Chờ...

Tìm hiểu các tác dụng của lá hẹ - vị thuốc tiện dụng và rẻ tiền

(VOH) – Hẹ là một trong những loại cây gia vị thường thấy trong gia đình, đồng thời cũng là vị thuốc quý dễ sử dụng và lành tính. Vậy những tác dụng của lá hẹ bao gồm những gì?

Cây hẹ là một loại rau dùng để chế biến nhiều món ngon bổ dưỡng. Không chỉ vậy, hẹ cũng là một loại dược liệu có khả năng phòng và điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.

1. Cây lá hẹ là gì?

Hẹ có tên gọi khác là cửu thái, cửu thái tử, khởi dương thảo... với tên khoa học là Allium ramosum L., thuộc họ Hành, có nguồn gốc từ châu Á và Đông Âu, được nhiều người sử dụng rộng rãi trong nấu ăn và chữa bệnh.

tac-dung-cua-la-he-voh-0
Lá hẹ là loại rau dùng phổ biến trong ẩm thực (Nguồn: Internet)

Hẹ là thân cây thảo, sống lâu năm, có chiều cao khoảng 20 – 40cm. Thân và lá hẹ có màu xanh lục, hoa màu trắng, có mùi thơm đặc trưng. Hẹ thường mọc thành bụi, rất dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng khí hậu nóng ẩm.

Ở nước ta, hẹ được trồng phổ biến để làm nguyên liệu trong các món ăn và dược liệu để chữa nhiều loại bệnh.

2. Lá hẹ có tác dụng gì cho sức khỏe?

Các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, tác dụng của lá hẹ chủ yếu đến từ nguồn dinh dưỡng phong phú bao gồm vitamin nhóm B, vitamin K, khoáng chất,... cùng nhiều hợp chất có nguồn gốc thực vật. Dưới đây là một số công dụng của lá hẹ đối với sức khỏe:

2.1 Tốt cho gan, thận và dạ dày

Một trong những công dụng của lá hẹ là ích gan, thận, bổ dạ dày. Bởi trong lá hẹ có chứa thành phần đặc biệt như tinh dầu và sulfide tạo ra mùi cay. Chất này có tác dụng điều khí dưỡng gan, thận, kích thích ăn ngon và tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, chất tinh dầu và sulfide trong lá hẹ cũng có tác dụng trong việc kháng viêm, diệt khuẩn và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

2.2 Chống táo bón

Trong lá hẹ có nhiều chất xơ nên có thể kích thích nhu động của đường ruột, từ đó ngăn ngừa được chứng táo bón, phòng ngừa ung thư đường ruột.

Hơn thế, lá hẹ cũng có tác dụng hỗ trợ loại bỏ các vi khuẩn, nấm men và nấm có hại có thể cản trở quá trình tiêu hóa trong đường ruột. Nhờ đặc tính kháng khuẩn nên ăn lá hẹ sẽ giúp loại bỏ khoảng 30 chủng salmonella gây suy giảm chức năng tiêu hóa đường ruột.

2.3 Giảm huyết áp và cholesterol

Cũng như củ tỏi, hẹ có chứa allicin nên có tác dụng làm giảm huyết áp và ngăn quá trình sản sinh cholesterol xấu trong máu.

Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa, chất organosulfur và thiosulfate giúp ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

2.4 Giải độc cơ thể

Một trong những đặc tính của cây hẹ có khả năng kháng khuẩn, loại bỏ các gốc tự do khác và giải độc cơ thể. Ngoài ra, khi ăn lá hẹ bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn, điều này sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố thừa, nước, muối và chất béo, giữ cho các cơ quan hoạt động trơn tru.

2.5 Cải thiện sức khỏe xương

Khi về già, mật độ xương khớp sẽ giảm dẫn đến các chứng loãng xương và trầm trọng hơn là viêm khớp. Lá hẹ rất giàu chất dinh dưỡng, một trong số đó là hàm lượng vitamin K.

Vai trò của vitamin K rất quan trọng trong việc duy trì mật độ khoáng xương và tính toàn vẹn của xương. Hàm lượng vitamin K cao còn có thể giúp sản xuất osteocalcin, thành phần thiết yếu trong vai trò xây dựng mật độ khoáng chất trong xương.

2.6 Cải thiện trí nhớ

Trong lá hẹ có chứa chất choline và folate, đây là những chất có liên quan trực tiếp đến việc cải thiện chức năng não bộ, cải thiện tình trạng mất trí nhớ ở người lớn tuổi.

tac-dung-cua-la-he-voh-1
Ăn lá hẹ giúp cải thiện trí nhớ (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, chất folate trong lá hẹ còn giúp hạn chế rối loạn nhận thức và rối loạn tâm trạng, rất hữu hiệu trong việc cải thiện trí và ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ.

2.7 Tăng cường hệ miễn dịch

Lá hẹ là một nguồn cung cấp hàm lượng vitamin C dồi dào, vì thế, ăn lá hẹ sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng bằng cách kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu và sản xuất collagen, một thành phần thiết yếu tạo ra các mạch máu, tế bào, cơ bắp và mô mới.

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

2.8 Cải thiện sức khỏe mắt

Một trong các tác dụng của lá hẹ được nhắc đến là có thể cải thiện tầm nhìn, giảm stress oxy hóa trong mắt và ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh đục thủy tinh thể nhờ các hợp chất lutein và zeaxanthin có trong lá hẹ. Ngoài ra còn có khả năng ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh.

2.9 Ngăn ngừa mồ hôi

Trong hẹ có chứa một lượng ít chất chua, có tác dụng trị các chứng mồ hôi trộm, di tinh ở nam giới…

2.10 Giúp làm đen tóc

Các chất trong hẹ có tác dụng tăng cường chức năng hệ thống tyrosine trong các tế bào, nên một trong những công dụng của lá hẹ chính là làm đen tóc. Vì chúng có thể điều tiết các sắc tố đen ở chân tóc, làm tóc càng thêm bóng mượt.

3. Tác dụng của lá hẹ trong Đông y

Không chỉ trong y học hiện, y học cổ truyền cũng ghi nhận rất nhiều những tác dụng của lá hẹ trong điều trị bệnh. Sách Bản thảo thập di có viết: ‘Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên’. Còn trong Đông y thì cho rằng, toàn thân cây hẹ đều có tác dụng làm thuốc.

  • Lá hẹ sống có tính nhiệt, nấu chín thì tính ôn, vị cay; đi vào các kinh Can, Vị và Thận nên có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng để chữa bụng đau tức, nấc, ngã chấn thương...
  • Rễ hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng hành khí, tán ứ. Dùng để chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa...

Nam giới ăn rau hẹ có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương, cố tinh. Thường dùng làm thuốc để chữa tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, lưng gối mềm yếu...

Lưu ý: Mặc dù là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và lá hẹ cũng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên những người có thể trạng âm suy, bốc hỏa thì không nên dùng thực phẩm này.

4. Bà bầu ăn lá hẹ được không?

Những tác dụng của lá hẹ dường như đều tốt đối với tất cả đối tượng, kể cả phụ nữ mang thai. Những lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn lá hẹ có thể kể đến là:

4.1 Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi

Trong lá hẹ giàu hàm lượng folate, rất tốt cho sức khỏe bà bầu giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.

4.2 Ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt

tac-dung-cua-la-he-voh-2
Bà bầu ăn lá hẹ thường xuyên giúp ngăn ngừa thiếu máu thai kỳ (Nguồn: Internet)

Bà bầu ăn lá hẹ thường xuyên có thể giúp bổ sung nguồn sắt và vitamin C cho cơ thể. Vitamin C là dưỡng chất cần thiết trong việc tăng cường quá trình hấp thu sắt trong cơ thể mẹ bầu, đồng thời giúp thúc đẩy quá trình sản xuất hemoglobin trong hồng cầu.

4.3 Ngăn ngừa chứng chuột rút khi mang thai

Bà bầu có thể thường xuyên bị chuột rút do thiếu hụt magie và các khoáng chất cần thiết như canxi, kali. Tuy nhiên, khi thêm lá hẹ vào chế độ ăn trong thai kỳ sẽ giúp cơ thể được bổ sung những khoáng chất này, từ đó cải thiện được tình trạng chuột rút khi mang thai.

4.4 Ngăn ngừa táo bón

Lá hẹ có thể giúp ngăn ngừa chứng táo bón, bởi hàm lượng chất xơ trong lá hẹ sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn và điều này thật sự cần thiết và có lợi cho phụ nữ mang thai.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

5. Lá hẹ nấu món gì ngon?

Là một loại rau ăn rất phổ biến, vì thế lá hẹ xuất hiện thường xuyên trong các bữa ăn gia đình người Việt. Với lá hẹ, bạn có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng để đưa vào thực đơn hàng ngày như:

  • Tôm và mực xào hẹ
  • Canh hẹ nấu thịt và đậu hũ
  • Bún riêu cua nấu hẹ
  • Canh hẹ nấu trứng
  • Bánh hẹ chiên giòn
  • Cá/thịt gà, heo nướng hẹ
  • Tôm thịt cuốn rau sống bánh tráng và lá hẹ (món gỏi cuốn)

6. Ăn nhiều lá hẹ có tốt không?

Những công dụng của lá hẹ đã được ghi nhận ở cả y học cổ truyền lẫn y học hiện đại. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều hẹ vì chúng có thể khiến bạn bị đau dạ dày. Thực phẩm này chỉ an toàn khi được sử dụng với một mức độ vừa phải.

tac-dung-cua-la-he-voh-3
Ăn quá nhiều hẹ vì chúng có thể khiến bạn bị đau dạ dày (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong quá trình chế biến lá hẹ bạn không nên kết hợp chúng với thịt trâu, thịt bòmật ong. Vì sự kết hợp này có thể sản sinh ra các chất độc hại, gây khó tiêu và đau bụng.

Bên cạnh đó, những người có tiền sử dị ứng với các loại cây cùng họ với hẹ như: hành lá, hành tây... cũng cần phải thận trọng khi sử dụng lá hẹ.

7. Thành phần dinh dưỡng từ lá hẹ

Rau hẹ khá giàu chất dinh dưỡng bao gồm đường, đạm, carotene, vitamin B, C, chất xơ, canxi, photpho…, đặc biệt còn chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, tiêu viêm.

Trong tài liệu Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế đã liệt kê ra đầy đủ hàm lượng các chất trong lá hẹ. Một số chất điển hình như:

  • Nước: 94.5 g
  • Năng lượng: 18 KCal
  • Carbohydrate (đạm): 1.5 g
  • Chất béo: 0.3 g
  • Chất xơ: 0.9 g
  • Canxi: 56 mg
  • Đồng: 100 mg
  • Photpho: 45 mg
  • Kali: 234 mg
  • Vitamin C: 19 mg
  • Vitamin E: 0.92 mg
  • Vitamin H: 1.4 mg
  • Vitamin K: 47 µg

Trên đây đã phần nào giải thích rõ các tác dụng của lá hẹ tốt cho sức khỏe, cũng như một số điều cần tránh khi sử dụng để không gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế hãy bổ sung thực phẩm này ngay vào các bữa ăn để tăng thêm hương vị và bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.