Cách chữa thoái hóa cột sống tại nhà hay nhất hiện nay

Cách chữa thoái hóa cột sống hay và hiệu quả nhất có thể thực hiện tại nhà, giúp bệnh nhân không còn lo lắng khi "đối đầu" với bệnh mãn tính này.

Ngày nay, thoái hóa cột sống không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà cả giới trẻ cũng mắc phải. Thoái hóa cột sống ngày càng phổ biến nhưng không phải ai cũng thật sự quan tâm chữa trị khiến người bệnh thường xuyên đau nhức tại vùng cổ và thắt lưng, thậm chí dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Các cách chữa thoái hóa cột sống sau đây sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc phòng và trị căn bệnh phổ biến này.

Hiện tại chưa liệu trình nào điều trị triệt để thoái hóa cột sống mà chỉ có các phương pháp làm giảm đau lưng, cổ. Bạn đọc có thể điều trị thoái hóa cột sống bằng các liệu pháp tự nhiên, bài tập vận động, dùng thuốc…

voh-chua-thoai-hoa-cot-song-voh.com.vn-anh1
Bệnh thoái hóa cột sống, càng để lâu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

1. Điều trị thoái hóa cột sống tại nhà

Người bệnh thoái hóa cột sống có thể chữa trị tại nhà bằng các liệu pháp tự nhiên hay bài tập vận động, tương đối đơn giản và ít tốn kém nhưng hiệu quả vô cùng đáng kể.

1.1 Thực hiện vật lý trị liệu

Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả để trị thoái hóa cột sống từ bài tập của những người có kinh nghiệm. Đối với những người cao tuổi, khả năng đi lại khó khăn có thể mời các nhân viên vật lý trị liệu đến tận nhà để được hướng dẫn và đồng hành tập luyện.

1.2 Bài tập trị thoái hóa cột sống cổ

  • Thả lỏng cơ cổ

Một bài tập đơn giản, có thể làm nhiều lần trong ngày mỗi khi cảm thấy đau nhức cổ. Dùng 4 ngón tay miết nhẹ từ phần chân tóc dọc xuống vùng cổ, vai gáy rồi ngược lại. Làm động tác này từ 2 đến 3 phút để giúp phần cơ và đốt sống cổ được thả lỏng.

  • Xoay cổ

Đứng hoặc ngồi với tư thế thẳng lưng, cúi đầu đến khi cằm chạm vào cổ. Tiếp đến bạn nghiêng sang trái và gập cổ vào bả vai trái, nghiêng sang phải rồi gập cổ vào bả vai phải, ngửa cổ ra sau với mắt hướng lên.

  • Kéo giãn hai bên cổ

Tư thế đứng hoặc ngồi với mắt hướng về phía trước. Nghiêng đầu sang phải rồi dùng tay đặt lên phía đầu đối diện. Sau đó dùng tay kéo đầu nhẹ nhàng để cảm nhận phần cổ trái căng lên. Làm tương tự đối với bên còn lại trong 3 lần, 30 giây/lần.

  • Giảm mỏi cứng cổ

Xoay chậm bả vai theo ngược chiều kim đồng hồ để cảm nhận phần cơ được căng ra. Đây là động tác đơn giản lại rất hiệu quả, bạn có thể thực hiện mỗi khi đau nhức vai cổ.

1.3 Bài tập trị thoái hóa cột sống lưng

  • Kéo giãn cơ lưng

Nằm áp sát lưng lên mặt phẳng, tay kéo 2 đầu gối về phía ngực rồi hít sâu, khi duỗi thẳng chân về vị trí ban đầu thì thở ra.

  • Vận động xương chậu

Bạn có thể thực hiện bài tập nhẹ bằng cách: Ấn lưng sát mặt phẳng, gồng cơ bụng và hít sâu, sau đó thả lỏng cơ và thở ra.

Đối với bài tập nâng cao sẽ mang đến tác động sâu hơn: Ấn lưng sát mặt phẳng, gồng cơ bụng, chống chân xuống nhấc mông lên và hít vào; vẫn giữ lưng, chậm rãi hạ mông rồi thở ra. 

  • Kéo giãn cơ đùi sau

Nằm với tư thế tay giữ chặt chân nhấc lên vuông góc với mặt sàn, chân còn lại duỗi thẳng và hít vào. Giữ thẳng chân rồi từ từ hạ xuống, đồng thời thở ra. Làm tương tự đối với chân còn lại.

voh-chua-thoai-hoa-cot-song-voh.com.vn-anh2
Bài tập đơn giản giúp người bệnh bảo vệ cột sống (Nguồn: Internet)

2. Thuốc chữa thoái hóa cột sống lưng

Bài thuốc trị thoái hóa cột sống lưng có cả thuốc Tây và Đông y, để quá trình điều trị an toàn và hiệu quả người bệnh cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng. 

2.1 Trị thoái hóa cột sống lưng bằng thuốc Tây

Khi trị thoái hóa đốt sống bằng thuốc Tây, để tăng tính hiệu quả người bệnh nên có sự tác động cả trong lẫn ngoài, kết hợp với bài tập nhẹ nhàng và dùng thực phẩm bổ sung hợp lý.

Thuốc để điều trị thoái hóa cột sống chủ yếu chỉ có công dụng giảm các triệu chứng đau, sưng. Những loại thuốc này bao gồm thuốc kháng viêm không steroid, dạng tiêm corticosteroid…

Một số trường hợp do nhạy cảm với các thành phần thuốc mà xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn: rối loạn chuyển hóa, viêm loét dạ dày, hạ đường huyết… 

Ngoài ra, người cao tuổi thường có thể trạng yếu nên khả năng hấp thụ thuốc cũng hạn chế hơn. Nên việc thay đổi liều lượng thuốc tăng dần từ từ cho đến khi thuốc đáp ứng được cơ  thể cũng là điều đáng cân nhắc.

