Bệnh nhi T.M. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) có tiền sử động kinh. Thấy con co giật nhiều nên gia đình bé đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho trẻ uống.
Sau khi dùng thuốc 2 tuần, các cơn giật của trẻ không giảm mà còn tăng lên kèm theo nôn, đau đầu, lơ mơ dần. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán ngộ độc chì nặng. Các bác sĩ đã lập tức hồi sức tích cực để đảm bảo chức năng sinh tồn cho trẻ.
Sau khi nhập viện 1 ngày, tình trạng tri giác của bệnh nhi xấu dần, tăng áp lực nội sọ nặng, đe dọa đến các chức năng sống và bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch,…
Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như: Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, pin, đồ chơi bằng nhựa có sơn chì, đồ hộp đựng thức ăn có hàn chì,…
Đặc biệt, dùng các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu và phổ biết nhất gây ngộ độc chì ở trẻ em.
Trẻ ngộ độc chì có các biểu hiện cấp tính: Kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, mất các kỹ năng học tập, thay đổi thái độ hành vi, mệt mỏi.
Trẻ có thể nôn, đau bụng, chán ăn; da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu. Ngoài ra, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.