Cẩn trọng với loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu

(VOH) - Có khoảng 20 - 50% người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch sâu bị hội chứng hậu huyết khối với biểu hiện phù chi dưới, loét tĩnh mạch gây đau nhức, giới hạn vận động.

Về lâu dài, có thể gây thuyên tắc phổi, suy hô hấp cấp, thậm chí là đột tử.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Phi Long, Phó trưởng Khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cho biết, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu chiếm tỷ lệ 70 - 80% trường hợp người bệnh loét chân mãn tính.

Tình trạng này bắt nguồn từ sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch tại các chi. Theo thời gian, lưu lượng máu bị ứ đọng tại các tĩnh mạch ở chi càng lớn, dẫn đến tình trạng căng cứng, phù nề chi. Về lâu dài gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa tại chỗ, loạn dưỡng, từ đó hình thành các vết lở loét.

Cẩn trọng với loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu 1
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Phi Long thăm khám cho người bệnh.

Phù chi dưới, loét tĩnh mạch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn là chất lượng cuộc sống, thậm chí là gánh nặng xã hội.

Số liệu thống kê tại các trung tâm y tế quốc tế cho thấy, chi phí hàng năm để loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu có thể lên tới hàng tỷ đô.

Các vết loét không được chữa trị sẽ ngày càng lây lan, tăng nguy cơ bội nhiễm, dẫn tới những tình trạng nặng hơn như viêm mô tế bào lan rộng, hoại tử chi, cắt cụt chi,...         

Diễn tiến bệnh được chia thành 6 mức độ với các biểu hiện tăng dần. Trong đó, đau chân, chuột rút, dị cảm, ngứa hoặc tình trạng giãn mao mạch, tĩnh mạch, phù chân,... là những dấu hiệu ban đầu dễ nhận biết, báo hiệu sớm tình trạng phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu.

Xem thêm: Gần 99% người dân TPHCM có kháng thể phòng ngừa COVID-19

Bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh - Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, phương pháp điều trị phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu được chia thành 3 nhóm chính điều trị không dùng thuốc như thay đổi lối sống, tăng cường vận động, sử dụng các phương pháp hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép, điều trị bằng thuốc sử dụng thuốc kháng đông, có thể kết hợp thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, điều trị can thiệp bằng phẫu thuật như đặt stent, lấy huyết khối...

Các phương pháp điều trị kể trên được áp dụng cho hầu hết ca bệnh.

Đối với nhóm người bệnh là phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc người bệnh ung thư, việc áp dụng phương pháp điều trị cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.