Trong trường hợp bệnh nhân đau nặng bác sĩ sẽ chỉ định kê các loại: thuốc giảm đau kê đơn, thuốc giãn cơ để giảm co thắt, giảm đau thần kinh. 

2.2 Chữa thoái hóa cột sống lưng bằng Đông y

Một số lợi thế của việc sử dụng thuốc Đông y trong việc trị thoái hóa cột sống là rất ít tác dụng phụ, có thể dùng lâu dài. Nhưng hạn chế là hiệu quả của nó mang đến chậm hơn thuốc Tây. 

Bên cạnh các thang thuốc Đông y với nhiều loại dược liệu có cả quý hiếm, thì cây xương rồng vốn rất quen thuộc cũng mang đến công dụng bất ngờ trong việc trị thoái hóa cột sống lưng. Người bệnh có thể dùng xương rồng để đắp trực tiếp lên vùng đau nhức, chườm nóng, hay ăn canh nấu cùng loại thực phẩm này.

3. Phác đồ điều trị thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là bệnh mãn tính khiến người bệnh chịu đau nhức kéo dài và dễ tái phát. Chính vì vậy, người bệnh cần có phác đồ điều trị hợp lý và kiên trì để giảm thiểu tái phát xuống thấp nhất có thể.

3.1 Điều trị nội khoa

Paracetamol: Đây là hoạt chất giảm đau được ưu tiên hơn hết vì có sự cân bằng giữa hiệu quả mong muốn và tác dụng phụ. Paracetamol có thể kết hợp với các chất giảm đau trung ương khác như codein, dextropropoxyphen…

Tramadol: Hoạt chất giảm đau hiệu quả nhưng hạn chế dùng trong thời gian dài và chỉ nên dùng khi cơ thể không đáp ứng với nhóm giảm đau trên.

Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp, bao gồm: những loại thuốc kinh điển (ibuprofen, diclofenac, naproxen…) hay nhóm ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, etoricoxib...). Bệnh nhân lớn tuổi, bệnh lý về ống tiêu hóa, tim hay thận mãn tính cần thận trọng khi sử dụng các nhóm thuốc này.

Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: piascledine liều lượng 300mg/ngày, glucosamine sulfate liều lượng 1500mg/ngày (dùng riêng hay phối hợp với chondroitin sulfate), diacerein 50mg x 2 viên/ngày.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện đau rễ thần kinh thắt lưng thì có thể dùng kết hợp với thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin, Pregabalin (bắt đầu với liều thấp), vitamin nhóm B (B1, B6, B12), mecobalamin. 

Tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống: Phương pháp này mang đến hiệu quả từ vài ngày đến vài tháng dành cho những bệnh nhân chịu đựng cơn đau nhức dữ dội. Người bệnh cần lưu ý chỉ nên tiêm nhiều nhất 3 lần trong năm đối với một khớp. Không được tự ý tiêm mà phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đối với trường hợp chèn ép rễ, tiêm thẩm phân corticosteroid tại rễ đó cũng có thể được cân nhắc. 

3.2 Điều trị ngoại khoa

Khi những biện pháp điều trị khác không hiệu quả, bệnh nhân gặp các triệu chứng nặng và kéo dài (chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống), bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giảm thiểu hậu quả xuống mức thấp nhất có thể.

3.3 Phục hồi chức năng

Bệnh nhân nên thực hiện các bài tập cho vùng cổ, nhất là người đã mang nẹp cổ thời gian dài hay ít vận động khu vực này. 

Ngoài ra cần nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể và hạn chế thay đổi tư thế đốt sống đột ngột.

Thực hiện biện pháp vật lý trị liệu như: sử dụng nhiệt, sóng siêu âm, châm cứu, máy tập phục hồi chức năng vận động toàn thân… 

voh-chua-thoai-hoa-cot-song-voh.com.vn-anh3
Những bài tập vật lý trị liệu có người hướng dẫn sẽ giúp bệnh nhân nhanh phục hồi (Nguồn: Internet)

Như vậy, để chữa thoái hóa cột sống hiệu quả nhất cần phối hợp nhịp nhàng phương pháp nội khoa, luyện tập và xây dựng một lối sống lành mạnh. Áp dụng các phương pháp giảm đau từ nhẹ, vừa đến nặng nhưng hạn chế thực hiện thời gian dài. Đối với từng nguyên nhân bệnh nên tăng cường các nhóm thuốc điều trị.

Theo thời gian, cơ thể mỗi người dần “xuống cấp” nhưng bản thân chúng ta hoàn toàn có khả năng cải thiện sức khỏe cột sống bằng cách thiết lập và duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh:

  • Luôn giữ đúng tư thế dù là đứng hay ngồi.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp với độ tuổi và chiều cao.
  • Tránh các thói quen xấu: bia, rượu, thuốc lá.
  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau xanh, chế biến đơn giản.
  • Khi đau nhiều cần có thời gian nghỉ ngơi.

Thoái hóa cột sống ngày càng phổ biến kể cả ở người trẻ tuổi, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc. Mỗi người cần xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa căn bệnh này. Khi có các triệu chứng của thoái hóa cột sống, bạn đọc cần đến bác sĩ để thăm khám, từ đó có hướng điều trị hợp lý.