Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh basedow là gì, nhận biết và điều trị bằng cách nào?

(VOH) - Bệnh basedow là bệnh lý thường gặp trong các bệnh nội tiết, chiếm khoảng 10 – 30% các bệnh lý tuyến giáp. Vậy làm sao để nhận biết sớm căn bệnh này để điều trị kịp thời?

1. Basedow là bệnh gì?

Bệnh Basedow (hay bệnh Graves, bệnh Parry, bệnh bướu giáp độc lan tỏa hoặc bệnh cường giáp tự miễn) là một rối loạn miễn dịch dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá tích cực. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra hormone thyroid kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ làm cho hormone này tiết ra nhiều và gây ra bệnh cường giáp.

Bệnh Basedow là một căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ trẻ từ 21 – 30 tuổi.

benh-basedow-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-bang-cach-nao-voh

Bệnh Basedow là bệnh tự miễn, đặc trưng bởi cường chức năng tuyến giáp (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh Basedow

Bệnh Basedow xảy ra do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch (còn gọi là bệnh tự miễn). Khi đó, hệ miễn dịch sẽ tấn công ngược lại các mô trong cơ thể và dẫn đến tuyến giáp hoạt động bất thường.

Chính sự hoạt động bất thường của cơ quan này làm cho hormone tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn bình thường. Đây là bệnh có thể di truyền nhưng không lây lan cho người khác.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow gồm có:

  • Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ mắc bệnh Basedow cao hơn nếu trong gia đình có người mắc bệnh Basedow.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh Basedow hơn nam giới, do bệnh liên quan mật thiết đến nồng độ estrogen ở nữ.
  • Độ tuổi: Bệnh Basedow xuất hiện ở những người trẻ hơn 40 tuổi.
  • Rối loạn miễn dịch khác: Những người bị rối loạn hệ thống miễn dịch như bệnh tiểu đường tuýp 1 hay viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh.
  • Căng thẳng thần kinh và thể chất cũng dễ mắc bệnh Basedow.
  • Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh Basedow.

3. Biểu hiện của bệnh Basedow

Bệnh Basedow thường có biểu hiện của hội chứng cường giáp với các triệu chứng như:

  • Ăn khỏe.
  • Tinh thần bất ổn.
  • Nhịp tim nhanh thường xuyên (hơn 90 lần/phút) tiếng tim đập mạnh.
  • Huyết áp tăng.
  • Xuất hiện bướu cổ lan tỏa.
  • Run đầu chi.
  • Gầy, sút cân mặc dù ăn uống bình thường, thậm chí ăn nhiều.
  • Mắt lồi.
  • Tính tình thất thường, hay cáu gắt hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm.
  • Rối loạn điều hòa thân nhiệt với biểu hiện da nóng ẩm, có tăng nhẹ nhiệt độ.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Rối loạn sinh dục với biểu hiện là suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt.

benh-basedow-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-bang-cach-nao-voh

Mắt lồi là biểu hiện của bệnh Basedow (Nguồn: Internet)

Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện chuyên khoa nội tiết để được thăm khám. Các bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp cận lâm sàng để giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

4. Bệnh Basedow có nguy hiểm không?

Basedow là bệnh nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt là trong tình trạng cơn bão giáp – một biến chứng rất nặng của căn bệnh này.

Khi bị cơn bão giáp, bệnh nhân sẽ sốt cao 40 – 41 độ C, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh,…

5. Điều trị bệnh Basedow như thế nào?

Hiện nay, có 3 biện pháp điều trị bệnh Basedow là:

  • Điều trị nội khoa.
  • Xạ trị.
  • Phẫu thuật cắt gần như toàn bộ tuyến giáp.

Ở nước ta, người ta ưu tiên chọn phương pháp nội khoa. Vì các chuyên gia nội tiết khuyến cáo rằng sử dụng biện pháp này thì tỷ lệ lui bệnh cao, ít gây suy giáp trường diễn, ít ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ so với điều trị xạ hoặc phẫu thuật.

Điều trị nội khoa là biện pháp được chỉ định khi bệnh mới phát hiện, tuyến giáp to vừa, không có nhân Basedow, chưa có biến chứng, bệnh nhân có điều kiện điều trị lâu dài để theo dõi. Hiện có 3 loại thuốc kháng giáp được sử dụng trong điều trị nội khoa là methimazole, carbimazole và PTU. Trong máu, carbimazole được chuyển hóa thành MMI, vì thế trên thực tế có thể coi có 2 loại thuốc kháng giáp cơ bản là MMI và PTU.

benh-basedow-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-bang-cach-nao-voh

Khi có biểu hiện của bệnh Basedow bạn nên đi thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và dễ dàng (Nguồn: Internet)

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh PTU độc hơn và không tiện sử dụng hơn so với MMI. Vì thế FDA đã khuyến cáo không sử dụng PTU trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow.

Hầu hết các trường hợp trở về bình giáp sau 1 – 2 tháng điều trị, tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn đạt 60 – 70% sau 12 – 18 tháng điều trị.

Trong trường hợp, điều trị bệnh Basedow bằng tia phóng xạ hoặc phẫu thuật, người bệnh sẽ phải dùng hormone thyroid thay thế suốt đời.

Một số bệnh về mắt do Basedow gây ra có thể được điều trị bằng cách phóng xạ i-ốt, dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp phóng xạ i-ốt thường không đem lại hiệu quả cao và đôi khi gây ra những tổn thương cho mắt. 

Tóm lại, Basedow là bệnh nội tiết thường gặp đi kèm với nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm là phương pháp tiện lợi, an toàn, giúp chẩn đoán bệnh hiệu quả. Qua đó, người bệnh được chữa trị đúng cách, khỏi bệnh và trở lại với cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Bình luận