Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

7 thói quen xấu hàng ngày làm suy giảm sức khỏe não bộ

(VOH) - Theo các chuyên gia, cuộc sống càng hiện đại, con người càng lười suy nghĩ, lười vận động não bộ, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân tích và tư duy.

Trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, tất cả chúng ta đều đang vô tình làm hại đến sức khỏe não bộ của mình. Theo các chuyên gia, cuộc sống càng hiện đại, con người càng lười suy nghĩ, lười vận động não bộ, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân tích và tư duy.

Nghiên cứu cho thấy, lối sống hiện đại công nghiệp hóa đã vô tình “thổi bay” các đường dẫn truyền nơ-ron thần kinh vốn có của bộ não, từ đó làm chúng ta suy nghĩ chậm chạp hơn, nặng nề hơn và dần dà sẽ mất đi khả năng tư duy như ban đầu vốn có. Thế giới số không biên giới với hàng tỷ siêu kết nối mỗi ngày đang ngày càng gây hại đến não bộ của con người. Cuối cùng, hậu quả để lại là con người sẽ hoạt động kém năng suất và hiệu quả hơn trước.  

Khi nói đến vấn đề sức khỏe, hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ đến việc chăm sóc các cơ quan trên cơ thể mà ít khi nghĩ bộ não cũng rất cần được rèn luyện và bồi dưỡng. Để trở nên thực sự khỏe mạnh, chúng ta cần cải thiện sức khỏe não bộ và tránh các nguyên nhân gây ra sự suy giảm các chức năng não bộ.

Hãy bắt đầu bằng cách điều chỉnh 7 thói quen xấu hằng ngày sau đây, tâm trí của bạn sẽ cảm ơn bạn rất nhiều.  

1. Cơ thể lười hoạt động, não bộ lười suy nghĩ

Cơ thể người là một khối thống nhất với các cơ quan hoạt động phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Bất kỳ sự ngừng trệ hoạt động nào của các cơ quan trên thông thường đều sẽ gây ra hậu quả. Một bộ não lười suy nghĩ, ít hoạt động thường sẽ tiềm ẩn rủi ro phát triển các bệnh mãn tính như bệnh về tim, béo phì, trầm cảm, mất trí nhớ và thậm chí là ung thư. Rất nhiều người trong chúng ta thường bận rộn tới mức không có thời gian dành cho các hoạt động vận động hết sức cơ bản như đi bộ, đạp xe… mà không biết rằng những vận động đơn giản này cũng giúp làm chậm tốc độ của việc suy giảm các vấn đề liên quan đến nhận thức và cải thiện sức khỏe não bộ.

Các nghiên cứu trên các ấn phẩm về tâm thần học uy tín trên thế giới đều cho thấy tác động của việc ít suy nghĩ có ảnh hưởng đến hình dáng của các nơ-ron thần kinh, từ đó có sự liên hệ rõ ràng giữa việc lười suy nghĩ và việc suy giảm các chức năng não bộ. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp tăng cường các chất xúc tác trong não giúp cải thiện trí nhớ, cải thiện hiệu suất học tập và làm việc.

2. Bạn nghĩ rằng mình “đa nhiệm”? Hãy nghĩ lại

Điện thoại thông minh ngày càng chiếm giữ nhiều vai trò trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, là công cụ vạn năng của rất nhiều người. Chúng ta sử dụng điện thoại hầu như mọi lúc, mọi nơi. Ta có thể vừa đi bộ băng ngang đường vừa nhắn tin, vừa kiểm tra email vừa họp trực tuyến, vừa đọc báo, nghe nhạc vừa xếp hàng mua sắm…

Chắc bạn cũng từng nghe nói rằng làm nhiều việc cùng lúc, hay “đa nhiệm”, là có hại cho năng suất làm việc. Nó cũng như việc bạn mắc quá nhiều dây chằng chịt trong não bộ của mình và sẽ khiến chúng làm việc kém hiệu quả.

Earl Miler, nhà nghiên cứu tâm thần học và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu hoạt động của bộ não, cho biết bộ não của chúng ta không được thiết kế để làm quá nhiều việc cùng một lúc. Khi một người nào đó nghĩ mình “đa nhiệm”, thực tế là não bộ của họ nhảy qua lại từ việc này qua việc kia rất nhanh; và cứ mỗi lần làm đều đó chúng ta đều khiến cho chức năng não bộ bị suy giảm.

“Đa nhiệm” cũng làm tăng hormone gây ức chế thần kinh cortisol và adrenaline. Đây là các loại hormone có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. Khi được tiết ra quá mức, các hormone này có thể gây ra tình trạng “não sương mù” hoặc dòng suy nghĩ bị lộn xộn.

7 thói quen xấu âm thầm làm suy giảm sức khỏe não bộ của chúng ta

Não bộ quá tải sẽ khó cho bạn trong hoàn thành công việc hằng ngày. Ảnh: Business Insider

3. Quá tải thông tin, não bộ bị kích thích không cần thiết

Một lượng lớn khối lượng công việc cần xử lý hàng ngày từ các email, cuộc gọi; hay những cập nhật, thông báo trên trang mạng xã hội từ sáng đến tối mịt đều gây ra sự quá tải thông tin mà chúng ta không hay biết hoặc không để ý. Dòng thông tin cuồn cuộn chảy mỗi ngày là một trong nhựng vấn đề khó chịu nhất, nếu không được quản lý hoàn toàn có thể gây căng thẳng cho não bộ của chúng ta. 

Nhiều người thường tự hào khi một ngày họ có thể xử lý được thật nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, theo Glenn Wilson - giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Gresham ở London, trong tình huống nếu như bạn đang tâm trung vào xử lý một việc nào đó và tâm trí thì lại đang lưu tâm về chiếc email chưa đọc trong máy tính thì việc này có thể khiến chỉ số IQ của bạn ngay lúc ấy giảm đi tận 10 điểm.

Để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của não bộ mỗi ngày, hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ tốt hơn và thiết lập chế độ “lọc thông tin” trong suốt cả ngày dài làm việc của bạn. Hãy tiếp nhận thông tin cần thiết và mạnh dạn để não bộ từ chối những dạng thông tin thừa thãi với mình. Một khi bạn nắm được cách tổ chức và hệ thống lại ma trận thông tin mà bạn tiếp nhận hàng ngày, đầu óc bạn sẽ tăng hiệu suất làm việc rõ rệt.

4. Ngồi quá lâu: Vô cùng có hại

Có thể nói, ngồi quá lâu chính là một trong những điều tệ hại nhất đối với sức khỏe của chúng ta. Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy rằng những người ngồi quá lâu hay làm việc tại chỗ quá lâu sẽ có các vùng tổ chức trong não bé hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ.

Ngồi quá lâu không chỉ là tác nhân gây hại đến thể chất mà còn là rủi ro đối với sức khỏe tâm thần. Bạn có thể giảm thời gian ngồi một chỗ bằng các vận động nhẹ nhàng như thỉnh thoảng đứng lên đi lại, khi làm việc hãy đứng - nếu có thể, dù chỉ 10 phút cũng giúp ích rất nhiều.

7 thói quen xấu âm thầm làm suy giảm sức khỏe não bộ của chúng ta

Cuộc sống công nghệ bó hẹp ngồi quá lâu một chỗ với quá nhiều thiết bị điện tử sẽ làm suy giảm chức năng não bộ. Ảnh: Buffer.com

5. Đừng nhìn màn hình quá nhiều

Ngày ngay, giao tiếp trực tiếp giữa người với người đã dần bị thay thế bởi các công cụ số hóa. Con người dành nhiều thời gian để lên mạng hơn bao giờ hết.

Một chuyên gia khác về tâm thần học là Tom Kersting đã lên tiếng cảnh báo: “Bất cứ món đồ nào có màn hình - như ti vi, điện thoại, máy tính bảng, máy tính, chơi game điện tử - đều gây hại tới não bộ. Trừ lúc chúng ta ngủ, còn lại hầu như cả ngày đều nhìn vào các loại màn hình khác nhau.”

Giao tiếp trực tiếp kiểu truyền thống thực sự mang lại nhiều lợi ích cho não bộ. Một nghiên cứu từ Đại học Michigan, Mỹ cho thấy chỉ cần 10 phút hội thoại trực tiếp mỗi ngày cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, trí nhớ và các vấn đề về nhận thức.

Sự thiếu hụt các tương tác trực tiếp, chia sẻ lẫn nhau giữa người có thể dẫn đến một số hội chứng như cô đơn, trầm cảm. Đây là các tác nhân đóng góp trực tiếp vào việc làm suy giảm chức năng não bộ.

Không chỉ vậy, nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử cả ngày dài còn có thể gây tổn thương mắt, tai, cổ, vai, lưng, gáy và cánh tay, từ đó chúng ta khó có được giấc ngủ ngon để tái tạo năng lượng sau một ngày dài lao động.

Ngoài ra, màn hình từ các thiết bị điện tử còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc và hành vi cá nhân của mỗi người chúng ta. Tạo một “biên giới” rõ ràng với màn hình điện tử là điều không thể trong thời đại ngày nay, tuy nhiên hãy sử dụng chúng một cách khoa học, có hiệu quả và đừng lạm dụng.

6. Tai nghe: Nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Vốn dĩ cuộc sống con người từ xưa đến nay không thể tách khỏi âm thanh. Ngày nay, tai nghe - với công nghệ ngày càng phát triển với nào là lọc tạp âm, chống ồn đã ra đời với sứ mạng phục vụ các thượng đế thích đắm chìm trong không gian âm nhạc của riêng mình. Tuy nhiên, điều này là đi ngược lại tự nhiên, tai chúng ta không phải nghe quá nhiều âm thanh khác ngoài âm thanh mình muốn và vì lẽ đó, sẽ gây hại đến chức năng nghe tự nhiên của bạn.

Một vấn đề khác khi sử dụng tai nghe đó là việc tăng âm lượng quá lớn. Việc này có thể phá hỏng tai của bạn. Mà nào có dừng lại ở đó, tai bị tổn thương sẽ dẫn đến não bị tổn thương, điển hình là các bệnh lý như Alzheimer. Trước đây căn bệnh này thường chỉ gặp ở người già, tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện nhiều ca bệnh Alzheimer là người trẻ tuổi.

Lý giải theo khoa học, khi bạn sử dụng tai nghe chống ồn, chức năng nghe tự nhiên bị tác động, não sẽ phải hoạt động nhiều hơn để “căng mình” ra hiểu những gì đang xảy ra xung quanh, từ đó mà không có chỗ để chứa những dữ liệu cần thiết vào bộ nhớ. Do đó, hãy sử dụng tai nghe một cách khoa học, âm lượng vừa đủ là cách để bảo toàn chức năng nghe tự nhiên và cho phép bộ não hoạt động tốt hơn.

7 thói quen xấu âm thầm làm suy giảm sức khỏe não bộ của chúng ta

Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò hết sức quan trọng với sức khỏe. Ảnh: Bonjour Bingo

7. Giấc ngủ kém, não bộ cũng kém

Các vấn đề của ngủ - một việc vô cùng quan trọng nhằm tái tạo năng lượng cho cơ thể - như mất ngủ, ngủ không sâu, không ngon…là tác nhân nghiêm trọng ảnh hưởng đến mọi hoạt động của cơ thể, trong đó có não bộ.

Giấc ngủ không chất lượng đều có ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn. Chúng có thể khiến bạn chậm chạp, ù lỳ, làm việc kém năng suất, ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, tâm trạng, gây đau đầu và mất cân bằng hormone trong cơ thể.

Cải thiện các thói quen ngủ là cách quan trọng để cải thiện luôn sức khỏe não bộ. Một giấc ngủ ngon từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm là cần thiết để tái tạo lại toàn bộ năng lượng cho cơ thể và kích thích não bộ tăng trưởng.

Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe tinh thân của mình và chất lượng làm việc của trí não, hãy học cách chăm sóc nhiều hơn nữa đến não bộ của mình. Một vài thay đổi nhỏ trong lối sống có thể giúp đẩy mạnh phát triển trí nhớ phục vụ cho việc học tập, làm việc và cải thiện sức khỏe toàn diện cho bạn.

Vinamilk

Bình luận