Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

8 cách xử lý khi trẻ bị ho có đờm mẹ có thể áp dụng ngay

( VOH ) - Ho là biểu hiện thông thường của cơ thể nhằm bảo vệ sức khỏe, nhưng đôi khi trẻ bị ho có đờm lại là dấu hiệu cảnh bảo một số bệnh lý nguy hiểm khác mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm.

Thời điểm giao mùa, khi thời tiết se lạnh, không khí khô hanh cũng là lúc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ho nhiều hơn, bởi sự sinh sôi và phát tán của vi khuẩn, nấm mốc trong không khí khá nhiều, gây ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ.

Khi trẻ sơ sinh bị đờm trong cổ họng thường không chỉ có biểu hiện ho mà còn hay bị nôn trớ, đau họng, chán ăn, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng và cả tinh thần của trẻ.

1. Trẻ bị ho có đờm là gì ?

Trẻ bị ho có đờm là hiện tượng xảy ra khi các dịch của đường hô hấp như dịch của khí phế quản, phế nang, họng, các xoang hàm trán, các hốc mũi… hay các chất khác không gặp trong điều kiện bình thường như: máu, mủ, giả mạc, bã đậu… làm cản trở đường hô hấp, khiến bé phải ho để tống chúng ra ngoài.

Chính vì thế, ho được xem như một phản xạ sinh lý tốt của cơ thể  nhưng nó lại gây không ít khó chịu cho bé. Đặc biệt hơn, tình trạng trẻ bị đờm nhiều và ho thường xuyên lại là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý khác.

2. Những nguyên nhân khiến trẻ bị ho có đờm

Việc trẻ bị đờm ở cổ họng và ho có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân điển hình khiến trẻ sơ sinh bị ho có đờm mà các mẹ cần quan tâm đó là:

  • Bé bị viêm họng cấp: Khi bị viêm họng cấp, bé sẽ thường cảm thấy đau rát ở vùng cổ họng, sốt cao, ho có đờm, chảy nước mũi hoặc bị amidam viêm to.
  • Bé bị ho gà: Một số trường hợp trẻ bị ho có đờm có thể do bệnh ho gà gây ra. Ban đầu bé sẽ có triệu chứng ho nhẹ, sau đó trẻ bắt đầu bị ho đờm và sổ mũi.
  • Bé bị viêm khí phế quản cấp: Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm phế quản chính là bé bị ho khan trong 1-2 ngày đầu, sau đó bé bị ho đờm khò khè.
  • Bé bị hen phế quản: Khi bé bị hen phế quản, bé sẽ bị ho chủ yếu về đêm hoặc gần sáng. Tình trạng đờm sẽ xuất hiện sau cơn hen. Cùng lúc đó bé sẽ bị tức ngực, khó thở.
  • Bé bị viêm phổi: Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở căn bệnh này chính là bé bị ho có đờm và sốt.

5-cach-don-gian-tri-tinh-trang-tre-bi-ho-co-dom-me-co-the-ap-dung-ngay-VOH

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho có đờm (Nguồn: Internet)

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ho có đờm

Với một số bậc phụ huynh chắc chắn sẽ khó khăn trong việc nhận diện các triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm, tuy nhiên cha mẹ cần nên biết và nắm được những dấu hiệu bệnh đầu tiên của trẻ để có thể đưa ra hướng giải quyết kịp thời.

Một số dấu hiệu nhận cơ bản để mà cha mẹ có thể nhận biết như:

  • Bé bị ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.
  • Ho nhiều kèm theo co thắt, cơ thể tím tái (Trong trường hợp này mẹ cần sơ cứu ngay lập tức trước khi đưa trẻ đến bệnh viện).
  • Ho kèm theo sốt, nôn trớ.
  • Ho nhiều kèm đờm, trong lồng ngực nghe được tiếng rên rít.

4. Cách xử lý khi trẻ bị ho có đờm mẹ nên biết

Thông thường khi trẻ bị đờm trong cổ họng, ở mũi hay bé bị ho đờm sốt… thì cách tốt nhất là các mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác bệnh, từ đó có hướng điều trị tốt nhất.

Bên cạnh đó, cũng có một số phương pháp giúp chữa trị tình trạng trẻ sơ sinh bị ho có đờm phổ biến mà các mẹ có thể tham khảo thêm:

4.1 Chưng quất với đường phèn

Theo đông y, trái quất có vị chua ngọt, tính mát. Thành phần bên trong chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và vitamin, có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng virus và kháng khuẩn. Đường phèn có vị ngọt, tính bì bổ tỳ và phế. Dùng quất chưng với đường phèn bằng hấp cách thủy sẽ giúp bé trừ ho, tiêu đờm.

Cách làm: Mẹ sẽ dùng 2-3 quả quất còn xanh, cắt nhỏ, sau đó cho ít đường phèn vào và đem hấp cách thủy khoảng 15-20 phút. Cho bé dùng khi nguội, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.

4.2 Lá hẹ chưng đường phèn

Lá hẹ được biết đến là một vị thuốc, hẹ có tác dụng bổ can thận, làm ấm gối. Y học dân gian thường lấy lá hẹ để chữa rất nhiều loại bệnh như: đi tiểu nhiều, đái són, mộng tinh… và đặc biệt dùng để trị ho cho trẻ.

Cách làm: Lá hẹ rửa sạch, cho vào bát, sau đó cho ít  đường phèn vào và hấp cách thủy khoảng 15-20 phút, sau đó chắt lấy nước cho bé uống. Cho bé uống ngày 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa cà phê.

5-cach-don-gian-tri-tinh-trang-tre-bi-ho-co-dom-me-co-the-ap-dung-ngay-1-VOH

Lá hẹ chưng đường phèn là một trong những cách chữa ho có đờm ở trẻ nhỏ (Nguồn: Internet)

4.3 Chanh đào hấp cách thủy

Trẻ bị ho có đờm, mẹ có thể cho bé uống chanh đào. Với chanh đào, mẹ có thể ngâm chanh đào với muối, mật ong và đường phèn. Trẻ em dưới 1 tuổi mẹ chưng chanh đào với đường phèn, trẻ trên 1 tuổi mẹ có thể chưng cùng với mật ong.

Cách làm: Chanh đào cắt thành từng miếng mỏng cho vào chén, sau đó cho đường phèn vào chén và hấp cách thủy khoảng 15 – 20 phút. Cho bé uống ngày 3 lần, mỗi lần là 1 thìa cà phê.

4.4 Lá húng chanh

Lá húng chanh có chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là cavaron, giúp tiêu đờm, trừ độc, nên rất tốt để chữa trị những trường hợp trẻ bị đờm.

Cách làm: Lá húng chanh rửa sạch giã dập, sau đó cho nước sôi vào khoảng 10ml, để cho ngấm cho tinh dầu ra tiết ra nước, sau đó lấy nước cho trẻ uống ngày 2 lần. Ngoài ra, mẹ có thể cho húng chanh, quất cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi cho ít đường phèn và cho hấp cách thủy khoảng 20 phút. Để nguội cho bé uống ngày 2 lần, uống liên tục trong 2 ngày.

4.5 Rau diếp cá và nước vo gạo

Rau diếp cá được xem là loại thuốc kháng sinh, có tác dụng trị ho cho trẻ cực hiệu quả, do đó có thể dùng để trị ho có đờm ở trẻ em.

Cách làm: Mẹ lấy khoảng 15 lá diếp cá, rửa sạch cho vào cối giã thật nhuyễn. Sau đó cho nước gạo vào cùng rau diếp cá và đun khoảng 20 phút. Tiếp theo sẽ lọc bã lấy nước để nguội cho trẻ uống. Mẹ có thể cho chút xíu đường vào để trẻ dễ uống hơn. Mỗi ngày mẹ cho bé uống 2-3 lần.

Lưu ý: Với bài thuốc từ rau diếp cá mẹ nên cho trẻ uống sau khi ăn 60 phút, không nên cho bé uống trước và sau giờ ăn liền. Trong quá trình điều trị, mẹ không nên cho trẻ ăn thịt gà, cua, tôm.

4.6 Quả lê

Theo Đông Y, quả lê có vị ngọt, tính hàn bổ phế và vị giúp trẻ hết ho và tiêu đờm rất hiệu quả.

