Viêm khớp ngón tay: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa

(VOH) - Viêm khớp ngón tay là căn bệnh nhiều người thường mắc phải, do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy bệnh này có nguy hiểm không và cách phòng ngừa bệnh thế nào?

Viêm khớp ngón tay là một trong các bệnh khớp thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh làm gây đau khiến ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ở nước ta, viêm khớp ngón tay chiếm tỉ lệ 14% và đứng hàng thứ tư trong các vị trí viêm khớp thường gặp.

Viêm khớp ngón tay là gì?

Viêm khớp ngón tay là tình trạng sụn nằm ở đầu các khớp ngón tay bị bào mòn đi hoặc thoái hóa, thường diễn ra từ từ trong nhiều năm. Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào như khớp ngón tay cái, khớp ngón tay út,....Khi các sụn bao phủ đầu xương bị giảm chất lượng, bề mặt trơn nhẵn của nó bị sần sùi, từ đó các xương chà xát với nhau sẽ dẫn đến ma sát và tổn thương khớp. Các tổn thương khớp có thể dẫn đến sự tăng trưởng của các xương mới dọc theo 2 bên xương hiện có (gai xương) hoặc có thể tạo ra khối gồ trên khớp ngón tay.

viem-khop-ngon-tay-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-1
Khi phần sụn bị bào mòn gây ra viêm khớp ngón tay (Nguồn:Internet)

Nguyên nhân viêm khớp ngón tay

Nguyên nhân chủ yếu gây đau nhức các khớp ngón tay thường xảy ra cùng với lão hóa gây nên. Bên cạnh đó, các chấn thương trước đó như bong gân nặng, gãy xương hoặc tổn thương khớp ngón tay có thể tác động tới sụn khớp, làm thay đổi hoạt động của khớp. Nếu không kịp thời điều trị, tình trạng đó sẽ dẫn đến viêm khớp ngón tay.

Ngoài ra, còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay như:

  • Là nữ giới;
  • Trên 40 tuổi;
  • Béo phì, thừa cân;
  • Mắc một số tình trạng di truyền như dây chằng khớp lỏng, các khớp bị biến dạng,...;
  • Các bệnh làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn khớp như viêm khớp dạng thấp;
  • Các hoạt động và công việc nặng, quá sức tạo áp lực lên ngón tay.

Triệu chứng viêm khớp ngón tay

  1. Đau khớp ngón tay

Đây là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh viêm khớp ngón tay. Cơn đau có thể xảy ra ở gốc ngón tay khi vận động cầm nắm một vật nào đó hoặc dùng lực ngón tay. Những biểu hiện đầu khi mắc bệnh, cơn đau chỉ xuất hiện khi người bệnh bắt đầu hoạt động cầm, nắm đồ vật. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng, cơn đau khớp ngón tay sẽ xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi.

  1. Biến dạng ngón tay

Khi bệnh viêm khớp ngón tay tiến triển, ngón tay thường biến dạng. Các khớp ngón tay bắt đầu hướng về một bên (về phía ngón út) - là hiện tượng lệch về phía xương trụ, có thể gây yếu tay và đau, gây khó khăn trong việc sử dụng bàn tay trong những hoạt động thường ngày;

  1. Biến dạng khớp liên đốt

Khớp liên đốt ngón tay bắt đầu xuất hiện khi thực hiện động tác gập hoặc duỗi quá mức, tạo thành các biến dạng đặc trưng gồm biến dạng cổ thiên nga và biến dạng boutonniere. Biến dạng cổ thiên nga là tình trạng các khớp liên đốt gần bị lỏng và duỗi quá mức, trong khi đó khớp liên đốt xa bị gập lại. Biến dạng boutonniere xuất hiện khi khớp liên đốt gần bị gập và khớp liên đốt xa duỗi ra.

  1. Sưng khớp liên đốt

Các khớp liên đốt gần bị to mặt sau, sưng và đau, tạo thành các nốt Bouchard. Các khớp liên đốt xa bị sưng to gọi là nốt Heberden.

  1. Các triệu chứng khác

Biểu hiện sưng, cứng, ấm và đau ở gốc ngón tay khiến người bệnh giảm sức mạnh khi cầm, nắm đồ đạc, phạm vi chuyển động tay và khớp tại gốc ngón tay to ra hoặc nhìn thấy cục xương.

Bệnh viêm khớp ngón tay có nguy hiểm không?

