thực hiện để điều trị các tổn thương bên trong khớp vai. Nội soi khớp vai đã được thực hiện trên thế giới vào những năm 1970, phục vụ cho chẩn đoán điều trị bệnh lý khớp vai. Kỹ thuật nội soi này được áp dụng ở Việt Nam vào khoảng 2004-2005.
Khi áp dụng nội soi khớp vai, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa vào khớp vai của người bệnh một ống soi thu nhỏ có đường kính khoảng 3mm, đầu ống có gắn một camera và một nguồn sáng lạnh được gọi là ống soi khớp. Ống soi này có thể quan sát tất cả các ngóc ngách của khớp vai và truyền tải hình ảnh lên màn hình tivi để bác sĩ phẫu thuật quan sát và thao tác trên các dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ.
Do các công cụ nội soi được đưa vào rất nhỏ, mỏng nên bác sĩ phẫu thuật nội soi có thể chỉ rạch các đường rạch rất nhỏ, nó không lớn giống như đường phẫu thuật mổ mở nên sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn và rút ngắn thời gian phục hồi so với phẫu thuật mổ mở.
Bệnh lý khớp vai nào có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi?
Theo ThS, BS Đỗ Xuân Thành, những bệnh lý thường được ứng dụng trong nội soi khớp vai là:
- Viêm, thoái hóa khớp.
- Rách chóp xoay.
- Chèn ép mỏm cùng vai.
- Rách sụn viền.
- Trật khớp vai tái hồi.
- Giới hạn vận động khớp vai, cứng khớp vai thường gặp ở người từ 40 – 60 tuổi.
Điều trị các vấn đề về khớp vai thường được chỉ định nội soi khớp vai (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, hiện nay nội soi khớp vai có thể hỗ trợ trong việc điều trị tái tạo dây chằng trong trường hợp bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn. Trên thế giới, người ta còn áp dụng hỗ trợ nội soi trong những trường hợp gãy xương ở nơi ổ chảo chuyển động, gãy đầu trên xương cánh tay, gãy đầu ngoài xương đòn...
Trường hợp nào cần phẫu thuật thay khớp vai?
Phẫu thuật thay khớp vai nằm trong nhóm các phẫu thuật thay thế các khớp, tuy nhiên ít phổ biến hơn phẫu thuật thay khớp gối hay thay khớp háng.
Cũng giống như quy định chung của các phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật thay khớp vai được cân nhắc tiến hành khi khớp bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động, thực hiện động tác và gây phiền toái cho bệnh nhân trong cuộc sống mà chủ yếu đặc biệt nhất là cảm giác khó chịu do đau. Có 2 nguyên nhân chính làm hỏng khớp vai đó là: thoái hóa khớp (hay gọi là hư khớp) và gãy phức tạp đầu trên xương cánh tay.
Ngoài các yếu tố gây tổn thương thực thể tại khớp tương tự như các phẫu thuật khớp khác, thì việc quyết định phẫu thuật thay khớp vai sẽ dựa trên đánh giá chuyên môn của bác sĩ và nguyện vọng mong muốn của bệnh nhân.
Hiện có rất nhiều các bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật thay khớp vai, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ hiệu quả nhưng đa số bệnh nhân đều hài lòng và trở lại với cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là bệnh nhân không còn thấy đau.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể sẽ phải đổi công việc khác sau khi thay khớp vai bởi vì sau khi thay khớp mới bạn có thể sẽ bị giới hạn hoạt động, không giống bình thường. Hơn nữa, bạn cũng không thể vận động mạnh như trước, do đó một số trường hợp cần thay đổi công việc để phù hợp hơn.
Sau phẫu thuật thay khớp vai cần lưu ý điều gì?
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật thay khớp vai thì việc tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh nhân không được “bất động” quá mức nhưng cũng không nên tác động quá nhiều. Tốt nhất vẫn nên đến gặp các chuyên gia phục hồi chức năng để được hướng dẫn việc tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng đúng và an toàn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phối hợp với các bác sĩ và chuyên gia hỗ trợ phục hồi chức năng trong quá trình tập luyện để có thể nhanh chóng trở về với sinh hoạt thường ngày.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: