Cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi mùa lạnh đến

(VOH) - Chăm sóc người cao tuổi là việc làm không hề đơn giản, thế nhưng với những gợi ý của BS Bay dưới đây sẽ giúp chúng ta chăm sóc cho ông bà, cha mẹ một cách dễ dàng.

1. Vì sao người cao tuổi cần được chăm sóc chu đáo?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), sở dĩ người cao tuổi cần phải được chăm sóc sức khỏe cẩn thận và chu đáo là vì:

  • Do người cao tuổi có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm do quá trình lão hóa tự nhiên gây ra. 
  • Do người cao tuổi thường mang trong mình một hoặc nhiều bệnh lý nền, các bệnh mạn tính có từ trước.

Với những yếu tố này khi kết hợp với điều kiện thời tiết lạnh, nắng - mưa thất thường sẽ khiến người cao tuổi dễ mắc thêm các bệnh cấp tính (viêm phế quản cấp, viêm họng cấp, viêm mũi xoang cấp…), cũng như làm nặng thêm các bệnh mạn tính vốn có từ trước. 

cach-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-khi-mua-lanh-den-voh

Người cao tuổi cần được chăm sóc chu đáo và cẩn thận (Nguồn: Internet)

Nếu không biết cách chăm sóc người cao tuổi khi thời tiết chuyển lạnh, họ rất dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp trên như cảm, sổ mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản cấp…Những bệnh lý này sẽ khiến người cao tuổi trở nên mệt mỏi và khó thở hơn.

2. Nên làm gì khi người cao tuổi mắc bệnh đường hô hấp?

Trong chương trình Phòng mạch FM, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay đã chia sẻ chi tiết về cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi mùa lạnh đến. Cụ thể như sau:

2.1 Nhắc nhở người cao tuổi uống thuốc đầy đủ

Người già hay người cao tuổi thường mắc chứng hay quên, vì vậy người nhà nên chú ý và nhắc nhở họ uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định. Việc điều trị bệnh theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ giúp người cao tuổi kiểm soát các bệnh nền, các bệnh mãn tính được tốt hơn.

2.2 Luôn giữ ấm cho cơ thể

Ngoài việc uống thuốc, vào mùa lạnh người cao tuổi cũng cần được giữ ấm cơ thể, đặc biệt là với những người đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay hen phế quản. Vào mùa lạnh, bạn nên đóng kín cửa, không mở quạt khi người cao tuổi đang ngủ, luôn giữ cho môi trường sống thanh sạch, tạo độ ẩm trong phòng, trong nhà…

Khi người cao tuổi đang mắc bệnh đường hô hấp thì bạn cần cho uống nước ấm, không uống nước lạnh. Việc uống nước ấm sẽ giúp cho đờm loãng ra, dễ khạc ra ngoài, từ đó giảm tình trạng bít kín đường hô hấp. Mỗi ngày nên cho người cao tuổi uống từ 1.5 – 2 lít nước ấm. 

Ngoài ra, việc giữ ấm 2 bàn chân của người cao tuổi cũng rất quan trọng. Bạn nên mang vớ cho ông bà hoặc cha mẹ để giữ ấm 2 bàn chân. Với ngực, cổ thì có thể cho người cao tuổi mặc áo ấm. 

2.3 Nhắc nhở vệ sinh cá nhân hàng ngày

Với những người cao tuổi còn sáng suốt, minh mẫn thì có thể tự vệ sinh cá nhân, răng miệng hàng ngày, nhưng bạn cũng phải theo dõi và nhắc chừng. 

Với những người cao tuổi hay quên hoặc lú lẫn thì bạn cần giúp họ vệ sinh cá nhân và răng miệng mỗi ngày. Bạn có thể giúp họ vệ sinh răng miệng sau khi ăn hoặc cho ngậm nước muối để giúp sát trùng và làm sạch miệng. Việc này sẽ giúp người cao tuổi phòng được các bệnh lý cấp tính của đường hô hấp trên.

cach-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-khi-mua-lanh-den-voh

Hãy nhắc nhở người cao tuổi uống thuốc cũng như vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày (Nguồn: Internet)

2.4 Chú ý chế độ ăn uống

Người cao tuổi thường mất ít hoặc mất hết răng, sức nhai sẽ kém vì vậy bạn nên chuẩn bị cho họ những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để không gây ra những rối loạn tiêu hóa. 

2.5 Không hút thuốc lá trong nhà

Nếu nhà bạn có người cao tuổi thì hãy chú ý đừng hút thuốc lá trong nhà. Bởi vì người già khi hít phải khói thuốc lá sẽ làm nặng thêm các bệnh nền đang có. Đừng nghĩ rằng ông bà của bạn chỉ mắc bệnh đái tháo đường, không mắc bệnh lý ở phổi nên hít khói thuốc lá sẽ không sao, tuy nhiên có thể bạn chưa biết, khói thuốc lá có thể ảnh hưởng đến mạch máu, gây bệnh mạch vành, thậm chí ảnh hưởng đến đường hô hấp. 

2.6 Vỗ lưng và giúp thở đúng

Vỗ lưng là cách giúp long đờm và khạc đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Với những bệnh lý như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản thì việc ứ đọng đờm rãi sẽ rất nhiều, khi đó bạn hãy thực hiện động tác vỗ lưng cho người cao tuổi. 

Vỗ lưng bằng cách khum tay lại, vỗ vào 2 bên lưng từ cổ xuống đến giữa thắt lưng hoặc đến thắt lưng vẫn được. Việc vỗ lưng không chỉ giúp long đờm mà còn giúp người cao tuổi dễ thở hơn.

Về việc thở đúng, bạn nên khuyên người cao tuổi thở chậm, thay vì 1 phút thở 20 – 24 lần thì chỉ cần 1 phút thở 16 lần thôi là được. 

2.7 Thăm khám kịp thời

Theo bác sĩ Bay, triệu chứng bệnh ở người cao tuổi thường như “tảng băng chìm”, do đó khi họ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như khó thở, thở khò khè,…thì hãy đưa đến gặp bác sĩ để thăm khám và chữa trị kịp thời.

Như vậy, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay đã hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là khi vào mùa lạnh. Hãy chú ý những vấn đề trên để có thể vận dụng ngay cho ông bà, cha mẹ của mình.