Trong y khoa, viêm khớp ngón tay còn được xem là triệu chứng cơ bản gắn liền với các bệnh lý viêm khớp bàn tay, hội chứng ống cổ tay, viêm khớp dạng thấp và hội chứng De Quervain (viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái).

Có thể thấy, mặc dù viêm khớp ngón tay khá phổ biến; nhưng nếu không được lưu tâm và chữa trị sớm thì sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm trên. Do đó, bạn cần nhận thức tốt về tình hình chứng viêm khớp cổ tay của mình để phòng ngừa sớm và chữa bệnh kịp thời.

viem-khop-ngon-tay-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-2
Bệnh viêm khớp ngón tay sẽ nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm (Nguồn:Internet)

Cách chẩn đoán bệnh viêm khớp ngón tay

  1. Nghiên cứu bệnh sử

Để chuẩn đoán chính xác bệnh tình, bước đầu tiên người bệnh cần cung cấp những thông tin chi tiết về tình trạng bệnh sử của cá nhân, cũng như của các thành viên trong gia đình. Bước này là cơ sở để bác sĩ xác định được phần nào nguyên nhân gây ra viêm khớp ngón tay ở người bệnh.

  1. Kiểm tra chức năng

Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cử động một số động tác vận động ngón tay để tìm kiếm, xác định dấu hiệu sưng, cục u nổi lên hoặc xem xét khả năng cử động của các khớp bàn tay và các khớp khác trên cơ thể. Trong quá trình vận động, nếu các khớp ngón tay phát ra tiếng, từ đó giúp bác sĩ xác định cơ bản được mức độ viêm khớp ngón tay ở người bệnh. 

  1. Kiểm tra bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Sau cùng, người bệnh sẽ được kiểm tra thông qua máy móc như chụp X-quang để xem xét những dấu hiệu của viêm khớp ngón tay, bao gồm các cựa xương, sụn bị mòn, mất khoảng trống của khớp,...Bằng kỹ thuật này, người bệnh sẽ nắm rõ được mức độ và diễn biến của bệnh khi được bác sĩ diễn giải chi tiết. 

Ấn vào một khớp nào đó và cảm thấy đau, bạn có thể đang mắc một trong các loại bệnh viêm khớp: (VOH) - Người bị bệnh viêm khớp luôn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và vận động hằng ngày. Nếu không chữa trị sớm, viêm khớp có thể gây đau nhức, đôi khi bị tàn phế do biến dạng khớp.

Cách chữa viêm khớp ngón tay

Để điều trị viêm khớp ngón tay, người bệnh có thể điều trị không can thiệp phẫu thuật hay phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhẹ hay nặng mà bác sĩ chẩn đoán. 

  1. Điều trị không can thiệp phẫu thuật

Trong giai đoạn đầu của viêm thoái hoá khớp ngón tay, việc điều trị chủ yếu là áp dụng các phương pháp không can thiệp phẫu thuật như:

  • Dùng thuốc uống: Với trường hợp khớp ngón tay chỉ đau khi làm việc nhiều hoặc nặng thì bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm nhẹ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần giảm hoạt động nặng hoặc ngưng làm công việc đòi hỏi nhiều cử động lặp lại của bàn tay và ngón tay để giúp kiểm soát triệu chứng bệnh;
  • Dùng thuốc tiêm: Việc sử dụng thuốc tiêm theo chỉ định của bác sĩ sẽ có tác dụng kháng viêm, chấm dứt cơn đau nhanh chóng, tăng khả năng vận động cơ và khớp cho người bệnh. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc chỉ kéo dài khoảng vài tuần đến vài tháng. Đồng thời, thủ thuật này cũng đi kèm nguy cơ nhiễm trùng khớp;
  • Phục hồi chức năng: Không thể bỏ qua liệu pháp vật lý trị liệu để giúp giảm triệu chứng của bệnh cũng như phục hồi các chức năng cho khớp ngón tay. Thông thường, bệnh nhân sẽ được học cách làm dịu cơn đau và các triệu chứng khó chịu, bao gồm các phương pháp như nghỉ ngơi, giảm đau bằng nhiệt hoặc dùng thuốc thoa ngoài da;
  • Băng thun hoặc nẹp ngón tay: Với phương pháp này, giúp người bệnh viêm khớp ngón tay giảm đau, ngăn ngừa biến dạng khớp ngón tay hoặc ngăn khớp bị biến dạng nặng hơn.
  1. Điều trị phẫu thuật

Với trường hợp viêm khớp ngón tay nặng, các phương pháp trên không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Do đó, người bệnh cần phải áp dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh viêm khớp ngón tay. 

