Tại hội thảo, GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới đã trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) cho 36 bệnh viện trên cả nước.
Trong đó có 20 bệnh viện đạt chứng nhận vàng, 9 bệnh viện đạt chứng nhận bạch kim và 7 bệnh viện đạt chứng nhận kim cương.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, năm 2018 khi bắt đầu hợp tác với chương trình Angels Việt Nam, các cơ sở y tế đã có bước tiến dài sau khi có trợ giúp, chuẩn hóa quy trình điều trị đột quỵ, xây dựng các trung tâm.
Đến nay, cả nước ta có hơn 100 trung tâm điều trị đột quỵ, góp phần cứu sống bệnh nhân, giúp nhiều người đột quỵ hồi phục, giảm gánh nặng gia đình xã hội.
Chương trình Angels là một sáng kiến can thiệp chăm sóc sức khỏe dành riêng cho việc cải thiện cơ hội sống sót và một cuộc sống không tàn tật của bệnh nhân đột quỵ.
Thống kê cho thấy, kể từ năm 2016, ước tính có khoảng 7,5 triệu bệnh nhân đã được điều trị tại hơn 6.000 bệnh viện Angels trên toàn thế giới, bao gồm hơn 1.400 bệnh viện hỗ trợ đột quỵ mới được thành lập trên khắp thế giới với sự giúp đỡ của Angels.
Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, cấp cứu ngoại viện (trong đó có bệnh nhân đột quỵ) còn nhiều khó khăn mà không thể thay đổi như giao thông. Bên cạnh đó nhân viên y tế thực hiện cấp cứu ngoại viện chịu sức ép rất lớn, trong khi thu nhập thấp.
Hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.
Đột quỵ là gánh nặng toàn cầu, với khoảng 12 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Cứ 4 người thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ một lần trong đời.
Hiện châu Á đứng đầu số người bị đột quỵ trên thế giới, kế tiếp là châu Phi. Quốc gia có dân số càng già thì tỷ lệ người bị đột quỵ càng tăng. Do đó, cần nâng cao khả năng nhận diện người có nguy cơ đột quỵ và bị đột quỵ, sau đó là cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời trong thời gian vàng.