Chờ...

ĐHQG TPHCM thành lập Trung tâm nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị Covid-19

(VOH) - Sáng 20/11, Đại học Quốc gia TPHCM đã trao quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Research Center for Infectious Diseases - RCID) trực thuộc trường Đại học Quốc tế.

Với mục tiêu xây dựng ngân hàng trình tự gene-biến thể của các mầm bệnh trên người và động vật qua thời gian, Trung tâm nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm – RCID trước hết tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là dịch bệnh Covid-19 với việc thu thập mẫu vật, giải trình tự và phân tích các biến thể SARS-CoV-2 tại Việt Nam trong năm đầu tiên.

Trung tâm cũng sẽ tiếp tục thu thập mẫu vật, giải trình tự, phân tích và lưu trữ thông tin di truyền của các mầm bệnh quan trọng xuất hiện theo thời gian và từng mùa dịch, ưu tiên trước các mầm bệnh trên người và sau đó là mầm bệnh trên động vật, tùy theo nhu cầu thực sự của xã hội.

PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo – Phụ trách Chuyên môn Đề án Xây dựng Trung tâm RCID cho biết thêm, Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu đặc điểm sinh bệnh học, di truyền và kháng thuốc của các vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh nhân Covid-19 với mục đích cung cấp hiểu biết rõ hơn về dịch tễ và đặc điểm của các vi khuẩn này tại Việt Nam đồng thời kiến nghị các biện pháp đối phó phù hợp với chúng.

Các năm tiếp theo, Trung tâm sẽ mở rộng nghiên cứu về đặc điểm sinh bệnh học, di truyền và kháng thuốc của không chỉ các vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện mà còn đối với 12 các tác nhân virus gây bệnh quan trọng khác trên cả người và động vật dựa trên các điều kiện cho phép của phòng thí nghiệm và tình hình thực tế của dịch bệnh.

Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm
Thượng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thăm Trung tâm RCID (Ảnh: BN)

Phát triển các kit xét nghiệm-chẩn đoán cũng là một trong những định hướng nghiên cứu ưu tiên hàng đầu của Trung tâm để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội trong ứng phó với dịch bệnh.

Định hướng của Trung tâm là ứng dụng nền tảng công nghệ sẵn có đồng thời nghiên cứu phát triển những nền tảng công nghệ mới nhằm tạo kít chẩn đoán cho không chỉ những dịch bệnh đang diễn ra mà còn sẵn sàng ứng biến tạo kít xét nghiệm-chẩn đoán cho những dịch bệnh mới. Trong năm đầu tiên, Trung tâm ưu tiên nắm bắt công nghệ, tạo kít xét nghiệm cho SARS-CoV-2 với hai hướng: xét nghiệm nhanh dùng tương tác kháng nguyên kháng thể và xét nghiệm chính xác dùng công nghệ RT-qPCR.

Với cả hai hướng này, nghiên cứu hướng tới mục tiêu dùng mẫu không xâm lấn, giảm thời gian xét nghiệm, giảm các bước trong quy trình xét nghiệm và giảm giá thành xét nghiệm đồng thời đảm bảo độ chính xác cao. Với các nền tảng công nghệ đạt được, trong các năm tiếp theo Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai phát triển các kít xét nghiệm trên các đối tượng khác bao gồm virus tay chân miệng, vi khuẩn kháng thuốc và cùng với đó là phát triển nâng cao test nhanh với khả năng bán định lượng và định lượng.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tập trung phát triển vắc xin kháng thể đơn dòng, thuốc và các chiết xuất phòng và chống tác nhân gây bệnh Covid-19…

Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (RCID) được giao sử dụng cơ sở vật chất của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) với diện tích mặt bằng khoảng 540 m vuông bao gồm: Phòng thí nghiệm: BSL-2, Phòng thí nghiệm SHPT, Văn phòng phụ trợ, Xây dựng khu vực nuôi động vật, Phòng sạch sản xuất pilot… Tổng giá trị tài sản đầu tư và thực hiện nghiên cứu dự kiến cho Trung tâm trong giai đoạn 2021-2026 là 145 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của ĐHQG-HCM và đối ứng của Trường Đại học Quốc tế (37 tỷ đồng).

Sự ra đời của RCID đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, đặc biệt từ cuối năm 2019, cả thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu - Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị rất tốt để ứng phó thông qua công tác giám sát, tổ chức phòng chống dịch cũng như về chuyên môn kỹ thuật. Mặc dù có nhiều thành tựu lớn trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên mặt trận này vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn tiến ngày các phức tạp và nguy hiểm của các bệnh dịch từ nước ngoài rất dễ lây lan đến Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa như bệnh cúm A, MERS-CoV, sốt vàng... Bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với tác nhân gây bệnh là virus SARS-CoV-2 là một minh chứng gần đây nhất cho cảnh báo “Chúng ta chưa sẵn sàng” để ứng phó nhanh với dịch bệnh và việc xuất hiện nhanh chóng của các biến chủng.

Trung tâm nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm – RCID được thành lập sẽ góp phần kêu gọi nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm giúp lĩnh vực nghiên cứu này lớn mạnh hơn. RCID sẽ trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước.