Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chụp MRI nên thực hiện khi nào, có hại cho cơ thể hay không?

(VOH) – Chụp MRI là 1 trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng hiện đại, hiệu quả. Kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau nhưng chẩn đoán nhiều bệnh lý hiệu quả hơn các phương pháp khác.

1. Chụp cộng hưởng từ là gì?

Cộng hưởng từ (chụp MRI) là một kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng sóng điện từ trường và sóng radio. Khi các nguyên tử hydrogen trong cơ thể người dưới tác động của từ trường và sóng radio, hấp thụ và phóng thích năng lượng RF (các mô khác nhau sẽ hấp thụ và phóng thích năng lượng khác nhau). Quá trình phóng thích năng lượng được máy thu nhận, xử lý và chuyển đối thành các tín hiệu hình ảnh.  

Hình ảnh cộng hưởng từ MRI có độ tương phản cao, sắc nét và rõ ràng, chi tiết giải phẫu tốt và có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán cho bác sĩ đối với bệnh lý của bệnh nhân.

chup-mri-nen-thuc-hien-khi-nao-co-hai-cho-co-the-hay-khong-voh

Một số bệnh lý dùng kỹ thuật chụp MRI cho hiệu quả chẩn đoán cao hơn (Nguồn: Internet)

Trong nhiều trường hợp, sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI cho hiệu quả chẩn đoán cao rất nhiều so với siêu âm, chụp X-quang hay chụp cắt lớp CT... Bên cạnh đó, do không sử dụng tia X, rất an toàn nên phương pháp này ngày càng được chỉ định rộng rãi trong nhiều bệnh lý khác nhau.

2. Chụp MRI phát hiện bệnh gì?

Một số bệnh lý có thể được phát hiện thông qua kỹ thuật chụp MRI là:

2.1 Chụp MRI sọ não

  • Bệnh u não, u dây thần kinh sọ não, tai biến mạch máu não, chảy máu não, nhồi máu não.
  • Dị dạng mạch máu não, chấn thương sọ não.
  • Bệnh lý thoái hóa chất trắng: sa sút trí tuệ, bệnh chất trắng do tia xạ, xơ cứng rải rác....
  • Viêm màng não, viêm não.
  • Dị tật bẩm sinh ở não.

2.2 Chụp hốc mắt

  • Các tổn thương thuộc nhãn cầu, thần kinh thị giác...

2.3 Chụp cộng hưởng từ vùng cổ

  • Các bệnh lý tổn thương như khối u, viêm, hạch bạch huyết vùng cổ.
  • Các tổn thương ở đám rối thần kinh cánh tay.

2.4 Chụp MRI cột sống

  • Các bệnh lý cột sống, thoát vị đĩa đệm, gãy lún đốt sống, viêm nhiễm đĩa đệm và phần mềm cạnh sống.
  • Các bệnh lý tủy sống như viêm, u tủy sống, chấn thương.

2.5 Chụp ổ bụng – chậu

chup-mri-nen-thuc-hien-khi-nao-co-hai-cho-co-the-hay-khong-1-voh

Phụ nữ chụp cộng hưởng từ để tầm soát nhiều bệnh lý ở tử cung - vùng chậu (Nguồn: Internet)

  • Các bệnh lý ở gan, đường mật như u gan, u đường mật, sỏi mật...
  • Bệnh lý tuyến tụy, lá lách, thận, tuyến thượng thận.
  • Bệnh lý vùng tiểu khung như ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt.
  • Đánh giá vùng chậu ở nữ, các nguyên nhân như u xơ tử cung, sa âm đạo, các khối u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung...

2.6 Chụp cơ xương khớp

  • Phát hiện chấn thương và các bất thường của khớp như khớp gối....
  • Các bệnh lý viêm nhiễm, thoái hóa, tràn dịch ổ khớp.

2.7 Chụp MRI tuyến vú

  • Tầm soát ung thư vú đối với phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao.

Ngoài ra, chụp MRI còn là phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán bất thường thai nhi, các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Tuy nhiên, do không phải là kỹ thuật chuyên sản phụ khoa nên bác sĩ chỉ chỉ định trong các trường hợp khó khăn khi thăm khám bằng siêu âm như mẹ bầu bị béo phì, thai thiếu ối, vô ối, hoặc cần đánh giá các cử động của thai.

3. Ưu điểm và hạn chế của chụp cộng hưởng từ MRI

3.1 Ưu điểm

  • Bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia X.
  • Không bị ảnh hưởng về mặt sinh học.
  • Hình ảnh hiển thị tốt hơn so với chụp CT.
  • Chụp được mạch máu não (MRA) kể cả khi không dùng chất tương phản.
  • Kỹ thuật không xâm lấn.
  • Chất tương phản tác dụng phụ rất hiếm.

3.2 Hạn chế

  • Giá thành chụp MRI còn tương đối cao.
  • Không thể dùng với những bệnh nhân bị chứng sợ nơi chật hẹp hay đóng kính, hội chứng sợ lồng kính.
  • Thời gian chụp lâu.
  • Khảo sát vỏ xương và các tổn thương có calci không tốt bằng chụp X Quang, chụp CT.
  • Không thể chụp bệnh nhân với máy tạo nhịp tim, các clip phẫu thuật, mô cấy ở mắt hay tai...
  • Không thể mang theo thiết bị hồi sức vào phòng chụp.

4. Quy trình chụp MRI diễn ra thế nào?

Sau khi có chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI, người bệnh sẽ được di chuyển đến khoa chẩn đoán hình, nhân viên phòng cộng hưởng từ tiếp đón và hướng dẫn thay đồ, tháo các vật dụng bằng kim loại trên người để đảm bảo an toàn trong khi chụp.

Khi vào phòng chụp, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, phù hợp với bộ phận chụp. Giường sẽ được tự động di chuyển đến vùng chụp.

Tùy vào vùng cần chụp mà thời gian chụp MRI sẽ dao động từ 15 – 60 phút. Trong thời gian chụp, máy sẽ phát ra các loại âm thanh, tuy nhiên thường không gây khó chịu cho người chụp.

chup-mri-nen-thuc-hien-khi-nao-co-hai-cho-co-the-hay-khong-2-voh

Trẻ em sẽ được gây mê trước khi thực hiện chụp MRI (Nguồn: Internet)

Bệnh nhân cần cố gắng nằm yên một tư thế để hình ảnh chụp được rõ ràng, sắc nét nhất. Ở một vài tư thế và vùng cần chụp, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu nín thở. Thời gian chụp kết thúc nhanh chóng mà không gây ra khó chịu gì hay áp lực cho người chụp.

Trong một vài trường hợp cần tiêm thuốc tương phản, nhân viên phòng cộng hưởng từ sẽ đặt một kim nhỏ vào ven ở khủy tay và sẽ rút kim ra khi kết thúc thăm khám.

Trong trường hợp chụp MRI cho các em bé, bác sĩ chuyên khoa sẽ gây mê cho các bé ngủ trong suốt quá trình chụp và sẽ tỉnh lại sau khi chụp MRI kết thúc. Lưu ý: Trẻ cần nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước khi chụp, sau khi chụp xong trẻ có thể ăn uống bình thường.

Phim và kết quả chụp sẽ có trong vòng 15 - 30 phút sau chụp (một số trường hợp sẽ giữ lại trong vài giờ nếu cần hội chẩn).

4.1 Phản ứng phụ sau khi chụp

Rất hiếm bệnh nhân gặp phải phản ứng phụ sau khi chụp MRI. Tuy nhiên, sử dụng thuốc tương phản có thể gây ra một số phản ứng như: đau đầu, buồn nôn, nóng rát chỗ tiêm ở một số người.

4.2 Lưu ý khi chụp MRI

Để đảm bảo quá trình chụp MRI được diễn ra an toàn, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên phòng chụp MRI.
  • Thông báo cho nhân viên phòng chụp trong các trường hợp: Có đặt máy tạo nhịp tim, dùng van tim nhân tạo, dùng máy trợ thính, cấy ghép thiết bị điện tử, đinh nội tủy hoặc có sử dụng kim loại kết hợp xương, mảnh đạn trong người, đặt vòng tránh thai T Cu 380A, răng giả....
  • Thông báo với nhân viên nếu có tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh thận.

5. Chụp MRI ở đâu?

Tại TPHCM, bạn có thể thực hiện chụp MRI tại các bệnh viện như:

  • Bệnh viện Đại học Y dược: Là một trong những bệnh viện hàng đầu miền Nam, thuộc tuyến trung ương. Bệnh viện có thể chụp MRI ở tất cả các bộ phận như cơ xương khớp, vùng bụng, chậu, mạch máu, não, cột sống,... 
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: Là một trong 5 bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, bệnh nhân thường chỉ chụp MRI theo chỉ định của bác sĩ.
  • Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình: Tại đây, bệnh nhân có thể thực hiện chụp MRI khi có bệnh về xương khớp như cột sống, khớp vai, khung chậu, khớp chân-tay, khớp gối... Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chụp MRI tại các bộ phận khác.
  • Bệnh viện 115: Là bệnh bệnh y khoa hạng nhất tại TPHCM. Bệnh viện có trang bị máy chụp MRI để chẩn đoán và chữa trị bệnh.

Như vậy, phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những cách có thể giúp chẩn đoán chính xác một số bệnh lý của bệnh nhân. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm một số thông tin hữu ích về phương pháp này.

Bình luận