Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bí quyết pha sữa đúng cách cho bé yêu chuẩn nhất

VOH – Để sữa bột phát huy được tác dụng, giúp bé bổ sung dưỡng chất phát triển chiều cao, cân nặng và trí tuệ thì các mẹ cần phải biết cách pha sữa đúng. Vậy pha sữa đúng cách là như thế nào?

Pha sữa đúng cách cho trẻ uống là một trong những việc rất quan trọng. Nếu mẹ pha sữa sai cách sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, khiến bé không hấp thu được đầy đủ nguồn dinh dưỡng. Để bé yêu có thể hấp thu một cách trọn vẹn nhất những chất dinh dưỡng có trong sữa, bài viết này sẽ giúp bạn có được đầy đủ kiến thức từ khâu chuẩn bị dụng cụ pha sữa, lượng sữa cần pha cũng như cách pha sữa đúng cách.

1. Chuẩn bị dụng cụ cho bú

Trước khi thực hiện pha sữa bột cho con, các mẹ cần chuẩn bị các thứ sau:

  • Sữa bột
  • Nước sạch
  • Bình đựng sữa
  • Núm vú
  • Dụng cụ khử trùng

bi-quyet-pha-sua-dung-cach-cho-be-yeu-chuan-nhat-voh

Vệ sinh và khử trùng bình sữa trước khi pha sữa cho bé là bước rất quan trọng (Nguồn: Internet)

Việc khử trùng bình sữa bao gồm rửa sạch và khử trùng các dụng cụ cho bé bú đến khi bé được 12 tháng tuổi là bước rất quan trọng. Đầu tiên, mẹ hãy rửa dụng cụ pha sữa trong nước ấm, nước xà phòng. Tiếp đó, dùng cọ rửa chai để cọ sạch tất cả các dấu vết còn lại của sữa rồi mới rửa sạch và khử trùng. Mẹ có thể sử dụng các phương pháp khử trùng khác nhau như: dùng nước sôi, dùng hơi nước...

2. Lượng sữa bột cho trẻ uống là bao nhiêu?

Tùy vào từng tháng tuổi của con, nhu cầu về lượng sữa cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Trong khoảng thời gian bé được 5 ngày đến 3 tháng tuổi, bé sẽ cần khoảng 150ml sữa cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ, một em bé nặng 3kg sẽ cần 450ml sữa mỗi ngày.
  • Bé từ 3 – 6 tháng tuổi, bé cần khoảng 120ml sữa cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
  • Bé từ 6 – 12 tháng tuổi cần khoảng 90 đến 120ml sữa trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, trẻ đã bắt đầu ăn dặm, nên mẹ có thể điều chỉnh lượng sữa để phù hợp với nhu cầu của trẻ.
  • Trẻ sinh non cần được uống lượng sữa nhiều hơn. Vào thời gian đầu, bé cần khoảng 160 -180ml sữa cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

Thông thường, trên các hộp sữa bột cho bé uống sẽ có hướng dẫn cụ thể về lượng sữa mỗi lần pha cho trẻ uống. Mẹ chỉ cần mua đúng sữa cho từng tháng tuổi của bé và pha lượng sữa như hướng dẫn trên sản phẩm là được.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

3. Hướng dẫn chi tiết các bước pha sữa công thức đúng cách cho trẻ

Bước 1: Đun sôi 500ml nước rồi để nguội trong khoảng thời gian không quá 30 phút. Nước cần phải đủ nóng để diệt vi khuẩn nhưng không được quá nóng. Nhiệt độ nước pha sữa thích hợp là khoảng 40 – 50 độ C.

Lưu ý: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nước pha sữa cần phải được đun nóng đến ít nhất là 70 độ C sau đó để nguội, để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong cả nước và cả sữa công thức. Tuyệt đối không nên pha nước nóng và nước lạnh để thu được ấm pha sữa cho con.

Bước 2: Đọc hướng dẫn về liều lượng pha trên hộp sữa để biết chính xác lượng nước và muỗng bột sữa cần pha.

Bước 3: Đổ lượng nước cần thiết vào bình đã khử trùng. Mẹ nên đặt bình sữa trên bàn để có thể kiểm tra lượng nước đổ vào chính xác.

Bước 4: Sử dụng muỗng kèm theo hộp sữa để lấy đúng lượng bột sữa được hướng dẫn. Không lấy quá ít hoặc quá nhiều số muỗng bột sữa cần pha. Nhẹ nhàng đổ muỗng bột vào bình sữa.

Bước 5: Khuấy đều để sữa tan ra hết.

Bước 6: Vặn nắp bình sữa

Bước 7: Kiểm tra nhiệt độ bằng cách đổ một ít sữa lên cổ tay. Nếu sữa chỉ ấm chứ không nóng thì có thể cho bé uống. Nếu sữa còn nóng có thể làm mát bình sữa dưới vòi nước lạnh.

bi-quyet-pha-sua-dung-cach-cho-be-yeu-chuan-nhat-1-voh

Thực hiện đầy đủ các bước pha sữa đúng cách đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho con (Nguồn: Internet)

4. Một số sai lầm mẹ thường mắc phải khi pha sữa cho con

Vì không biết cách pha sữa đúng cho con nên vẫn còn rất nhiều mẹ mắc phải một số sai lầm khi pha sữa bột cho bé uống. Cụ thể:

4.1. Pha sữa quá đặc

Không ít mẹ khi pha sữa cho con thường cho sữa nhiều hơn lượng sữa theo công thức quy định và còn cho rất ít nước, mục đích là muốn trẻ uống ít sữa nhưng hấp thụ được nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây không phải là cách pha sữa đúng cho trẻ, bởi nó không hề giúp bé hấp thu nhiều dưỡng chất hơn, mà chỉ làm quá trình ăn uống, tiêu hóa của bé xấu hơn mà thôi.

Độ đậm đặc của sữa thường phụ thuộc vào độ tuổi của bé, các cơ quan nội tạng của trẻ cần thời gian để phát triển và tăng trưởng, chưa thể cùng lúc hấp thu quá nhiều chất dinh dưỡng. Nếu cho trẻ uống sữa đậm đặc quá so với hạn mức công thức quy định, lâu dài có thể khiến bé mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa như: đau dạ dày, kiết lỵ, biếng ăn, viêm ruột non...

4.2. Dùng nước nóng hoặc nước lạnh pha sữa

Pha sữa theo cách này sẽ làm mất các chất dinh dưỡng có trong sữa như protein, vitamin… do bị phân giải dưới nhiệt độ cao. Ngược lại, nếu các mẹ pha sữa với nước lạnh thì sữa lại không đủ độ chín và không thể hòa tan được hết chất dinh dưỡng có trong sữa. Do đó, nhiệt độ tốt nhất để bảo toàn chất dinh dưỡng trong sữa khi pha là 40 – 50 độ C.

4.3. Để tay ướt khi pha sữa

Nhiều mẹ có thói quen tráng bình sữa, rót nước, tay đang ướt cứ thế lấy sữa pha. Tuy nhiên, đây là thói quen cần bỏ ngay, bởi nếu mẹ để nước dính vào muỗng múc sữa, rớt xuống phần sữa khô, sẽ làm sữa vón cục, ẩm mốc và gây hại cho sức khỏe của trẻ.

4.4. Pha sữa với nước cháo

bi-quyet-pha-sua-dung-cach-cho-be-yeu-chuan-nhat-2-voh

Pha sữa với cháo, mẹ vô tình làm mất đi lượng vitamin A có trong sữa (Nguồn: Internet)

Tinh bột chứa nhiều lipoxidase enzym, chất có khả năng cản trở sự hấp thu vitamin A có trong sữa. Vì vậy, khi pha sữa chung với nước cháo, mẹ đã vô tình làm mất đi lượng vitamin A cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sự phát triển trí não.

4.5. Thêm bột cacao vào sữa

Nhiều mẹ muốn cho con được đổi khẩu vị liền nghĩ đến cách cho thêm cacao vào sữa của con. Cách này có thể giúp bé ngon miệng hơn, nhưng hệ quả lại rất tiêu cực. Khi trộn sữa với cacao, thành phần calcium sẽ bị cản trở trong quá trình hấp thụ bởi phản ứng hóa học với oxalate có trong cacao. Chưa kể, hệ tiêu hóa còn non nớt của bé có thể bị ảnh hưởng do nạp phải chất lạ.

Ngoài ra, việc bảo quản sữa trong phích hay cho trẻ uống thuốc cùng sữa đều là những sai lầm mà các mẹ cần tránh để không gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

5. Lưu ý cần nhớ khi cho bé uống sữa công thức

Bé bú sữa công thức nên trải dài thời gian nghỉ giữa các giờ ăn. Sữa công thức khó tiêu hơn sữa mẹ nên bé sẽ no lâu hơn, vì vậy với những bé trong độ tuổi ăn dặm có dùng thêm sữa công thức thì mẹ đừng ép con ăn nhiều mẹ nhé!

Tuyệt đối không để bé dùng lại phần sữa thừa của cữ bú trước vì có thể khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng sức khỏe của con.

Mẹ đừng băn khoăn sữa nào giúp bé tăng cân nhanh, bởi theo Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, tất cả các loại sữa công thức đều phải đảm bảo đủ 29 dưỡng chất cụ thể trong mỗi khẩu phần, từ canxi, chất béo, chất sắt, protein... và nhiều khoáng chất khác.

Phân của bé bú sữa ngoài thường sẫm màu và có mùi hơn bé bú sữa mẹ. Do đó, mẹ không cần phải lo lắng nếu nhận thấy có sự khác biệt này.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận