Chờ...

Tác dụng của rượu tỏi và cách dùng tốt cho sức khỏe

(VOH) – Rượu tỏi là một bài thuốc tuyệt vời đã được xác minh tính hiệu quả khi sử dụng. Vậy bạn đã biết cách ngâm rượu tỏi, cũng nhưng những tác dụng của rượu tỏi hay chưa?

Củ tỏi là một nguyên liệu có dược tính tốt, thường được dùng để giúp tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa một số bệnh. Có thể dùng tỏi theo nhiều cách khác nhau, nhưng thường thấy nhất chính là dùng tỏi đem ngâm với rượu để thành rượu tỏi.

1. Nguồn gốc của rượu tỏi

Rượu tỏi có nguồn gốc từ Ai Cập. Vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Ai Cập là một vùng đất nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt, nhưng điều đáng ngạc nhiên là sức khỏe của người dân nơi đây lại thuộc loại tốt, ít bệnh tật, tuổi thọ trung bình cũng rất cao.

ruou-toi-tac-dung-cach-ngam-va-cach-dung-tot-cho-suc-khoe-voh-0
Rượu tỏi có nguồn gốc từ Ai Cập (Nguồn: Internet)

Để tìm hiểu vấn đề này, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cử chuyên gia đến Ai Cập nghiên cứu, kết quả họ đã phát hiện mỗi gia đình tại nơi đây đều có một bình rượu tỏi. Người dân Ai Cập đã sử dụng rượu tỏi mỗi ngày để trị chứng trào ngược dạ dày, bệnh trĩ....

Khi rượu tỏi được đưa vào nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy trong rượu tỏi chứa nhiều thành phần hoạt tính giúp chữa và phòng được nhiều bệnh lý khác nhau. Khi kết luận này đưa ra, rất nhiều người đã bắt đầu nghiên cứu cách ngâm rượu tỏi để dùng hàng ngày nhằm giúp nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.

2. Tác dụng của rượu tỏi

Aliin được xem là thành phần nổi bật nhất trong tỏi. Đây là một loại axit amin khi được băm nhuyễn hoặc giã dập sẽ tạo thành allicin. Allicin có tác dụng dụng giảm viêm và có lợi trong ngăn ngừa oxy hóa. Ngoài ra, tỏi còn chứa nhiều enzyme, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Nhờ những thành phần này, thì tác dụng của rượu tỏi đối với sức khỏe như sau:

2.1 Chữa bệnh viêm khớp

Uống tỏi ngâm rượu giúp phòng và điều trị các bệnh về xương khớp như viêm, sưng khớp, thấp khớp, nhức mỏi xương khớp... vì trong rượu tỏi phần lớn allicin – một chất có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm.

Ngoài ra, thành phần selen trong rượu tỏi cũng có tác dụng ngăn ngừa những phản ứng viêm cho cơ thể.

Xem thêm: Ấn vào một khớp nào đó và cảm thấy đau, bạn có thể đang mắc một trong các loại bệnh viêm khớp

2.2 Điều trị các bệnh về hô hấp

Sử dụng rượu tỏi giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Hơn thế, nhờ khả năng kháng viêm, kháng khuẩn tốt nên uống rượu tỏi mỗi ngày sẽ ngăn chặn và tiêu diệt các yếu tố gây hại cho cơ thể như: virus, vi khuẩn, khói bụi... Đây đều là những tác nhân dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi, viêm phổi...

2.3 Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Một trong những công dụng của rượu tỏi là giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Rượu tỏi có khả năng tăng cường quá trình trao đổi chất và hỗ trợ tiêu hóa nhờ vào các axit amin được lên men tự nhiên trong quá trình ngâm rượu tỏi.

Rượu tỏi cũng là giải pháp hữu hiệu cho những ai thường xuyên bị đầy hơi, ợ chua, khó tiêu hoặc mắc các bệnh liên quan đến dạ dày.

Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả

2.4 Bảo vệ tim mạch

Uống rượu tỏi giúp điều chỉnh huyết áp ở mức bình thường. Bên cạnh đó, hoạt chất trong tỏi còn giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu và tăng hàm lượng cholesterol tốt; giảm các rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu; phòng ngừa nguy cơ xơ cứng động mạch vành, tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

ruou-toi-tac-dung-cach-ngam-va-cach-dung-tot-cho-suc-khoe-voh-2
Rượu tỏi có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

2.5 Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Củ tỏi có tác dụng giải phóng insulin trong máu, giúp giảm lượng đường có trong máu và nước tiểu. Vì thế, sử dụng rượu tỏi đặc biệt là rượu tỏi đen sẽ có thể giúp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

3. Tác hại của rượu tỏi

Mặc dù tác dụng của rượu tỏi cực kỳ tốt cho sức khỏe, tuy nhiên đã là thuốc thì sẽ phải có liều dùng thích hợp. Việc dùng rượu tỏi quá liều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như:

  • Gây hôi miệng
  • Rối loạn dạ dày-ruột
  • Ức chế tuyến giáp
  • Uống rượu tỏi nhiều gây nóng trong người dẫn đến táo bón
  • Gây ngứa với những người bị dị ứng với tỏi
  • Uống nhiều rượu tỏi có thể làm tổn hại gan

4. Cách ngâm rượu tỏi đúng cách

Rượu tỏi khá dễ ngâm và bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà, dưới đây là hướng dẫn cách ngâm rượu tỏi đúng cách:

4.1 Nguyên liệu

  • Tỏi: 300gr
  • Rượu gạo: 600ml
  • Chum sành (hũ/chai thủy tinh): 1 cái

4.2 Cách làm rượu tỏi

Tỏi mua về rửa sạch, để ráo. Sau đó bóc vỏ và cắt lát mỏng. Đây là cách giúp chất aliin trong củ tỏi biến thành allicin - một chất tốt cho cơ thể.

Xếp tỏi vào chum sành hoặc hũ thủy tinh (loại có nắp đậy). Tiếp theo, cho rượu gạo vào theo tỉ lệ 1 phần tỏi ngâm cùng 2 phần rượu.

Sau đó, đậy kín nắp chum sành hoặc hũ rượu ở nơi sạch sẽ, thoáng mát và khô ráo. Ngâm rượu tỏi trong 2 tuần. Sau đó có thể lấy ra sử dụng.

ruou-toi-tac-dung-cach-ngam-va-cach-dung-tot-cho-suc-khoe-voh-1
Rượu tỏi tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Lưu ý

  • Rượu tỏi sau khi ngâm cần được bảo quản ở nơi khô thoáng, nhiệt độ tốt nhất là dưới 25 độ C.
  • Không để rượu tỏi ở những nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
  • Rượu tỏi ngâm có thể sử dụng được khá lâu nhưng càng để lâu sẽ càng bị mất tác dụng. Do đó, một bình rượu tỏi chỉ nên dùng trong 1 năm.

5. Những lưu ý để uống rượu tỏi đúng cách tốt cho sức khỏe

Để sử dụng rượu tỏi một cách an toàn, hiệu quả bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

5.1 Không uống rượu tỏi cùng với các loại thuốc khác

Mặc dù uống rượu tỏi cùng lúc với các loại thuốc khác như thuốc Đông hoặc Tây y không gây độc hại, tuy nhiên tốt nhất là bạn không nên uống chung. Nguyên nhân là do các loại thuốc khác nhau khi uống cùng lúc có thể làm giảm tác dụng của nhau.  

Nếu bạn muốn dùng rượu tỏi nhưng đang dùng các loại thuốc điều trị khác thì bạn nên uống cách nhau khoảng 45 – 60 phút. Thời gian này đủ để thuốc ngấm vào cơ thể và tác dụng của thuốc cũng không bị ảnh hưởng.

5.2 Thời điểm uống rượu tỏi tốt nhất là sau khi ăn

Có thể dùng rượu tỏi bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất là uống vào những lúc bạn ít dùng thuốc nhất. Bạn có thể uống rượu tỏi sau khi ăn sáng, sau bữa ăn chiều hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Rượu tỏi có thể uống cả lúc no và lúc đói, tuy nhiên, bạn nên uống sau khi ăn để tốt cho dạ dày hơn. Uống rượu tỏi sau bữa ăn sẽ góp phần tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm mỡ trong máu, ngăn ngừa các mảng xơ vữa thành mạch, thành phần trong tỏi cũng giúp phòng ngừa bệnh tim mạch,…

5.3 Không dùng rượu tỏi quá liều lượng cho phép

Mỗi ngày, bạn có thể uống tối đa 20cc (1cc = 1ml) rượu tỏi. Sau khi ăn sáng, bạn có thể uống khoảng 10cc rượu tỏi và sau bữa ăn chiều bạn uống thêm khoảng 10cc rượu tỏi. Tuy nhiên, đây không phải là con số bắt buộc bạn phải dùng mỗi ngày, bạn có thể dùng với liều lượng thích hợp nhưng đừng quá 20cc, bởi vì rượu tỏi dùng nhiều cũng có thể gây hại cho gan và dễ làm nóng người.

Như vậy, mỗi ngày tối đa bạn chỉ nên uống khoảng 20cc rượu tỏi. Nếu không thể đo lường được thì mỗi lần uống bạn có thể dùng khoảng 1 muỗng cà phê rượu tỏi. 

5.4 Ai không nên uống rượu tỏi

Mặc dù tác dụng của rượu tỏi tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng thức uống này, những người sau đây không nên và hạn chế sử dụng rượu tỏi:

  • Không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.
  • Người bị tiêu chảy không nên dùng.
  • Người mắc bệnh tiểu đường và bệnh gan nên cân nhắc trước khi sử dụng.
  • Những người đang chuẩn bị tiến hành phẫu thuật thì không nên sử dụng.

5.5 Rượu tỏi ngâm lâu có uống được không ?

Rượu tỏi ngâm lâu vẫn có thể uống được, trung bình rượu có thể để được khoảng 1 - 3 năm. Nhưng muốn phát huy tối đa hiệu quả mang lại thì chỉ nên sử dụng hết trong vòng 1 năm và hạn chế sử dụng rượu tỏi ngâm lâu. Vì nếu để quá lâu thì mùi vị không còn ngon và mất đi bớt các tác dụng của rượu tỏi.

Nhìn chung, rượu tỏi có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng trước khi sử dụng bạn nên lưu ý những điều trên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như tận dụng tốt những lợi ích mà loại rượu này mang lại. 

Nghe lại phần tư vấn của bác sĩ Nguyễn Thị Bay về thời gian và liều lượng dùng rượu tỏi tại audio bên dưới: