Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh

(VOH) – Đối với những phụ nữ sinh thường, việc chăm sóc vết khâu tầng sinh môn là rất cần thiết vì có thể giúp tránh tình trạng nhiễm trùng vết thương.

Đa số các sản phụ sinh thường, nhất là sinh con đầu lòng thường được các bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn. Mục đích của thủ thuật này là để mở rộng âm đạo và âm hộ, giúp thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn. Đồng thời cũng giúp phòng ngừa việc rách tầng sinh môn, gây mất thẩm mỹ sau này.

1. Những trường hợp nào sẽ được rạch tầng sinh môn?

Các bác sĩ sản khoa cho biết, không phải bất cứ sản phụ nào sinh thường cũng cần phải cắt tầng sinh môn. Nếu âm đạo của người phụ nữ đủ rộng để em bé đi qua, mẹ sẽ không cần phải dùng đến thủ thuật này. Trường hợp âm đạo bị hẹp, việc rặn quá sức mà không chủ động cắt sẽ khiến tầng sinh môn bị rách. Vết thương sẽ xấu, khó khâu hơn và thậm chí có thể gây chảy máu nặng nề.

Vì thế, các mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định rạch tầng sinh môn khi:

  • Em bé không đủ oxy.
  • Sinh khó như: em bé nằm ngôi thai ngược hay chân ra trước khi vai của em bé vẫn còn bị mắc lại.
  • Rặn thời gian dài khi sinh.
  • Em bé quá lớn
  • Em bé sinh non.
  • Quá trình sinh cần dùng đến kẹp đỡ đẻ forceps hay máy hút hỗ trợ.

cach-cham-soc-vet-khau-tang-sinh-mon-sau-sinh-voh

Sau khi khâu tầng sinh môn sản phụ cần chú ý đến quá trình chăm sóc vết thương (Nguồn: Internet)

Sau khi em bé được sinh ra, các bác sĩ sẽ khâu lại tầng sinh môn. Việc chăm sóc vết khâu tại nhà là rất cần thiết để tránh bị nhiễm trùng.

2. Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn

Vết khâu tầng sinh môn có thể khiến phụ nữ bị đau nhiều. Một số biện pháp giúp các chị em giảm đau hiệu quả là:

  • Có thể sử dụng nước sạch đun sôi để nguội, pha muối loãng để rửa vệ sinh vùng kín hoặc rửa vùng kín bằng dung dịch rửa phụ khoa chuyên dụng cho phụ nữ sau sinh. Khi vệ sinh, cần rửa nhẹ nhàng, dội nước từ từ. Nên vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày, nhất là sau khi tiểu tiện, sau khi vệ sinh nên thấm khô vùng kín bằng khăn mềm.
  • Không nên thụt rửa âm đạo quá sâu khi chưa được sự cho phép từ bác sĩ.
  • Sử dụng quần lót dùng một lần hoặc quần lót bằng chất liệu cotton thấm hút tốt, rộng rãi thoải mái với eo cao.
  • Nếu bị đau vết khâu tầng sinh môn khi ngồi, sản phụ nên ngồi trên đệm hơi có thể điều chỉnh được sự căng phồng để giúp thoải mái hơn.
  • Vết khâu tầng sinh môn có thể gây ảnh hưởng đến chuyện “chăn gối” trong một vài tháng đầu. Vì thế, nếu gặp phải tình huống này, chị em hãy chia sẻ với chồng, tạm hoãn chuyện "gần gũi" đến khi vết khâu lành hoàn toàn.

cach-cham-soc-vet-khau-tang-sinh-mon-sau-sinh-1-voh

Nên ăn nhiều thức ăn nhuận tràng để tránh tình trạng táo bón sau sinh (Nguồn: Internet)

  • Nên ăn nhiều thức ăn nhuận tràng để tránh táo bón, bởi tình trạng táo bón có thể khiến sản phụ rặn mạnh và gây tổn thương đến vết khâu chưa lành.
  • Cần hạn chế vận động mạnh để tránh gây tổn hại đến vết thương. Tuy nhiên, mẹ sau sinh có thể di chuyển xung quanh nhà một cách nhẹ nhàng để tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn, giúp vết thương mau lành hơn.
  • Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và giảm sưng viêm, nhưng hãy hỏi bác sĩ về thời gian và cách làm để đảm bảo an toàn thực hiện.
  • Một trong những cách giúp giảm đau vết khâu tầng sinh môn chính là dùng thuốc giảm đau. Nếu sản phụ bị đau nhiều, có thể yêu cầu bác sĩ kê thêm thuốc giảm đau mà không làm ảnh hưởng đến sữa mẹ.

3. Những biến chứng nào có thể xảy ra với vết khâu tầng sinh môn?

Với tình trạng bình thường, vết khâu tầng sinh môn sẽ liền hoàn toàn sau 2 – 3 tuần, nghĩa là chỉ khâu cũng đã tự tiêu hết. Và khoảng 1 tháng sẽ ổn định hoàn toàn, các chị em sẽ cảm thấy bình thường như trước kia.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một số vấn đề có thể xảy ra với vết khâu tầng sinh môn như vết khâu tầng sinh môn bị hở, bị rách, bục chỉ vết khâu tầng sinh môn, vết khâu có mủ, bị ngứa, bị cứng... Và nếu sản phụ có những bất thường dưới đây thì nên đi khám bác sĩ ngay:

  • Vết khâu tầng sinh môn đau bất thường, mưng mủ hay có mùi hôi vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn.
  • Bị sốt hay ớn lạnh.
  • Bị đau bụng dưới nhiều.
  • Có cảm giác nóng rát hay đau nhiều khi đi tiểu.
  • Không kiểm soát được trung tiện, thường xuyên mắc đại tiện.
  • Chảy máu nhiều hơn, hay ra máu cục.

Lưu ý: Tuyệt đối không được sử dụng các loại, thuốc, kem giảm đau theo mách bảo hay kinh nghiệm dân gian vì có thể khiến vết thương tại tầng sinh môn bị nhiễm trùng nghiêm trọng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Trên đây là những thông tin về cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn để giúp vết thương mau lành, tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần nhớ nếu nhận thấy có những bất thường ở tầng sinh môn thì chị em hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra cụ thể nhé.