Chăm sóc da trẻ sơ sinh - thế nào là đúng cách và an toàn ?

Làn da của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm với môi trường bên ngoài, do đó việc chăm sóc da cho trẻ sơ sinh sẽ không hề đơn giản. Các mẹ cần phải nắm được các kiến thức cơ bản nhất khi chăm sóc da trẻ.

Da trẻ sơ sinh, đặc biệt là với những bé vừa mới sinh ra đời thường sẽ rất mong manh, nhạy cảm. Vậy khi chăm sóc chúng ta cần phải chăm sóc như thế nào để da bé không bị tổn thương? Những chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc ngay sau đây sẽ giúp các mẹ hiểu được rõ hơn.

Theo chia sẻ từ bác sĩ Cam Ngọc Phượng, làn da của trẻ sơ sinh cần phải trải qua quá trình thích nghi với môi trường ngoài tử cung người mẹ.Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu sau sinh, da trẻ cần phải được chăm sóc đúng cách vì giai đoạn này làn da của trẻ cực kỳ mỏng và rất dễ bị tổn thương.

Da của trẻ sơ sinh giống như một lớp hàng rào, có chức năng bảo vệ cho trẻ, đồng thời giúp ngăn ngừa sự mất nước và giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể bé.

Trong giai đoạn sơ sinh làn da bé vẫn đang được tiếp tục phát triển và chỉ phát triển hoàn thiện khi bé được 1 tuổi (12 tháng). Đặc biệt, với những trẻ sinh non tháng thì làn da bé sẽ càng mỏng hơn và các chức năng bảo vệ cơ thể cũng rất yếu ớt nên sẽ càng dễ bị tổn thương.

Những vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc da cho trẻ sơ sinh

Về mặt cấu tạo sinh lý, làn da trẻ sơ sinh sẽ có pH dạng trung tính, trong khi ở những trẻ lớn hơn thì pH có tính axit nhiều hơn (nồng độ pH axit sẽ giúp bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn) chính vì thế khả năng chống vi khuẩn ở bé sơ sinh thường kém hơn.

Bên cạnh đó, trong làn da có tồn tại một loại chất béo với tên gọi là lipit, có tác dụng duy trì các chức năng trong da. Ở trẻ sơ sinh chất lipit được sản sinh nhờ tuyến bã nhờn dưới da tiết ra nhưng cực kì ít, do đó khi mẹ sử dụng các loại hóa chất không phù hợp có thể sẽ làm hủy đi lớp lipit này.

cham-soc-da-tre-so-sinh-dung-cach-an-toan-khong-hai-da-be-me-nao-cung-can-phai-biet-VOH

Làn da trẻ sơ sinh vô cùng mong manh và nhạy cảm (Nguồn: Internet)

Chính vì thế những vấn đề các mẹ cần phải lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ là:

  • Với các sản phẩm sử dụng ngoài da cho trẻ như các sản dùng để tắm, để thoa thì cần lưu ý đến thành phần chất có trong sản phẩm.
  • Những sản phẩm nào có chất cồn cần quan tâm đến nồng độ (nồng độ cồn cho phép sử dụng trên da chỉ từ 70 độ trở xuống, sử dụng hơn 70 độ có thể gây bỏng da).
  • Những dung dịch sát khuẩn povidine 10%, dung dịch muối sát khuẩn 10% thì cũng có khả năng làm bỏng da. Đặc biệt, những dung dịch muối nồng độ cao khi sử dụng cho trẻ có thể khiến trẻ bị suy tuyến giáp.
  • Những sản phẩm tá dược dùng ngoài da nếu thành phần Sodium Sulfate (thường thấy nhiều trong dầu gội đầu) có thể hủy lớp lipit ở da gây viêm da kích ứng.

Chính vì thế, bác sĩ Phượng lưu ý với các mẹ khi mua các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ cần chú ý đến thành phần để tránh những những ảnh hưởng xấu lên da trẻ như bị phỏng da, viêm da dị ứng.

Những sản phẩm an toàn cho da trẻ mẹ nên biết

Lựa chọn kem dưỡng ẩm

Da trẻ sơ sinh ngoài sự nhạy cảm, mỏng manh thì cũng rất dễ bị khô, bong tróc, thậm chí là nứt nẻ, do làn da trẻ giai đoạn này thường rất hay bị mất nước và không thể giữ được nhiệt nhiều.

Bác sĩ Phượng cho rằng, với những trường hợp da trẻ bị khô các mẹ cần thiết nên đến gặp bác sĩ để được điều trị bởi da bé rất dễ bị nhiễm khuẩn bởi lớp hàng rào của bé đã bị phá vỡ. Việc kéo dài tình trạng có thể khiến cho vi khuẩn dễ bị xâm nhập vào gây bệnh.

Khi chăm sóc bé tại nhà bằng các loại kem dưỡng ẩm, các mẹ cần lưu ý đến các loại sản phẩm làm mềm da. Với các sản phẩm làm mềm da ở dạng thuốc mỡ thì mẹ nên hạn chế không nên dùng cho trẻ sơ sinh, đặc biệt khi thời tiết ẩm nóng, vì chất mỡ có thể gây bít tắc tuyến nang lông và gây viêm.

Với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng các mẹ nên chọn các loại kem dưỡng ẩm da ở dạng lotion không màu, không mùi thơm để tránh tình trạng da trẻ bị kích ứng, đảm bảo an toàn.

cham-soc-da-tre-so-sinh-dung-cach-an-toan-khong-hai-da-be-me-nao-cung-can-phai-biet-1-VOH

Mẹ cần lưu ý trong việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ (Nguồn: Internet)

Lựa chọn sản phẩm khi tắm

Với các loại xà phòng tắm cho trẻ, các mẹ không nên sử dụng các loại sản phẩm có độ pH kiềm quá cao vì có thể phá vỡ lớp lipit.

