1. Thắc mắc của thính giả:
Chào bác sĩ! Em bị cứng khớp, chân lạnh. Em đọc sách thấy người ta nói dùng rượu gừng xoa lên chân sẽ có hiệu quả. Vậy em muốn hỏi bác sĩ dùng rượu gừng xoa thường xuyên như vậy có tốt không?
Lạnh chân nên làm gì? (Nguồn: Internet)
2. Cách khắc phục bị lạnh chân thường xuyên
Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), có nhiều cách khắc phục chứng bệnh lạnh chân tay như:
2.1 Dùng rượu gừng xoa bóp
Nếu bạn không bị giãn tĩnh mạch chi dưới thì dùng rượu gừng xoa bóp chân là cách để bạn khắc phục chứng lạnh chân hiệu quả. Gừng ngâm rượu sẽ tạo ra một loại tinh dầu nóng giúp làm ấm tay chân khi bị lạnh.
Tuy nhiên, khi dùng rượu gừng bạn cần lưu ý là không chà xát mạnh vì tính nóng của rượu gừng có thể gây bỏng da. Ngoài ra, bạn chỉ nên dùng rượu gừng với liều lượng vừa phải.
2.2 Hơ nóng bằng điếu ngải
Điếu ngải là lá ngải cứu phơi, sấy, nghiền nát và được cuộn lại thành hình điếu. Khi đốt nóng nó sẽ tác động trực tiếp vào huyệt đạo để chữa nhiều bệnh.
Theo bác sĩ Bay, nếu bạn bị lạnh chân thường xuyên thì có thể dùng điếu ngải hơ nóng vào lòng bàn chân để giúp làm ấm bàn chân. Cách này có tác động như hình thức châm cứu.
2.3 Dùng lát gừng
Để khắc phục chứng lạnh chân, bạn có thể dùng 1 lát gừng đặt lên lòng bàn chân, sau đó dùng tâm nhang hơ nóng miếng gừng để hơi nóng được dẫn vào dũng tuyền (chính giữa lòng bàn chân). Cách này sẽ giúp cho bàn chân được ấm trở lạnh.
2.4 Ngâm chân với nước muối nóng
Ngâm chân với nước muối nóng là cách đơn giản nhất để bạn làm ấm bàn chân, loại bỏ chứng lạnh chân nhanh hơn.
2.5 Uống nước trà gừng
Nếu chân bạn luôn bị lạnh thì có thể uống nước trà gừng thường xuyên hơn. Nước trà gừng sẽ giúp làm ấm toàn bộ cơ thể, trong có bàn chân. Bạn có thể thái mỏng gừng thành nhiều lát, sau đó pha với nước nóng và uống như uống trà.
Như vậy, có rất nhiều cách để khắc phục chứng lạnh chân mà còn dễ dàng thực hiện. Do đó, nếu chẳng may gặp phải chứng bệnh này thì bạn hãy áp dụng những cách trên, nếu vẫn không mang lại hiệu quả thì bạn nên đi khám để được bác sĩ xem xét và đưa ra phương pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: