Cần tăng cường nhân lực cho cơ sở nếu tình hình F0 tăng!

(VOH) - Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố cho biết, hai tuần gần đây lượng F0 nhập viện có dấu hiệu tăng lại.

Ngay tại Bệnh viện Dã chiến Quận 8 số 1, nơi bác sĩ Phong phụ trách, nếu cách đây vài tuần chỉ còn chưa đầy 20 bệnh thì nay con số này đã tăng lên hơn 60 bệnh nhân, trong đó cũng có nhiều bệnh nhân nặng, phải thở oxy. Trong bối cảnh các đoàn hỗ trợ Thành phố nói chung, cũng như tại Bệnh viện Dã chiến Quận 8 số 1 đã rút nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, F0 tiếp tục tăng cao thì tại cơ sở rất cần hỗ trợ nguồn nhân lực để đảm bảo hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. VOH có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Quận 8 số 1 về cập nhật tình hình hiện nay.  

Cần tăng cường nhân lực cho cơ sở nếu tình hình F0 tăng! 1
Bác sĩ Phong điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Quận 8 số 1

*VOH: Thưa bác sĩ, trở lại tình hình hai tuần gần đây, theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố thì lượng F0 có dấu hiệu tăng lại. Như vậy trong tình huống hiện nay, kế hoạch mình tại cơ sở như thế nào để chủ động ứng phó bác sĩ có thể chia sẻ để người dân trên địa bàn an tâm?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Tình hình dịch bệnh sau giãn cách xã hội mình thấy F0 đang tăng dần lên.Đặc biệt những ca nhập viện mình thấy bệnh nhân đã chích 1 đến 2 mũi vắc xin, tỷ lệ nhập viện có chích vắc xin lên đến 90% các ca nhập viện. Về mức độ nặng so với thời gian trước thì giảm hơn nhưng vẫn có những ca đã chích ngừa 2 mũi nhưng vẫn diễn tiến nặng.Và tới thời điểm bây giờ Bệnh viện dã chiến Quận 8 tiếp nhận khoảng 60 ca nhiễm Covid  nhập viện, cũng có những bệnh nhân phải thở oxy. Đó là những lý do mà bệnh viện phải duy trì. Sở Y tế cũng đã có công văn về thành lập bệnh viện dã chiến tại mỗi quận, huyện từ 300 đến 500 giường. Ủy ban Nhân dân Quận 8 cũng tiến hành nhiều phương án để có kế hoạch ứng phó. Hiện tại tại Quận đã trưng dụng trung tâm văn hóa làm bệnh viện dã chiến. Về lâu dài, Quận cũng sẽ tìm địa điểm phù hợp để xây dựng bệnh viện dã chiến theo quyết định của Sở Y tế. Trong thời gian này thì Bệnh viện dã chiến Quận 8 sẽ duy trì cho hết năm nay.

*VOH: Thưa bác sĩ, là bác sĩ không những đảm nhiệm công tác quản lý mà bác sĩ còn tham gia trực tiếp điều trị những trường hợp nặng, nguy kịch. Về tình hình dịch tễ, Bác sĩ có thể cho biết các mặt bệnh hiện nay như thế nào so với lúc trước khi chưa phủ vắc xin ?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Như chúng ta đã biết, đợt dịch thứ 4 bùng lên số ca nhiễm và tử vong rất cao. Thời điểm đó tỷ lệ chích ngừa cả nước nói chung và Thành phố nói riêng còn thấp. Sau khi vắc xin được chích rộng rãi trong cộng đồng thì hiệu quả vắc xin rất là ghi nhận. Cho tới thời điểm bây giờ, tỷ lệ vắc xin đã phủ hơn 90% nhưng từ khi bỏ giãn cách xã hội tới giờ thì mình thấy số ca F0 tăng lên, số nhập viện cũng tăng. Số ca bệnh nặng có vẻ giảm so với trước, nhưng mình không thể chủ quan vì có những trường hợp tiêm 2 mũi cũng đã tử vong, một số ca nhập viện cũng chuyển biến nặng. Đó là lý do mình cần nắm rõ không được chủ quan, cứ nghĩ mình chích 2 mũi rồi tự do thoải mái là không được.Phải đảm bảo nguyên tắc 5K để tránh lây nhiễm đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, ghi nhận đợt này so với đợt trước thì mình thấy nếu có 1 ca F0 bị thì gần hết gia đình sẽ bị nhiễm, F0 lây cho cả nhà luôn. Do vậy trong nhà có người lớn tuổi, người có bệnh nền hay phụ nữ mang thai thì mình phải hết sức cẩn thận chú ý phải bốc tách ra cách ly sớm để tránh lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao vì nhóm này nếu nhiễm nhập viện rất dễ chuyển biến nặng, nguy cơ tử vong cao.

*VOH: Vậy thì bài toán đặt ra hiện nay như bác sĩ đã phân tích, khả năng chuyển nặng của bệnh là vẫn có nhưng một mặt  làm sao chúng ta hòa nhập thích ứng trong bối cảnh mới mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân và những người trong gia đình?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Theo một đánh giá thì mình thấy rằng để đạt hiệu quả thì trước tiên vắc xin phải bao phủ, tất cả mọi người phải tiêm đủ 2 mũi và trong bất kỳ tình huống nào mình cũng phải tuân thủ đúng 5K, hạn chế tập trung khi không cần thiết. Tiếp tục nữa là làm sao khi có triệu chứng phải tầm soát được test nhanh phát hiện sớm ca nhiễm để tách ra, hạn chế thấp nhất sự lây lan cho những người xung quanh, lây lan trong gia đình và đặc biệt lây cho nhóm nguy cơ. Khi có kết quả dương tính mình phải liên lạc ngay y tế địa phương, các trạm lưu động để được theo dõi, phân loại để có sự hỗ trợ của y tế kịp thời.

*VOH:Thưa bác sĩ, tại tuyến y tế cơ sở hiện nay, vấn đề nhân sự là vấn đề khó nhất trong bối cảnh dịch. Làm sao để chống dịch hiệu quả về nhân sự tại tuyến cơ sở bác sĩ có kiến nghị gì?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, các đoàn đã rút khỏi địa bàn và bệnh viện. Với tinh thần rất nhiệt tình của các đồng nghiệp đến đây hỗ trợ giúp cho công tác điều trị hiệu quả, trên địa bàn Quận 8 việc kiểm soát dịch đã có sự chuyển biến rõ nét, giảm hẳn tỷ lệ mắc và tử vong. Hiện nay khi tất cả các đoàn rút giờ chỉ còn các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế từ Bệnh viện Quận 8 hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến.Nếu tình hình diễn tiến phức tạp hơn, số ca mắc nhập viện và ca nặng tăng hơn nữa, thì bệnh viện sẽ có kế hoạch xin điều phối, hỗ trợ nhân lực từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều!