Chờ...

Biến thể MU nguy hiểm như thế nào so với biến thể Delta?

(VOH) - Khi nhiều nước đang “chao đảo” vì số ca bệnh do biến thể Delta không ngừng tăng thì biến thể Mu xuất hiện – tiếp tục gây quan ngại cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Biến thể Mu của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Colombia vào tháng 1/2021. Tuy chiếm chưa đến 0,1% số ca bệnh Covid-19 trên toàn cầu nhưng biến thể này đang lan rộng ở Colombia và Ecuador, với tỉ lệ nhiễm Mu lần lượt là 39% và 13%.

Hồi đầu tháng 9/2021, biến thể Mu là biến thể chiếm ưu thế ở Colombia. Biến thể này là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba từ tháng 4 đến tháng 6 ở Colombia. Trong giai đoạn này, Colombia đã ghi nhận 700 ca tử vong mỗi ngày và gần 2/3 trong số đó dương tính với biến thể Mu.

Đến nay, biến thể này đã được ghi nhận tại hơn 46 quốc gia, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và một số nước châu Âu. Riêng tại Mỹ, biến thể Mu đã lan rộng tới 49/50 bang. Nebraska là bang duy nhất chưa ghi nhận biến thể Mu. Biến thể này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Delta.

Biến thể MU, covid-19
Biến thể MU hiện vẫn chưa được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á (Nguồn: The Scientist)

Xem thêm: TPHCM: Chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc

Biến thể Mu là gì?

Cuối tháng 8/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt biến chủng "Mu", còn được gọi là B.1.621, vào danh sách "đáng quan tâm", sau khi có những bằng chứng sơ bộ cho thấy chủng Covid-19 này có thể né khả năng miễn dịch được tạo ra nhờ vắc xin và kháng thể.

Mu là loại biến thể đáng quan tâm thứ 5 được WHO theo dõi do nó sở hữu một loạt đột biến khiến nó có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn. Cụ thể, Mu có các đột biến E484K và K417N, liên quan tới khả năng tránh né kháng thể. Hai đột biến này từng xuất hiện ở biến chủng Beta, do đó Mu có thể sẽ hoạt động tương tự như Beta, làm giảm hiệu quả của một số vắc xin.

Hiện nay, dữ liệu về khả năng tránh né miễn dịch của Mu hiện còn khá hạn chế. Một nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ở Rome, Italy cho thấy hiệu quả của vắc xin Pfizer giảm nhiều hơn ở Mu so với các biến chủng khác. Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định vắc xin này vẫn có khả năng bảo vệ khá mạnh mẽ trước biến chủng Mu.

Ngoài ra, Mu cũng chứa thêm các đột biến khác như P681H, lần đầu xuất hiện ở chủng Alpha với khả năng lây lan nhanh, và hai đột biến R346K, Y144T nhưng chưa rõ tác động của chúng đối với biến chủng này.

Biến thể Mu nguy hiểm như thế nào?

Theo ông Stuart Ray - giáo sư tại Đại học John Hopkins (Mỹ), điều khiến Mu trở nên nguy hiểm là nó có điểm tương đồng với biến thể Delta, nhưng khó có khả năng Mu có thể vượt qua Delta.

Giáo sư Ray đánh giá: "Vẫn còn sớm để đo lường mức độ lây nhiễm và tác hại của biến thể Mu. Nhưng trong đại dịch thì thế giới rất nhỏ bé, vì vậy chúng tôi luôn cảnh giác".

Theo WHO, hiện chưa rõ vắc xin có hiệu quả bao nhiêu trước biến thể này. Giáo sư Ray nói, ở Nam Mỹ và Hàn Quốc, vắc xin Covid-19 cho thấy hiệu quả ngăn chặn biến thể Mu.

Theo các nhà khoa học, khi nhìn vào "chùm đột biến" của Mu, biến chủng này ẩn chứa "công thức của thảm họa", bởi nó cho thấy nguy cơ kháng vắc xin. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học toàn cầu đang theo dõi sâu hơn về khả năng gây bệnh, độc lực và mức độ lây lan của nó, nên bức tranh sẽ chỉ rõ ràng hơn vào những tháng tới.

Xem thêm: WHO tiếp tục kêu gọi các nước giàu tạm ngừng tiêm vắc xin liều 3 vào trước cuối năm

Theo các nhà khoa học, chìa khóa để chống lại nguy cơ đột biến của vi rút vẫn là tiêm chủng toàn cầu. Cho tới khi giới khoa học có được bức tranh toàn diện hơn về biến chủng Mu, các quốc gia phải nâng cao cảnh giác, thắt chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm, đặc biệt ở khu vực biên giới, cũng như theo dõi chặt chẽ sự phát triển của chủng mới này.

Tiêm chủng hiện được xem là giải pháp giúp thế giới quay lại cuộc sống bình thường. Hầu hết quốc gia đều cố gắng tăng tốc tiêm chủng để có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng chống Covid-19 sớm nhất có thể.

Giới chuyên gia lo ngại, chiến dịch tiêm chủng vắc xin chậm ở nhiều nước do nguồn cung hạn chế có thể tạo kiều kiện cho vi rút tiếp tục lây lan mạnh và đột biến nguy hiểm hơn. Không ít nhà khoa học nhận định Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh theo mùa như cúm và nhiều quốc gia có thể phải tính đến phương án tiêm vắc xin nhắc lại hàng năm cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Khi một biến thể được thêm vào danh sách đáng quan tâm, WHO sẽ phân tích, so sánh đặc tính của chúng với phiên bản vi rút đang lưu hành. Tổ chức yêu cầu các nước thành viên thu thập thông tin về tỷ lệ lây nhiễm và ảnh hưởng của biến thể đó.

Việc WHO xếp Mu vào nhóm VOI phản ánh mối quan tâm sâu sắc đến nguy cơ xuất hiện biến thể vi rút mới nguy hiểm hơn. Tới nay, Delta vẫn chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi tỷ lệ chủng ngừa thấp. Điều này cho thấy biến thể vi rút có khả năng thay đổi diễn biến của đại dịch một cách nhanh chóng, đáng kể.

Mỗi khi vi rút tự nhân lên bên trong vật chủ, chúng tạo ra các đột biến mới. Đây là quá trình ngẫu nhiên. Song số ca nhiễm càng nhiều, cơ hội xuất hiện biến thể mới càng cao. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để ngăn chặn vi rút biến đổi là tiêm chủng toàn cầu.

Tất cả các vi rút, gồm cả vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của vi rút. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, khả năng kháng vắc xin và thuốc điều trị.

Hiện WHO phân loại 4 biến thể vi rút SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại”, trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có 5 biến thể, gồm biến thể Mu, đang được theo dõi.