Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bà bầu nghe nhạc và những lợi ích tuyệt vời

(VOH) – Cùng với việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì bà bầu nghe nhạc cũng là một hình thức để giúp mẹ bảo vệ sức khỏe, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về trí tuệ và khả năng của trẻ.

Cho con nghe nhạc từ trong bụng mẹ được xem là một hình thức thai giáo mang đến nhiều hiệu quả trong việc nâng cao sự phát triển não bộ và kết nối thần kinh thai nhi. 

Lợi ích kì diệu khi bà bầu nghe nhạc

Khả năng nghe của bé được hình thành khi thai phát triển đến tháng thứ 3 thai kỳ. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy thai nhi có thể nhận biết và phản ứng với các âm thanh bên ngoài. Đồng thời những giai điệu âm nhạc sẽ mang lại các lợi ích tuyệt vời cho thai nhi như:

  • Giúp thai nhi phát triển 

Mặc dù vẫn chưa có những kết luận chính thức về tầm ảnh hưởng của âm nhạc lên sự phát triển của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng khi bà bầu nghe nhạc, thai nhi có thể nghe thấy và phản ứng lại những âm thanh bằng cử động, mặc dù các chuyên gia vẫn chữa biết được chính xác những cử động của bé yêu đang biểu hiện điều gì.

  • Giúp thai nhi khỏe mạnh

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy âm nhạc có thể tạo ra nhiều tác dụng tích cực lên trẻ sinh non như làm giảm đau đớn, khó chịu mà trẻ gặp phải. Âm nhạc cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc phải các vấn đề về thần kinh sau khi sinh ở thai nhi.

  • Kích thích khả năng học trước khi sinh của thai nhi

Bà bầu thường xuyên nghe nhạc sẽ xây dựng được cho con thói quen nghe nhạc ngay từ trong bụng mẹ. Nếu sau khi sinh ra, bé được nghe lại những bài hát mình thường nghe trong giai đoạn mang thai sẽ giúp bé cảm nhận được sự quen thuộc của nhịp điệu.

  • Hỗ trợ tốt cho kỹ năng ngôn ngữ sau này

ba-bau-nghe-nhac-va-nhung-loi-ich-tuyet-voi-voh

Bà bầu nghe nhạc là một trong những cách thai giáo con yêu từ trong bụng mẹ (Nguồn: Internet)

Một vài nghiên cứu cho thấy, thai nhi được tiếp xúc với 70 giờ âm nhạc cổ điển trong vài tuần cuối của thai kỳ, bé sẽ có khuynh hướng phát triển thể chất và tinh thần tích cực hơn sau khi sinh. Cụ thể, những đứa trẻ này sẽ phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và vận động nhanh hơn những trẻ không nhận được kích thích âm nhạc trong thai kỳ.

  • Nâng cao kỹ năng vận động ở trẻ

Khi thai nhi có những phản ứng như cử động trong bụng mẹ khi cảm nhận được nhịp điệu hay âm thanh của âm nhạc sẽ giúp bé phát triển mạnh về thể chất và kỹ năng vận động của bé.

Nghiên cứu thực tế cũng cho thấy, những đứa trẻ được giáo dục sớm về âm nhạc sẽ có thiên hướng vận động tốt hơn những trẻ không được học âm nhạc từ nhỏ. 

  • Cải thiện mô hình giấc ngủ của trẻ

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu có thể tạo ra sự kết nối sâu sắc với bé thông qua âm nhạc. Khi mẹ bầu nghe nhạc thai nhi cũng sẽ được nghe nhạc và những âm thanh đó có tác dụng tốt cho em bé ngay cả khi bé được sinh ra.

Nếu bé được chơi với các loại đồ chơi có âm nhạc mà mẹ đã nghe trong khi mang thai khiến bé khóc ít hơn, ăn nhiều hơn và ngủ nhiều hơn.

  • Kết nối tình cảm giữa mẹ và con

Âm nhạc là sợi dây tuyệt vời để kết nối tình cảm giữa hai mẹ con. Mỗi ngày, khi mẹ bầu nghe nhạc, thai nhi cũng có thể cảm nhận được âm nhạc cũng như tình yêu của mẹ dành cho bé qua từng bản nhạc.

  • Giúp mẹ bầu giảm căng thẳng khi mang thai

Một số phụ nữ thường gặp nhiều áp lực tâm lí khi mang thai như do sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể, quá lo lắng trong thai kỳ và tương lai làm mẹ… có thể gây ra căng thẳng, trầm cảm trong thai kỳ. Việc nghe nhạc có thể giúp cho mẹ thoải mái, thư giãn hơn. Âm nhạc sẽ giúp cho mẹ bầu tác động tích cực lên thai nhi, vì khi mẹ thư giãn, bé cũng sẽ khỏe mạnh, linh hoạt hơn.

Bà bầu cho thai nhi nghe nhạc khi nào?

Theo nghiên cứu, từ tuần thứ 16 trở đi, thai nhi đã có thể cảm nhận được các âm thanh từ bên ngoài, do đó từ tuần thai thứ 16 trở về sau được xem là giai đoạn thích hợp để các mẹ bầu bắt đầu cho bé nghe nhạc.

Thông thường, thai nhi có khuynh hướng ngủ khi mẹ hoạt động và thức khi mẹ nghỉ ngơi, thư giãn. Do đó, các mẹ bầu nên chọn thời điểm khi cơ thể mình muốn nghỉ ngơi để nghe nhạc. Lúc đó, mẹ có thể để mình được thả lỏng một cách thoải mái nhất và chỉ tập trung tận hưởng những bản nhạc, đó cũng là lúc mà bé yêu của mẹ cảm nhận được các giai điệu một cách rõ nhất.

Mẹ có thể vừa nghe nhạc vừa hát du dương hoặc đung đưa người theo điệu nhạc, như thế cũng sẽ tạo cho bé yêu rất nhiều hứng khởi.

Tuy nhiên, cần lưu ý mẹ bầu chỉ nên nghe nhạc mỗi ngày khoảng 20-30 phút , trong lúc nghe nhạc các mẹ chỉ nên tập trung vào âm nhạc và tạm thời quên đi những công việc khác để đạt được hiệu quả. Bởi nếu mẹ thật sự cảm thụ bài hát bằng tâm hồn của mình thì bé yêu của mẹ cũng thế, từ đó hiệu quả của việc nghe nhạc cũng sẽ được phát huy.

Bầ bầu nghe nhạc gì?

Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ bầu nên tìm các loại âm thanh hài hòa và có giai điệu cơ bản. Những thay đổi đáng kể về nhịp điệu, nhịp độ và âm lượng của âm nhạc có thể làm xáo trộn cảm nhận và khiến em bé giật mình.

ba-bau-nghe-nhac-va-nhung-loi-ich-tuyet-voi-1-voh

Bà bầu nên lựa chọn những loại nhạc phù hợp để giúp thai nhi phát triển tốt nhất (Nguồn: Internet)

Âm nhạc cổ điển là lý tưởng đối với thai nhi, vì thai nhi trong bụng mẹ sẽ thích những âm thanh êm dịu hơn và có thể bắt đầu tập thở theo thời gian với nhạc. Mẹ bầu có thể thử nghe một số bản nhạc cổ điển được ưu chuộng dành cho thai nhi như nhạc của Beethoven, Mozart hoặc Bach….

Mẹ cũng có thể nghe nhiều loại nhạc khác nhau theo sở thích của mình, không nhất thiết phải là một loại nhạc đơn điệu để đạt tâm lý thoải mái, thư giãn. Nhạc Jazz, nhạc cổ điển, nhạc không lời… là những lựa chọn thú vị để mẹ tham khảo.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thử các kiểu nhạc khác không quá ồn ào, chẳng hạn như nhạc R&B và nhạc Pop chậm.

Âm thanh của thiên nhiên như tiếng nước và sóng biển hoặc tiếng đàn, tiếng sáo,… cũng rất phù hợp và giúp âm nhạc tiếp xúc nhẹ nhàng với em bé trong tử cung. 

Các mẹ không nên lựa chọn những dòng nhạc mạnh như Rap, Rock vì những âm thanh mạnh, lộn xộn của loại nhạc này sẽ không phù hợp và làm cho chức năng não bộ của bé bị thay đổi một cách tiêu cực như khiến bé bị stress, hệ thần kinh phát triển kém và ảnh hưởng lâu dài ngay cả sau sinh. 

Âm lượng nhạc phù hợp với bé yêu trong bụng

Tử cung là một nơi ồn ào vì có tiếng dạ dày, tiếng nhịp tim và cả nhịp điệu của hơi thở. Giọng nói sẽ được khuếch đại do sự rung động và dẫn âm thanh qua xương trong cơ thể. Do đó, mẹ bầu không nên nói, hát hoặc đọc to, giọng nói của mẹ có thể bị rung và ảnh hưởng không tốt đến thanh quản của bạn.

Trong khi mang thai, mẹ bầu nên ở những nơi có tần số âm thanh từ 50 – 60dB hoặc một cuộc trò chuyện bình thường. Nếu muốn cho bé nghe nhạc, mẹ cần thực hiện đúng cách, đó là:

  • Khi đeo tai nghe vào bụng, chỉ mở âm lượng như thì thầm. Nếu mở loa ngoài, cũng với âm lượng vừa đủ nghe. 
  • Khi muốn nghe nhạc lâu hơn một chút, hãy duy trì âm thanh ở mức thấp hơn 50dB. Việc bà bầu nghe nhạc đúng cách sẽ giúp con yêu phát triển tâm sinh lý tốt.

Lưu ý: Nên tránh các buổi hòa nhạc lớn thường xuyên trong khi đang mang thai hoặc xem phim ở một rạp chiếu lớn. Tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn sẽ khiến thai nhi bị giật mình hoặc gặp phải tổn thương về thính giác hay não bộ

Dưới đây là một số thông số âm lượng của những âm thanh trong gia đình thường gặp:

  • 50 – 75 dB: máy giặt
  • 55 – 70 dB: máy rửa chén
  • 60 – 85 dB: máy hút bụi
  • 60 – 95 dB: máy sấy tóc
  • 65 – 80 dB: đồng hồ báo thức
  • 75 – 85 dB: tiếng gạt nước bồn cầu
  • 80 dB: tiếng reo điện thoại.

Như vậy, việc bà bầu nghe nhạc không chỉ là một phương pháp thư giãn tuyệt vời cho mẹ bầu mà nó còn là một cách hiệu quả giúp thai nhi phát triển tốt hơn. Thế nhưng, các mẹ hãy lưu ý cho con nghe nhạc đúng cách để đạt được hiệu quả như mong đợi nhé! 

Thai giáo là gì? Những cách thai giáo tốt cho bé yêu từ trong bụng mẹ : Trong những năm gần đây nhiều phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến thai giáo cho bé yêu từ khi còn ở trong bụng mẹ. Vậy thai giáo là gì? Có những phương pháp thai giáo nào tốt cho bé?

Bảng tiêu chuẩn cân nặng thai nhi mới nhất 2019, chuẩn theo tuần tuổi : Ở mỗi tuần thai nhi sẽ có những mức cân nặng khác nhau, mẹ bầu cần biết những mốc chuẩn nhất định để xác định sức khỏe và sự phát triển của bé.
Bình luận