Khớp gối là một trong những bộ phận hoạt động nhiều và chịu phần lớn trọng lượng cơ thể nên dễ bị tổn thương, sưng, viêm gây đau. Đau khớp gối ảnh hưởng đến khả năng đi lại, vận động của người bệnh nên việc điều trị càng sớm càng tốt.
1. Đau khớp gối uống thuốc gì?
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị đau khớp gối nhưng đơn giản và dễ thực hiện nhất là sử dụng các loại thuốc trị đau khớp gối. Vậy bị đau khớp gối nên uống thuốc gì?
Để chữa viêm đau khớp gối, người ta thường dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau. Các loại thuốc được khuyến cáo sử dụng bao gồm:
Tùy vào mức độ đau khớp gối mà sử dụng loại thuốc phù hợp (Nguồn: Internet)
1.1 Paracetamol
Đây là loại thuốc được khuyến cáo sử dụng đầu tiên, thường được chỉ định khi bị đau khớp gối nhẹ. Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định sử dụng phối hợp giữa Paracetamol với Tramadol. Liều lượng sử dụng phụ thuộc và tình trạng đau khớp gối của từng trường hợp cụ thể.
1.2 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các NSAID phổ biến là aspirin, diclofenac, ibuprofen,…có tác dụng chống viêm, giảm đau rất tốt. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý các loại thuốc này thường gây nhiều tác hại, đặc biệt là gây đau dạ dày, làm viêm loét dạ dày, thậm chí xuất huyết tiêu hóa.
1.3 Thuốc bôi ngoài da
Khi bị đau khớp gối, bạn có thể sử dụng các loại gel như Voltaren Emulgel,…có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng phụ. Bạn có thể bôi tại khớp gối từ 2 – 3 lần/ngày.
1.4 Thuốc tiêm glucocorticoid (gọi tắt là corticoid)
Trong một số trường hợp bị đau khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc dạng tiêm, tiêm trực tiếp vào khớp gối.
Tiêm nội khớp là chỉ định phải rất thận trọng, bác sĩ tiêm phải đúng cách, vô trùng, đúng thời gian của liệu trình để làm giảm phản ứng viêm trầm trọng ở khớp, làm giảm sự tăng sinh màng hoạt. Bác sĩ chỉ định tiêm corticoid phải cân nhắc kỹ vì nếu lạm dụng và tiêm không đúng sẽ gây ra các tai biến nặng nề như nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ,…
2. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm khớp gối
Dù điều trị viêm khớp gối bằng thuốc rất đơn giản nhưng bạn cũng cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau:
- Thăm khám trước khi sử dụng thuốc để nhận được những lời tư vấn bổ ích từ bác sĩ xương khớp.
- Sử dụng thuốc theo sự kê toa của bác sĩ, không bỏ ngang liệu trình khi thấy triệu chứng đau khớp gối đã hết.
- Uống thuốc đúng giờ và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu sử dụng thuốc gặp các triệu chứng bất thường thì cần đi khám ngay để bác sĩ cho hướng xử lý hiệu quả hơn.
- Không tự ý thay đổi thuốc hoặc dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào ngoài chỉ định của bác sĩ.
- Không uống thuốc giảm đau trong thời gian dài vì có thể gây nhờn thuốc hoặc có tác dụng phụ.
Lời khuyên: Mỗi người bệnh đau khớp gối sẽ được chỉ định loại thuốc cũng như liều lượng thích hợp, do đó nếu băn khoăn bị đau khớp gối nên uống thuốc gì thì tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng điều trị hiệu quả.
Trước khi dùng thuốc chữa đau khớp gối người bệnh nên thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ (Nguồn: Internet)
3. Đau khớp gối nên và không nên ăn gì?
3.1 Đau khớp gối ăn gì?
Để hỗ trợ điều trị đau khớp gối hiệu quả và nhanh chóng thì bạn nên bổ sung các thực phẩm như:
- Thực phẩm probiotics như sữa chua, sữa chua uống,…
- Chất béo lành mạnh như bơ thực vật, dầu dừa, dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt.
- Các loại ngũ cốc và các loại đậu chưa qua tinh chế.
- Nước hầm từ sụn sườn bò hoặc xương ống giàu hợp chất chondroitin và glucosamin, giúp xương chắc khỏe hơn.
- Bông cải xanh (súp lơ xanh) chứa nhiều vitamin K, vitamin C và nhiều hợp chất chống oxy hóa khác, có tác động tích cực lên xương sụn, chống viêm và tăng cường sức khỏe xương khớp.
- Thực phẩm giàu beta carotene như rau cải xanh, rau bina, khoai lang, cà chua, mùi tây, cà rốt,…giúp ngăn chặn và tiêu diệt kịp thời các gốc tự do gây tổn thương khớp gối.
3.2 Đau khớp gối kiêng ăn gì?
Sau đây là những thực phẩm người bệnh đau khớp gối cần kiêng:
- Kiêng những thực phẩm giàu photpho như phủ tạng động vật, thịt đỏ, thịt đã qua chế biến.
- Thức ăn chế biến sẵn, thức ăn chiên quá kỹ và nhiều dầu.
- Giảm muối, đường, hạn chế đồ uống ngọt.
- Kiêng ăn bắp, nếp vì chúng dễ gây nên tình trạng dị ứng dưới dạng viêm.
- Hạn chế các sản phẩm bơ sữa vì chúng chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng thêm tình trạng viêm đau.
Trên đây là những thực phẩm nên ăn và cần kiêng cho người bị đau khớp gối, hy vọng sẽ giúp bạn biết cách xây dựng cho mình chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.