Chờ...

Có nên cho trẻ ngủ chung với bố mẹ hay không?

Có rất nhiều tình huống, nguy cơ có thể xảy ra khi để trẻ sơ sinh ngủ cùng giường cha mẹ. Vậy có nên cho trẻ ngủ chung với bố mẹ hay không? Cùng nghe lời giải đáp từ bác sĩ Cam Ngọc Phượng.

Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ sơ sinh ngủ chung cùng với cha mẹ chiếm đa số, thậm chí một số trường hợp cha mẹ còn cho trẻ ngủ đến tận 6 – 9 tuổi.  Tuy nhiên, ở các nước phương Tây trẻ sơ sinh được tách khỏi bố mẹ rất sớm vì họ cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến trẻ, thậm chí dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh  (SIDS).

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cho bé ngủ một mình quá sớm sẽ gây khó khăn trong việc chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, các bậc cha mẹ cần phân biệt rõ việc tập cho trẻ ngủ riêng với việc để trẻ ngủ một mình.

Cho trẻ ngủ riêng tức là trẻ vẫn ở chung phòng với cha mẹ nhưng không ngủ chung giường và lúc này cha mẹ vẫn có thể chăm sóc trẻ khi cần. Bởi bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho rằng, việc cho trẻ ngủ chung với bố mẹ sẽ có những điểm thuận lợi và cũng có những điểm bất lợi mà cha mẹ cần phải lưu ý.

Thông thường, khi trẻ vừa sinh ra đời các bác sĩ thường sẽ khuyên nên đặt bé lên cơ thể người mẹ càng sớm càng để ‘da kề da’, mẹ có thể ôm ấp trẻ ngay sau sinh từ đó giúp gắn kết tình cảm mẹ con và cũng mang lại cảm giác an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc để trẻ ở ngay cạnh mẹ cũng sẽ  giúp mẹ cho con bú được sớm hơn và dễ hơn. Điều này cũng sẽ làm duy trì đủ lượng sữa cho trẻ.

Đây là những điểm thuận lợi bởi tình cảm mẹ và bé được vung đắp ngay từ đầu, tâm lý bé được phát triển tốt hơn, không có cảm giác bị cách ly.

co-nen-cho-tre-ngu-chung-voi-bo-me-VOH

Mẹ và bé nên ngủ riêng nhưng ở chung một phòng là tốt nhất (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi khi cho bé ngủ chung giường thì cũng có những điểm bất lợi của việc để trẻ ngủ chung cùng bố mẹ như sau:

  • Cha mẹ có thể nằm đè lên bé, nhất là khi cha mẹ mệt, ngủ sâu, uống rượu, hút thuốc lá… làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Trong lúc ngủ tay cha hoặc mẹ có thể quơ trúng bé, đè lên mặt, mũi bé khiến bé bị ngạt thở.
  • Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ từ chăn, ga giường đều có thể khiến bé bị ngộp.

Chính vì thế, bác sĩ Phượng khuyên các bậc cha mẹ cần phải xác định rõ về vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ sau sinh. Và theo các khuyến cáo, khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ và bé nên nằm riêng (mẹ nằm trên giường, bé nằm trên nôi) và ở chung một phòng mới là tốt nhất.

Hội chứng đột tử ở trẻ  sơ sinh (SIDS: Sudden infant dead syndrome) là hội chứng được chẩn đoán khi một đứa trẻ khỏe mạnh tử vong nhưng không có dấu hiệu cảnh báo hay lý do rõ ràng.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng SIDS vẫn còn đang nghiên cứu, nhưng có thể là do chăn, nệm, thú nhồi bông… che mũi, miệng của trẻ. Giường ngủ trẻ quá kín hoặc nóng cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị SIDS.

Các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, cho bé ngủ riêng là tốt nhưng cũng cần phải có sự quan sát và theo dõi con thường xuyên, đặc biệt trong thời gian đầu, đừng để trẻ có tâm lý hoảng sợ, la khóc gây ảnh hưởng sức khỏe của bé về sau.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện với bác sĩ tại audio bên dưới: