Amip là gì, gây ra những bệnh lý nào?

(VOH) - Amip còn gọi là trùng biến hình, việc ăn uống thiếu vệ sinh hoặc có thói quen ăn rau sống sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn amip. Vậy làm sao để phòng tránh loại vi khuẩn này?

Amip là gì?

Amip (hay a-míp) còn được gọi là trùng biến hình hoặc trùng chân giả, nó là dạng sự sống đơn bào có đặc trưng là hình dáng không theo quy luật nhất định.

Một số dạng amip có thể gây bệnh bao gồm:

amip-la-gi-gay-ra-nhung-benh-ly-nao-voh

Amip có nhiều dạng khác nhau (Nguồn: Internet)

  • Entamoeba histolytica là nguyên nhân gây ra bệnh lỵ amip (amoebiasis).
  • Naegleria fowleri (hay còn gọi là amip ăn não) là loài bản địa nước ngọt có thể gây ra tử vong ở người nếu bị lây nhiễm theo đường mũi.
  • Acanthamoeba có thể gây ra viêm giác mạc (keratitis) và viêm não (encephalitis) ở người.
  • Balamuthia mandrillaris là nguyên nhân gây ra viêm màng não do amip tiên phát, thường có thể dẫn đến tử vong.

Nhiễm amip xảy ra ở khắp nơi trên thế giới nhưng nhiều nhất và nặng nhất là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tỷ lệ nhiễm amip có thể lên đến 40%. Ước tính có khoảng 50 – 100 triệu ca bệnh amip xâm nhập và có tới 1 triệu trường hợp tử vong hàng năm trên toàn thế giới.

Các bệnh lý do amip gây ra

  1. Nhiễm amip đường ruột

Ở hầu hết những người bị nhiễm bệnh, ký sinh trùng tồn tại trong tình trạng cộng sinh và bệnh nhân không có triệu chứng.

  • Viêm đại tràng nhẹ đến vừa (viêm đại tràng không dạng lỵ): Bệnh nhân đi ngoài vài lần trong một ngày, phân nát, có nhầy nhưng không có máu. Người bệnh có thể đau bụng, trướng bụng, mệt mỏi và sút cân. Ở một số bệnh nhân nhiễm trùng mãn tính, đại tràng dày và có thể sờ thấy, nhất là vùng manh tràng và đại tràng.
  • Viêm đại tràng nặng (hội chứng lỵ): Khi mức độ nhiễm amip ở ruột nặng lên, số lần đi ngoài sẽ tăng lên, phân không còn nát mà trở nên lỏng, bắt đầu xuất hiện đi cầu ra máu. Ở mức độ rất nặng, bệnh nhân có thể mê sảng, đau quặn bụng, gan trở nên to và đau không đặc hiệu. Các biến chứng có thể gặp gồm viêm ruột thừa, thủng ruột, viêm đại tràng, nguy hiểm nhất là bệnh nhân có thể tử vong.
  • Các tổn thương loét khu trú ở đại tràng: Người bệnh đi ngoài phân khuôn lẫn máu. Loét giới hạn ở manh tràng có thể gây tiêu chảy nhẹ và các triệu chứng giống viêm ruột thừa cấp tính.
  • Tổn thương u hạt khu trú đại tràng (u amip): Bệnh lý này xuất hiện khi các tổ chức hạt tạo ra quá nhiều do phản ứng với nhiễm amip trong bệnh lỵ, hoặc tiến triển dần dần trong nhiễm amip ruột mạn tính. Các triệu chứng lâm sàng là đau bụng, tắc ruột và xuất huyết.
  1. Nhiễm amip ngoài ruột

  • Bệnh amip gan: thường gặp là áp xe gan amip, các biểu hiện chủ yếu là sốt cao, đau ngực, gan to và mềm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mệt mỏi, vã mồ hôi, rét run, chán ăn, gầy sút.
  • Bệnh amip ngoài ruột khác: Nhiễm amip ngoài da có thể phát triển ở vùng hậu môn. Các ổ dịch bệnh amip đôi khi có thể xuất hiện khắp nơi trong cơ thể, nhất là ở phổi, não và các cơ quan đáy chậu.

Nguồn lây nhiễm amip và cách điều trị

Bạn có thể bị nhiễm amip do ăn hoặc uống phải nguồn thức ăn có vi khuẩn amip. Thực phẩm hoặc bàn tay bị dính phân có nhiễm amip là con đường lây nhiễm phổ biến nhất, đặc biệt là khi ăn những loại rau mọc ở chỗ đất nhiễm phân người hoặc rau được bón bằng phân.

Nguồn lây ít gặp hơn là truyền qua nước, qua giao hợp đường miệng qua hậu môn và hiếm hơn là các dụng cụ bơm rửa ruột già.

amip-la-gi-gay-ra-nhung-benh-ly-nao-voh

Bón rau bằng phân tươi từ người và động vật có nguy cơ bị nhiễm amip khi ăn rau (Nguồn: Internet)

Khi kén (amip thời kỳ nghỉ) xâm nhập vào cơ thể con người qua đường miệng, đến ruột non thì vỏ bao sẽ bị dịch tiêu hóa phá vỡ trở thành amip ở dạng hoạt động, ở đây chúng tồn tại vô hại trong ruột phần lớn bệnh nhân. Khoảng 10% số người bị nhiễm amip thì các thể hoạt động này xâm nhập vào niêm mạc ruột gây viêm ruột hoặc đi vào máu tới các cơ quan gây áp – xe như gan, phổi, não… nhưng thường gặp nhất là bệnh amip đường ruột.

Nếu nhận thấy những triệu chứng bị nhiễm amip, đặc biệt là biểu hiện ở ruột thì hãy đến bệnh viện để thăm khám và làm xét nghiệm. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nhiễm amip bằng cách kiểm tra bệnh sử và khám trực tiếp cho bạn. Đồng thời, bác sĩ cần ít nhất 3 mẫu phân để kiểm tra ký sinh trùng thông qua kính hiển vi. Bác sĩ có thể dùng đến phương pháp nội soi đại tràng để lấy mẫu ruột khi cảm thấy các kết quả các xét nghiệm khác không chắc chắn.

Bệnh do amip có thể điều trị bằng thuốc, bạn có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị hiệu quả.

Lưu ý: Lỵ amip, áp xe gan hoặc u amip không điều trị có thể gây tử vong cao. Điều trị trong giai đoạn sớm của bệnh thì có tiên lượng tốt hơn.

Phòng tránh nhiễm amip bằng cách nào?

Các biện pháp phòng bệnh bao gồm:

  • Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, nên ăn chín, uống chín.
  • Bảo vệ thức ăn khỏi ruồi.
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu nướng và ăn.
  • Rửa rau nhiều lần dưới vòi nước chảy trước khi sử dụng.
  • Hạn chế tối đa ăn ở hàng quán, vỉa hè.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang dieutri.vn
  2. Trang hellobacsi.com
  3. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
Hiểu đúng về vi khuẩn E.coli: Hiểu đúng và đầy đủ về vi khuẩn E.coli là cách để bạn phòng tránh các bệnh lây nhiễm từ loại vi khuẩn này. Dưới đây là những kiến thức cần biết về vi khuẩn E.coli. 
Phát hiện các virus có thể tiêu diệt vi khuẩn trong giẻ rửa bát: Nghiên cứu mới về các loại virus trong giẻ rửa bát có thể ăn vi khuẩn có thể hữu ích trong cuộc chiến chống vi khuẩn, vốn không thể tiêu diệt chỉ bằng thuốc kháng sinh.