Có thể tìm mua trái tắc rất dễ dàng bởi đây là một trong những thức quả phổ biến và yêu thích của người Việt. Cùng tìm hiểu rõ hơn về loại trái cây này nhé.
1. Đặc điểm của trái tắc
Trái tắc (tên khoa học là Fortunella japonica/ Citrus japonica), được canh tác trong nhiệt độ từ 23 – 29 độ C và thu hoạch quanh năm, trung bình là khoảng 2 lần một tháng. Mỗi vùng miền của Việt Nam sẽ có cách gọi trái tắc khác nhau như quả quất hay quả hạnh.
Trái tắc có vị chua dịu, kích thước khá nhỏ, cùng họ nhà cam chanh nên thường dễ nhầm với trái quýt nhỏ, khi chín trái sẽ chuyển từ màu xanh sang màu cam hoặc vàng cam.
2. Công dụng của trái tắc
Trái tắc cung cấp hàm lượng vitamin C, chất xơ và hầu như không chứa chất béo. Sử dụng trái tắc một cách hợp lý, bạn sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe sau đây:
2.1 Giảm ho, đau họng
Trái tắc được biết đến là dược liệu quan trọng trong các bài thuốc trị đau họng, điển hình như tắc chưng đường phèn. Theo các phân tích dinh dưỡng, vỏ tắc cung cấp một lượng lớn tinh dầu, giúp giảm ho, long đờm và ngăn ngừa các bệnh lý đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra.
2.2 Kích thích tiêu hóa
Trái tắc chính là loại thực phẩm giàu chất xơ mà bạn nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng của mình. Chỉ với 100g tắc, bạn đã tiếp nạp được khoảng 4.1g chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
2.3 Hỗ trợ giảm cân
Bên cạnh việc cung cấp chất xơ giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, trái tắc còn đem đến cho cơ thể hoạt chất hesperidin nhằm tăng cường đốt cháy mỡ thừa, giảm lượng mỡ nhanh chóng và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
2.4 Tăng cường hệ miễn dịch
Hàm lượng vitamin C trong trái tắc có tắc động tích cực đến sức khỏe, là một chất chống oxy hóa tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh.
2.5 Ngăn ngừa lão hóa da
Là nguồn thực phẩm giàu vitamin C, trái tắc còn góp phần không nhỏ trong quá trình tái tạo cấu trúc da, làm chậm quá trình lão hóa da cũng như phòng chống tối đa các tổn thương tế bào.
2.6 Cải thiện thị giác
Hoạt chất beta-caroten được tìm thấy nhiều trong trái tắc chịu trách nhiệm tạo các sắc tố và hạn chế tình trạng thoái điểm vàng, từ đó giúp đôi mắt của bạn sáng khỏe hơn.
3. Trái tắc làm gì ngon?
Với hương thơm và vị chua nhẹ, trái tắc được tận dụng làm nguyên liệu của khá nhiều món ăn hấp dẫn và cực kì dễ làm, có thể kể đến như:
- Chân gà ngâm xả tắc
- Trà tắc
- Tắc chưng đường phèn
- Mứt tắc
- Bánh bông lan hương tắc
- Sữa trái tắc
Xem thêm: ‘Mở mang tầm mắt’ với 6 công thức món ngon ‘đốn tim’ từ trái tắc rất giàu vitamin
4. Một số lưu ý khi dùng trái tắc
Trái tắc là loại quả giúp phòng và chữa bệnh rất tốt cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ nhưng muốn đạt hiệu quả tốt nhất thì hãy ghi nhớ các lưu ý sử dụng dưới đây:
- Không nên dùng tắc lúc đói vì các axit hữu cơ sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây khó chịu, ngứa họng.
- Tránh uống trà tắc ngay sau bữa ăn vì nó có thể làm cản trở quá trình làm việc của dạ dày, thời điểm tốt nhất là sau ăn 30 – 45 phút.
- Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như sỏi thận, loét dạ dày, táo bón, mất ngủ… không nên uống nước tắc, nhất là trà tắc.
5. Thành phần dinh dưỡng của trái tắc
Hàm lượng dinh dưỡng trong 100g trái tắc được phân tích như sau:
- Nước: 89 g
- Năng lượng: 26 Kcal
- Chất đạm: 0.9 g
- Chất xơ: 4.1 g
- Canxi: 124 mg
- Sắt: 0.3 mg
- Photpho: 42 mg
- Vitamin C: 43 mg
- Vitamin B1: 0.1 mg
- Vitamin B2: 0.02 mg
- Vitamin PP: 0.2 mg
- Beta-caroten: 100 µg
Tưởng chừng trái tắc chỉ như loại trái “ăn vặt” nhưng nếu sử dụng hợp lý và khoa học, đây thực sự là một “dược liệu” quý mà bạn không thể bỏ qua.