Cách làm: Lấy khoảng 100gr lê cắt thành miếng nhỏ, sau đó nấu nhừ, lọc bã, thêm nước và một chút đường phèn vào nấu nấu sôi. Cho bé uống 3 – 4 lần mỗi ngày, mỗi lần uống 2-3 thìa cà phê.

4.7 Sử dụng máy tạo độ ẩm

Ngoài những cách trị trên thì ba mẹ cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để cung cấp độ ẩm cho không khí giúp đường thở của bé sẽ không bị không và làm lỏng chất nhầy. Điều này sẽ phần nào làm giảm tình trạng nghẹt mũi và làm dịu cơn ho của trẻ.

4.8 Sử dụng tinh dầu

Những sản phẩm thảo dược này đang được sử dụng rộng rãi phổ biến và có thể làm dịu cơn ho hoặc đau nhức cơ bắp nhờ bôi vào da hoặc khuếch tán tinh dầu vào không khí nhờ máy xông tinh dầu. Nhưng mẹ bé nên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho bé vì không phải loại nào bé cũng có thể sử dụng được.

5. Cách chăm sóc trẻ bị ho có đờm

Khi trẻ bị ho có đờm, ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị các mẹ cũng cần quan tâm đến quá trình chăm sóc trẻ bằng cách:

  • Cho con uống nhiều nước. Trẻ dưới 6 tháng thường sẽ được bú mẹ hoàn toàn, nhưng với những trường hợp trẻ ho có đờm thì ngoài sữa mẹ, mẹ cũng nên cho con uống thêm nước (cho vào bình sữa cho con mút hay đút muỗng), hoặc các loại nước trái cây để giúp làm loãng đờm, làm dịu cơn rát họng và giảm ho.
  • Thường xuyên vỗ lưng cho bé sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long và dễ thải ra. Mỗi lần vỗ khoảng vài phút, ngày vỗ 2-3 lần. Khi mẹ nhìn thấy đờm trong họng con thì lấy khăn sữa sạch bọc vào đầu ngón tay rồi móc nhẹ đờm ra cho con.
  • Nhỏ mũi cho trẻ ngày 3 – 4 lần khi con có biểu hiện hắt hơi nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ chuyển sang sổ mũi, mẹ cần phải nhỏ mũi cho con ngày 6-7 lần, mới giúp con nhanh hết
  • Khi trẻ sơ sinh ho có đờm thì mẹ bé nên cho bé bú thường xuyên hơn vì sữa mẹ có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và bổ sung lượng nước cần thiết cho trẻ.
  • Có thể pha nước ấm với tinh dầu tràm tắm để tắm cho bé vì mùi hương của loại tinh dầu này có thể giúp giảm ho nhiều và ho có đờm ở trẻ sơ sinh.

Lưu ý: Cần hút sạch nước mũi mới nhỏ xong để tránh nước mũi chảy ngược vào sâu trong khoang mũi, khiến con viêm mũi nặng hơn.

5-cach-don-gian-tri-tinh-trang-tre-bi-ho-co-dom-me-co-the-ap-dung-ngay-2-VOH

Mẹ có thể xoa dịu cơn ho của bé bằng cách vỗ lưng trẻ (Nguồn: Internet)

6. Cách phòng tránh cho trẻ bị ho có đờm

Một số biện pháp giúp bé có thể thoát khỏi tình trạng trẻ ho có đờm chính là:

  • Cho trẻ vận động thường xuyên.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc thường xuyên ở môi trường đông người, những nơi có ổ dịch bệnh hay những nơi có không khí ôi nhiễm, khói thuốc.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý đầy đủ các khoáng chất và vitamin sẽ giúp trẻ hoàn thiện về mặt thể chất cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
  • Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ để không khí lưu thông tốt, khử trùng tránh virut lây lan.
  • Chích ngừa cho bé đầy đủ để phòng tránh các bệnh lây lan.

Trên đây là những chia sẻ về tình trạng trẻ bị ho có đờm, nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng những cách chăm sóc để hạn chế thấp nhất khả năng trẻ gặp phải tình trạng ho có đờm.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận