Trầm cảm và tự kỷ hiện nay là những hội chứng ngày càng trở nên phổ biến và nguyên nhân cũng vô cùng phức tạp
1. Bệnh tự kỷ là gì?
Bệnh tự kỷ (Chứng rối loạn sự phát triển toàn thân) là sự rối loạn về nhận thức và hành vi thần kinh, thường phát hiện trong độ tuổi từ 3-10 tuổi – kéo dài đến suốt đời nếu không được can thiệp và điều trị phù hợp.
Biểu hiện của bệnh chính là trẻ bị giảm phát triển về khả năng hòa nhập với xã hội, sống khép kín, giảm khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ hay cử chỉ hành động phi ngôn ngữ. Trẻ tự kỷ thường biểu hiện rõ ràng về các khiếm khuyết xã hội, khó điều chỉnh hành vi.
Sự chăm sóc của cha mẹ có thể giảm được hành vi bất thường của trẻ tự kỷ cao hơn dùng thuốc (Ảnh: thoughtswordpresssite).
Một số triệu chứng trẻ tự kỉ dễ nhận biết là:
- Trẻ chậm nói, chậm phát triển về ngôn ngữ chỉ thường ê a cho đến khi 5 tuổi.
- Sống khép kín, không quan tâm đến mọi việc diễn ra xung quanh, thờ ơ với giao tiếp ngôn ngữ hay tránh giao tiếp bằng mắt với mọi người kể cả cha mẹ.
- Khả năng phản ứng chậm, không đáp lại khi có người gọi tên hay nói chuyện cùng.
- Rụt rè, nhút nhát không thích chơi với người khác, không thích ở nơi đông người.
- Không thích sự thay đổi kể cả đồ chơi, nơi ở hay bất kỳ sự thay đổi về hoàn cảnh nào khác.
- Lặp lại các hoạt động, hành vi của cơ thể mà không có mục đích như vỗ tay, đung đưa cơ thể...
- Thường xuyên gào khóc, đi trốn khi không thích hay không hứng thú với việc gì đó. Thậm chí làm làm tổn thương chính bản thân như cào cấu, đập đầu vào tường, cửa...
- Bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn trong ăn uống.
Tự kỷ cho đến nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có thể phát triển được các chức năng ngôn ngữ, giao tiếp, thích ứng xã hội tốt hơn.
Trẻ mắc tự kỷ được can thiệp sớm trước 2 tuổi sẽ có cơ hội phát triển bình thường và sự hòa nhập cộng đồng của trẻ lên đến 80%, sau 2 tuổi tỷ lệ này chỉ còn 50% và giảm dần khi phát hiện muộn hơn nữa.
2. Bệnh trầm cảm là gì ?
Tại Việt Nam, WHO ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc chứng trầm cảm, chiếm 4% dân số (số liệu 2015). Trong đó có khoảng 5.000 người chết vì tự tử do người trầm cảm có khuynh hướng tự tử cao gấp 25 lần so với người thường.
Khoảng 2/3 bệnh nhân trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị.
Trầm cảm được định nghĩa là một chứng bệnh rối loạn tâm lý, bệnh khiến bản thân người bệnh luôn trong trạng thái buồn chán và mất hứng thú kéo dài. Trầm cảm ở trẻ khiến trẻ dần mất đi cảm nhận, các trạng thái tinh thần, có suy nghĩ và cách hành xử khác thường.
Trầm cảm không phải chỉ là một cơn buồn chán vu vơ đến nhanh qua nhanh (Ảnh: Shutterstock)
Nếu bị trầm cảm kéo dài trẻ không còn cảm giác vui vẻ hay hứng thú khi nói chuyện, giao tiếp với mọi người thậm chí còn có ý nghĩ tự tử. Trầm cảm ở trẻ thường có những triệu chứng sau:
- Luôn cảm thấy buồn chán, suy nghĩ trống rỗng.
- Mệt mỏi, stress, không thể tập trung vào bất cứ việc gì.
- Hay có cảm giác lo lắng, thấy có lỗi và dễ bị kích động về mặt cảm xúc, có thể gào khóc...
- Luôn cảm thấy mình có lỗi về một việc gì đó khiến trạng thái càng u uất, buồn khổ.
- Thường cảm thấy đau đầu, đau bụng hay có các vấn đề về hệ tiêu hóa.
- Có suy nghĩ, ý định tự tử hay cố tìm cách để tự tử khi có cơ hội.
Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm? Sự quan tâm của cha mẹ chính là chìa khóa giúp trẻ phòng ngừa trầm cảm hoặc điều trị trầm cảm hiệu quả hơn. |
Trầm cảm có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Hiện nay các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, shock điện, kích thích từ xuyên sọ.
3. Sự khác biệt của bệnh tự kỷ và bệnh trầm cảm
Trầm cảm một rối loạn tâm thần phổ biến xảy ra do bị căng thẳng một thời gian dài và biểu hiện đặc trưng là buồn rầu, mất sự thích thú, cảm giác tội lỗi hoặc giá trị bản thân thấp, rối loạn giấc ngủ, ăn uống và kém tập trung.
Tự kỷ gần như là một chứng bệnh bẩm sinh do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội.
Không buồn chán như trầm cảm, người bị tự kỉ có những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.
Cả 2 chứng tự kỷ và trầm cảm đều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển lâu dài, nhất là đối với trẻ em.
Tuy nhiên, mỗi chứng bệnh lại biểu hiện khác nhau, do đó cha mẹ cần theo dõi, sớm cho trẻ đi khám và tìm ra biện pháp can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ có biểu hiện, hành vi bất thường.