Ngoài ra, trong các sản phẩm xà phòng có thành phần glycerin thì cũng không nên dùng cho trẻ vì chất glycerin có tính hút ẩm, sẽ hút nước ra khỏi da, khiến da bị khô.

Hạn chế sử dụng các loại loại xà phòng có mùi, có màu vì đây điều là những loại tá dược không tốt cho bé.

Bác sĩ Phượng cho biết, xà phòng nên dùng cho bé là những loại xà phòng dạng lỏng, không mùi thơm, có độ pH = 5 sẽ không gây kích ứng da. Các loại xà phòng này mẹ có thể dùng để tắm, gội cho bé.

Những vấn đề thường gặp trên làn da của bé và cách xử lý

  1. Trẻ sơ sinh bị hăm

Trẻ sơ sinh rất dễ bị hăm da, đặc biệt là ở vùng quấn tã. Nguyên nhân thường gặp là do trẻ bị kích ứng với tã. Để hạn chế tình trạng này, mẹ có thể thay tã cho bé thường xuyên, lựa chọn những loại tã có tính thấm hút cao.

Bên cạnh đó, tình trạng da trẻ sơ sinh bị hăm cũng có thể do bé đi phân lỏng, phân dính vào phân da khiến làn da trẻ càng bị hăm đỏ, thậm chí lở loét. Nếu gặp trường hợp này, mẹ cần nên xem lại loại sữa cho bé uống, nếu trong sữa có hàm lượng lactose cao thì chất này có thế biến thành axit lactic gây hăm da ở trẻ sơ sinh.

Mẹ có thể thay thế những loại sữa không chứa hàm lượng lactose để làm giảm độ hăm của em bé. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng các sản phẩm có chứa kẽm thoa lên vùng da hăm đỏ ở trẻ.

  1. Trẻ sơ sinh bị lác sữa, chàm sữa

Khi trẻ sơ sinh lác sữa, chàm sữa da của bé thường bị khô, sần, một số trường hợp bị chảy nước. Đây là một loại bệnh lý dị ứng, do dó các mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Việc sử dụng chính sữa mẹ chữa cho bé hoàn toàn không mang lại hiệu quả.

cham-soc-da-tre-so-sinh-dung-cach-an-toan-khong-hai-da-be-me-nao-cung-can-phai-biet-2-VOH

Một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh là tình trang bé bị lác sữa, chàm sữa (Nguồn: Internet)

Nếu trẻ bị dị ứng do thức ăn có trong sữa mẹ, ví dụ, khi mẹ ăn thịt bò hay các loại hải sản, một hoặc nhiều thành phần trong đó chuyển vào nguồn sữa mẹ gây kích ứng cho bé, bé sẽ bị dị ứng và dẫn đến nổi những nốt sần đỏ trên da. Mẹ cần chú ý đến chế độ ăn, có thể đổi sang những loại thực phẩm khác như thịt heo, cá đồng…

Một số trường hợp bé dị ứng đạm sữa bò có trong các loại sữa công thức thì nên chọn các loại sữa có tính thủy phân sẽ giúp trẻ hạn chế được tình trạng bị dị ứng.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng một số loại kem bôi ngoài da để bé giảm bớt bị đỏ và ngứa. Bên cạnh đó, mẹ cũng tránh đưa bé ra nắng nhiều vì ánh nắng mặt trời có thể khiến là da trẻ bị kích ứng đỏ nhiều hơn.

  1. Trẻ bị kích ứng da do hóa chất

Bác sĩ Phượng cho biết, một vấn đề có thể khiến da bé bị dị ứng là do bị kích ứng từ các loại hóa chất có trong quần áo như các loại phẩm màu, mùi trên quần áo.

Không những thế, việc cắm hoa trong phòng cũng là trong những nguyên nhân khiến da trẻ bị kích ứng. Bởi việc trẻ bị kích ứng không chỉ ở đường tiếp xúc với da mà còn có thể qua đường hô hấp.

Do đó, các mẹ nên hạn chế tạo mùi thơm xung quanh trẻ, ngay cả mùi nước hoa. Thậm chí, những loại thuốc thoa dạng bột có mùi thơm cũng được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây kích ứng, nặng hơn là dẫn đến viêm phổi.

Trên đây là những chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc về cách chăm sóc làn da trẻ sơ sinh đúng cách và an toàn. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ bảo vệ làn da trẻ được tốt nhất trong những năm tháng đầu đời.

Để nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Cam Ngọc Phượng, bạn có thể nghe tại audio bên dưới.

Giải đáp: Mẹ nên uống thuốc bao lâu thì cho con bú an toàn?Có rất nhiều trường hợp các bà mẹ trong giai đoạn trong con bú lại bị bệnh phải dùng thuốc. Thế nhưng việc dùng thuốc trong giai đoạn trẻ đang bú mẹ liệu có an toàn hay không?

5 cách đơn giản trị tình trạng trẻ bị ho có đờm mẹ có thể áp dụng ngay : Ho là biểu hiện thông thường của cơ thể nhằm bảo vệ sức khỏe, nhưng đôi khi trẻ bị ho có đờm lại là dấu hiệu cảnh bảo một số bệnh lý nguy hiểm khác mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm.