Chờ...

Dị ứng thuốc - dấu hiệu nhận biết, cách xử lý và phòng ngừa

(VOH) - Không phải ai mắc bệnh cũng có thể điều trị bằng thuốc. Có một số trường hợp đặc biệt, khi uống thuốc vào sẽ có phản ứng dị ứng thuốc.

Dưới đây là những dấu hiệu giúp người bệnh phát hiện sớm tình trạng dị ứng thuốc và cách xử lý an toàn nhất.

1. Dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc còn được gọi là mẫn cảm với thuốc, là phản ứng có hại xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với thuốc sử dụng và cố gắng chống lại nó. Hoạt động của hệ thống miễn dịch là chống lại nhiễm trùng.

Dị ứng thuốc không giống như tác dụng phụ của thuốc. Tác dụng phụ là tác dụng không mong muốn mà thuốc gây ra, có thể gặp phải ở bất cứ người bệnh nào. Dị ứng thuốc chỉ xảy ra ở một số người bệnh có cơ địa đặc biệt.

2. Những dấu hiệu bị dị ứng thuốc

Các triệu chứng dị ứng thuốc phổ biến mà nhiều người gặp phải bao gồm:

di-ung-thuoc-dau-hieu-nhan-biet-cach-xu-ly-va-phong-ngua-voh-1

Ngứa và phát ban là dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng dị ứng thuốc (Nguồn: Internet)

  • Phát ban, nổi mẩn đỏ da.
  • Ngứa ngáy khắp cơ thể.
  • Đỏ bừng (đó là khi da chuyển sang màu đỏ và cảm thấy nóng).
  • Sưng mặt, tay, chân hoặc cổ họng.
  • Đau họng, giọng khàn, khò khè hoặc khó thở.
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng.
  • Choáng váng.

Ngoài ra, một số trường hợp dị ứng thuốc có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho tính mạng. Bạn nên đến phòng cấp cứu khi có những triệu chứng sau:

  • Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp.
  • Cảm giác bị nghẹn ở cổ họng, gây khó thở.
  • Lo âu hoặc chóng mặt.
  • Bất tỉnh.

Các triệu chứng của dị ứng thuốc thường xảy ra trong vòng một giờ sau khi uống thuốc. Tuy nhiên, các phản ứng của dị ứng thuốc có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần sau khi dùng thuốc ở một số trường hợp đặc biệt hoặc các phản ứng vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù đã dừng thuốc.

3. Nguyên nhân dị ứng thuốc

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra dị ứng, tuy nhiên có một số loại thuốc có tỷ lệ phản ứng thuốc cao hơn những loại khác, bao gồm:

  • Dị ứng thuốc tê.
  • Dị ứng thuốc kháng sinh.
  • Dị ứng thuốc chống động kinh.
  • Dị ứng thuốc kháng retrovirus.
  • Dị ứng thuốc giảm đau.
  • Dị ứng thuốc nhuộm tóc.
  • Dị ứng thuốc lao.

Dị ứng thuốc tây là do phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với chất hóa học trong thuốc. Hệ thống miễn dịch của bạn nhầm lẫn các hóa chất trong thuốc là chất độc hại và tấn công nó. Dị ứng thuốc có thể do trước đây bạn đã từng uống loại thuốc này một lần, khi đó hệ thống miễn dịch của bạn nhầm lẫn và tấn công các phân tử thuốc, tạo ra nhiều kháng thể, tuy nhiên khi đó biểu hiện triệu chứng còn ít hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi bạn uống loại thuốc đó lại lần nữa, những kháng thể có sẵn từ lần trước sẽ tấn công mạnh hơn và dẫn tới các triệu chứng của dị ứng thuốc.

4. Dị ứng thuốc có nguy hiểm không?

Dị ứng thuốc thường nghiêm trọng vì nó có thể trở nên tồi tệ hơn nếu người bệnh tiếp tục dùng thuốc. Nó có thể chuyển thành phản ứng dị ứng toàn thân, đe dọa tính mạng, được gọi là sốc phản vệ.

Một loại dị ứng thuốc khác, được gọi là dị ứng chậm, thường phổ biến hơn. Loại này không nghiêm trọng và thường gây phát ban sau vài ngày dùng thuốc. Phát ban thường lan rộng trên nhiều vùng da, đôi khi bị ngứa hoặc không.

5. Cách xử lý dị ứng thuốc

Khi có dấu hiệu bị dị ứng thuốc, đầu tiên bạn phải ngừng sử dụng loại thuốc đã gây dị ứng. Sau đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Nếu bạn có phản ứng nặng với thuốc thì sẽ được điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng dị ứng, thở oxy hoặc truyền dịch. Sau đó, bác sĩ có thể chuyển sang điều trị bằng các thuốc khác ít có khả năng dị ứng hơn.

Các loại thuốc có thể dùng gồm thuốc kháng histamine nhằm ngăn chặn các chất do hệ thống miễn dịch kích hoạt, thuốc corticosteroid để điều trị viêm nếu có,…

6. Phòng ngừa dị ứng thuốc

 

di-ung-thuoc-dau-hieu-nhan-biet-cach-xu-ly-va-phong-ngua-voh-2

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị dị ứng thuốc (Nguồn: Internet)

Để phòng tránh tình trạng dị ứng thuốc, người bệnh nên tuân thủ theo một số nguyên tắc dưới đây:

  • Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.
  • Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để có thể được cấp cứu hay được hướng dẫn xử trí thích hợp. Sau đó, nên tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần. Các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để giã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng... đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh, do đó không nên áp dụng để tự chữa tại nhà.
  • Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.
  • Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.