Giai đoạn sinh nở là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Niềm vui có được mầm non do chính mình tạo ra là một hạnh phúc nhưng cũng là áp lực tâm lý đè nặng.
Không ít phụ nữ sau sinh con cảm thấy mình không còn là mình, thiếu tự do, khó chịu, chán nản... Đó là những biểu hiện của hội chứng “trầm cảm sau sinh”.
Nhiều phụ nữ trầm cảm vì cảm thấy mình ít được quan tâm từ người thân. Hoặc những vết rạn da trên cơ thể, thân hình béo tròn, da xuống sắc… cũng là những “mặc cảm” mà chị em phải đối diện.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm. Hãy coi chừng những biểu hiện như trằn trọc khó vào giấc ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe... |
1. Tác hại của trầm cảm sau sinh
Ảnh hưởng đến bản thân người mẹ:
- Về thể chất: sụt cân, suy dinh dưỡng.
- Về tinh thần: suy nhược thần kinh, hoang tưởng, thậm chí có hành vi nguy hiểm.
Ngoài ra có thể còn ảnh hưởng đến người thân. Ở mức độ nhẹ, người chồng và con không được chăm sóc tốt, gia đình không được vui vẻ.
Trường hợp nặng, người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử. Có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.
Theo các chuyên gia, trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến bà mẹ. Trầm cảm còn ảnh hưởng đến con. Thai nhi hoặc trẻ sinh ra có thể không cảm nhận được mối dây liên kết tình mẫu tử, khó chịu khi ở cùng mẹ, quấy khóc khi ngủ, chậm phát triển, không muốn giao tiếp, không “hóng chuyện” và trở nên thụ động.
Tâm lý mẹ không thoải mái, ảnh hưởng đến việc tiết sữa nuôi con khiến bé không được hưởng nguồn sữa đủ chất, dồi dào từ mẹ. Trường hợp mẹ trầm cảm nặng có thể có hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với gia đình, tự sát hoặc thậm chí giết con.
2. Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện khoảng vài ngày đến sáu tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau.
Suy nhược cơ thể: mệt mỏi, thiếu sinh lực, thờ ơ việc nhà, có khi khóc cả ngày không có lý do; tâm trạng buồn bã, hoảng sợ, và khó bình tĩnh trở lại, cảm giác bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi.
Lo lắng: cảm giác bị bệnh và luôn than phiền về sức khỏe. Cảm thấy đau dữ dội (thường than đau đầu, cổ, lưng, ngực hoặc tim) nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân…
Căng thẳng: hoảng hốt với những tình huống nhỏ, luôn cảm thấy đầu óc muốn nổ tung, dễ cáu gắt người khác.
Cảm giác bị ám ảnh: thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé, bị ám ảnh về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Có khi sợ hãi hoặc đi kèm với cảm giác tội lỗi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.
Mất tập trung: khó tập trung đọc sách, xem tivi hay trò chuyện bình thường, cảm thấy trí nhớ kém.
Rối loạn giấc ngủ: rất khó ngủ hoặc không ngủ được, ngủ không ngon giấc
Tình dục: mất hứng thú tình dục thường kéo dài một thời gian.
Dễ bị kích động, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nghĩ đến cái chết và tự tử...
Bệnh trầm cảm muốn chết là gì ? "Trầm cảm không phải là thấy buồn vì mọi thứ không xảy ra theo ý bạn mà bạn thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp”. |
3. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?
Sự thay đổi nội tiết (việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen, Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa …, cộng với những đau đớn khi sinh con dẫn đến tình trạng mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc và trầm cảm.
Với các phụ nữ lần đầu làm mẹ, phải thay đổi các thói quen sinh hoạt để chăm sóc con. Sự khó khăn, thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc con khiến nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ và lo lắng, thậm chí hoài nghi về việc mình không phải là bà mẹ tốt.
Tình trạng này kéo dài dẫn đến hoang tưởng và nhiều hành vi nguy hiểm.
Di truyền cũng là yếu tố dẫn đến trầm cảm sau sinh. Trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác hay người đã từng có tiền sử bị trầm cảm sau sinh thì nguy cơ lặp lại lên tới 50%.
Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân…
Nguy cơ trầm cảm cao thường xuất hiện ở những bà mẹ có tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lập lại là 50%; Người dưới 18 tuổi, người có thai kỳ không mong muốn hay trải qua biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai.
Trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so (con đầu lòng), tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ (con thừ hai).
Nguy cơ mắc bệnh và biến chứng của bệnh trầm cảm. Biến chứng đáng sợ nhất của trầm cảm là tự hủy hoại cơ thể, tự tử vì cho rằng mình không còn giá trị. |
Hình minh họa: internet
4. Điều trị trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ từ nặng đến nhẹ: buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần. Vì thế việc phát hiện sớm các dấu hiệu trầm cảm giúp ích rất lớn trong quá trình điều trị. Bệnh ở giai đoạn nhẹ nếu được sự giúp đỡ của gia đình người mẹ có thể phục hồi nhanh chóng.
Khá nhiều chị em gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh. Nhưng bản thân người mẹ và gia đình không nên xem đó là chuyện ai đẻ xong cũng bị và từ từ sẽ hết. Điều đó có thể khiến chủ quan và bệnh diễn tiến nặng hơn
Trầm cảm sau sinh không có nghĩa là người mẹ không yêu đứa con. Đó là một tình trạng gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm tâm lý, sinh học và nội tiết, tất cả đều đóng một vai trò quan trọng trong biểu hiện của bệnh.
Vậy nên, dù nhiều khi không thể hiểu cho một số hành vi người mẹ, người thân trong nhà cần thông cảm đây là giai đoạn khó khăn và luôn giúp đỡ, bên cạnh để người mẹ luôn cảm thấy đang được bình yên
Cho con bú mẹ cũng là một biện pháp tốt để giảm stress bởi đó là cách tuyệt vời nhất để tăng tình cảm mẹ con, giúp người mẹ cảm thấy hạnh phúc và yêu thương con hơn.
Khi người mẹ có những dấu hiệu bất thường như cảm thấy lo lắng, bồn chồn, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ăn ít hoặc ăn quá nhiều, cảm thấy mình thừa thãi, không còn được làm những gì mình thích... thì chồng và người thân cần có sự chia sẻ, động viên ngay để tìm hiểu những suy nghĩ, khó khăn của người mẹ.
Người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, gia đình cần sắp xếp để lúc nào cũng có một người thân tin tưởng ở bên cạnh.
Nếu nhận thấy sự bất thường, người chồng, gia đình cần động viên và đi cùng bà mẹ đến gặp các bác sĩ về tâm thần, tâm lý, để được tư vấn cách điều trị.
Đừng để người mẹ có cảm giác cô độc hay một mình phải lo hết cho con để phòng tránh trầm cảm sau sinh. Hình minh họa: internet
Cách điều trị và chăm sóc người bệnh trầm cảm. Hãy thử thay đổi một đồ vật trong nhà, trang trí lại góc làm việc, thưởng thức nhạc, kịch.. tất cả đều giúp bạn thoát khỏi nguy cơ bị trầm cảm. |
5. Phòng tránh trầm cảm sau sinh
Nếu có điều kiện, các bà mẹ từ khi dự định mang thai, hãy sắp xếp tham gia khóa học Tiền sinh sản (khá phổ biến ở các bệnh viện chuyên khoa sản) để có hiểu biết khoa học về hành trình mang thai và nuôi con.
Với các thai phụ, việc làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng nhưng đừng cố gắng biến mình thành “người mẹ tốt nhất thế giới” để tránh gây áp lực cho bản thân.
Thay vào đó hãy xác định tâm lý từ khi mang thai rằng có con là một món quà nhỏ. Khoảng thời gian 6 tháng nghỉ thai sản là khoảng thời gian tuyệt vời nhất được ở bên con và chăm sóc bản thân.
Tuy vậy, đừng chỉ nghĩ đến việc chăm con. Hãy giúp bản thân cảm thấy thoải mái bằng Yoga, nghe nhạc nhẹ. Dù mới sinh xong, người mẹ cần thường xuyên ra ngoài ánh sáng mặt trời, không nên ở mãi trong phòng. Thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, học hỏi kinh nghiệm chăm con của người khác…
Bản thân người mẹ cũng không nên phụ thuộc cảm xúc quá vào người thân, mà sự chuẩn bị tinh thần bao gồm cả việc học cách chia sẻ những vấn đề khó khăn của mình ngay từ đầu.
Chủ động chia sẻ việc chăm sóc con với chồng và những người thân khác trong gia đình (nếu có). Duy trì thời gian biểu cho bản thân khoa học, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất.
Kinh nghiệm của các bà các mẹ là trẻ con thường hay thức đêm quấy khóc nên bất cứ lúc nào con ngủ thì mẹ cố gắng ngủ cùng để đảm bảo sức khỏe.
Trong gia đình, mọi người cần tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ, ấm cúng, cả nhà cùng chăm sóc thiên thần nhỏ để không xảy ra căng thẳng, áp lực.
Người thân, nhất là người chồng, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn nhạy cảm này. Chăm bẵm con phụ vợ và đừng để vợ cảm thấy bị cô đơn, một mình "bơi" trong vai trò mới là làm mẹ. hãy quan tâm đến tinh thần vợ, khen tặng vì cô ấy đã sinh được cho mình đứa con dễ thường là điều khiến người vợ cảm thấy hạnh phúc hơn.
6. Người chồng cũng có thể bị trầm cảm sau khi vợ sinh con
Các chuyên gia cũng cho biết, chính người chồng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm sau sinh.
Một vài người chồng cũng phải trải qua cảm giác khó chịu, chán nản tương tự như người vợ do chưa thích nghi với vai trò mới, cảm giác bị vợ “bỏ rơi” vì vợ mải chăm con. Hoặc phải đối mặt với tình huống phải phân xử khi cả vợ và mẹ đều muốn chăm sóc thiên thần nhỏ theo cách của mình
Những người mắc phải triệu chứng trầm cảm nặng có thể cần sự trợ giúp của gia đình hoặc liệu pháp điều trị tâm lý đi kèm với dùng thuốc.
Việc sử dụng liệu pháp hóc-môn, thuốc chống trầm cảm phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.