  • Hàn xương: Phương pháp này được sử dụng phổ biến cho khớp liên đốt gần và liên đốt xa, mang lại hiệu quả tốt hơn và đơn giản hơn so với việc cố gắng giữ chuyển động của khớp ngón tay bằng cách thay khớp;
  • Thay khớp nhân tạo: Mục đích sử dụng phương pháp này nhằm tạo thành một bản lề mới, cho phép khớp chuyển động tự do, đồng thời giảm đau đớn cho bệnh nhân.

Các liệu trình này sẽ giúp người bệnh lấy lại được sự linh hoạt và sức mạnh cho các ngón tay, đồng thời chấm dứt được cơn đau dai dẳng mà căn bệnh viêm khớp tay gây ra. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải bó bột hoặc đeo nẹp ngón tay và cổ tay trong khoảng 6 tuần trước khi bước vào giai đoạn vật lý trị liệu thiết yếu. 

Cách phòng ngừa viêm khớp ngón tay

Để phòng bệnh viêm khớp ngón tay hiệu quả, trong sinh hoạt hằng ngày người bệnh cần tránh lao động quá sức, tận dụng các thiết bị hỗ trợ hoặc thay thế cho ngón tay, thường xuyên tập luyện nhẹ nhàng các khớp vào mỗi buổi sáng ngủ dậy, ngâm bàn tay mỗi ngày 2 lần qua nước ấm có pha nước muối sinh lý. Hơn hết, người bệnh viêm khớp ngón tay cần lưu ý chế độ dinh dưỡng của cá nhân.

viem-khop-ngon-tay-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-3
Để phòng ngừa viêm khớp ngón tay, bạn thường xuyên tập luyện nhẹ nhàng các khớp (Nguồn:Internet)

  1. Bệnh viêm khớp ngón tay nên ăn gì?

Để không trở thành nạn nhân của viêm khớp ngón tay, bạn cần bổ sung thập nhiều các loại thực phẩm như:

  • Quan trọng hơn hết, bạn cần bổ sung canxi để xương khớp luôn chắc khỏe bằng cách dung nạp các chất dinh dưỡng chứa trong nhiều loại hạt và ngũ cốc;
  • Chế độ ăn hàng ngày nên có các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ,...giúp làm chậm và ngăn chặn những nguy cơ gây ra tổn thương và lão hóa phần sụn đầu khớp;
  • Bổ sung omega-3 trong các loại cá biển và mỡ cá như cá thu sẽ giúp phần sụn bọc khớp luôn được linh hoạt, trơn chu, hỗ trợ hoạt động các khớp một cách thoải mái nhất.
  1. Bệnh viêm khớp ngón tay kiêng ăn gì?

Người bệnh viêm khớp ngón tay, cần hạn chế các loại thực phẩm sau đây:

  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo như các món ăn dầu mỡ, đồ ăn chiên xào hay đồ đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn. Các loại thực phẩm này sẽ kích hoạt tình trạng sưng viêm tại các khớp và khiến cho bạn thừa cân, béo phì;
  • Thực phẩm chứa nhiều axit oxalic như chuối tiêu, cà, canh cua cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau nhức, buốt nhói đáng sợ ở các khớp viêm; 
  • Bạn cũng nên hạn chế không ăn những món chế biến từ nội tạng động vật, cũng như sử dụng các chất kích thích như rượu và bia.

Viêm khớp ngón tay là một căn bệnh phổ biến và có thể hồi phục nhanh chóng nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, khi có biểu hiện sưng, đau ngón tay, tốt nhất bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác về tình hình sức khỏe, từ đó sẽ có phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.

Cách điều trị và lời khuyên dành cho người bị viêm khớp gối: Giới trẻ hiện nay thường rất chủ quan với bệnh viêm khớp gối vì cho rằng đây là căn bệnh của người già. Tuy nhiên, bệnh viêm khớp gối là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người trưởng thành.
Dù còn trẻ cũng đừng thờ ơ với bệnh viêm khớp dạng thấp, có thể bại liệt nếu bạn quá chủ quan: Việc tìm hiểu đầy đủ kiến thức về viêm khớp dạng thấp góp phần quan trọng trong việc nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả.