Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cùng thay đổi thói quen ăn uống góp phần bảo vệ môi trường

(VOH) - Ăn uống là việc làm mỗi ngày của con người để duy trì sự sống. Tuy nhiên, việc biến đổi khí hậu hiện nay đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn nguồn thực phẩm hàng ngày của chúng ta.

Ngày nay, càng nhiều người cho rằng việc tự chuẩn bị nguyên liệu và nấu ăn tại nhà có khả năng chống lại các tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Thông qua nguồn nguyên liệu tự chọn, tự chế biến cùng với việc điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày có thể cải thiện hơn vấn đề về sức khỏe, cũng như giúp môi trường đỡ ô nhiễm hơn.

Thay đổi thế giới bằng thói quen ăn uống mới: Không thịt và đạm động vật

Galen Karlan-Mason – Giám đốc điều hành, Nhà sáng lập ứng dụng “GreenChoice” (ứng dụng hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tìm hiểu và chọn mua thực phẩm) đã trích dẫn một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học năm 2018: “Một khẩu phần ăn không chứa thịt và đạm động vật có khả năng làm giảm 49% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm 19% tình trạng khan hiếm nước trên thế giới."

Theo đó, Karlan-Mason cũng lý giải nguyên nhân vì sao ngành công – nông nghiệp lại là một trong những ngành sản xuất chịu mức thuế môi trường cao nhất, bởi mỗi ngày, gia súc đều thải ra khí metan, cộng với việc chăn nuôi chúng phải tốn rất nhiều các sản phẩm được độc canh từ ngô và đậu nành trên các thửa ruộng phải được chăm bón và tưới nước thường xuyên.

Tuy nhiên, theo Douglas Murray – Phó Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Dinh dưỡng và Thực phẩm tại Đại học Montclair State tại New Jersey, việc sản xuất các sản phẩm làm từ đậu nành cũng gây hại cho môi trường không kém so với các sản phẩm từ thịt. Do đó, việc sử dụng các loại thực phẩm từ thực vật không hẳn là lựa chọn hữu hiệu để thay thế hoàn toàn các sản phẩm từ thịt.

Từ góc độ dinh dưỡng, Đại học Y Harvard nhìn nhận, so với bánh mì kẹp thịt, các thực phẩm đã qua chế biến, kể cả thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đều có cùng lượng chất béo bão hòa; tuy nhiên, chứa hàm lượng natri cao hơn. Do đó, nếu bạn đang lựa chọn chế độ ăn hàng ngày nói không với thịt, bạn cũng cần cân nhắc việc có nên ăn một miếng đậu hũ đã qua chế biến hay không.

Cùng thay đổi thói quen ăn uống góp phần bảo vệ môi trường
Xu hướng ăn uống vừa lành mạnh vừa bảo vệ môi trường là giảm sản phẩm từ đạm động vật, tăng cường rau củ quả.

Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm chưa qua chế biến

Trong các bữa ăn hàng ngày, việc thay thế các loại thực phẩm từ đạm động vật sang các thực phẩm từ đạm thực vật hoặc các sản phẩm bổ trợ khác thực sự là sự lựa chọn hoàn hảo. Kết quả nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, đa số người chỉ ăn các sản phẩm từ thực vật sẽ ít dung nạp lượng carbon hơn rất nhiều so với người ăn các loại thực phẩm chứa đạm động vật như cá, trứng, sữa,...

"Ăn chay" là chế độ ăn chỉ sử dụng các loại thực phẩm từ thực vật, tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, cần cân nhắc việc chọn ăn các loại rau cải giàu protein như đậu, đậu lăng, các loại rau ăn lá, hạt diêm mạch (quinoa) và các loại thực phẩm chay khác chưa qua chế biến.

Theo Karlan-Mason, sữa làm từ yến mạch, đậu nành hoặc hạt dẻ chính là sự lựa chọn tối ưu nếu bạn muốn thay thế các loại sữa có nguồn gốc từ động vật.

Việc dần dần thay đổi thói quen ăn uống, chuyển từ ăn thịt sang ăn các loại rau xanh sẽ giúp cải thiện sức khỏe của bạn mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thường xuyên duy trì một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp cải thiện vóc dáng; đồng thời, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và bệnh tim.

Ngày nay, sự xuất hiện của vô số các sản phẩm tiện ích, được chế biến sẵn và được bày bán rộng rãi tại siêu thị hoặc dễ dàng chọn lựa để thưởng thức ngay tại các quán ăn, nhà hàng,… như ngũ cốc, cơm ăn kèm súp lơ, mì chay,… sẽ khiến việc ăn chay của bạn trở nên thú vị và dễ dàng hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, khi duy trì thói quen ăn các loại thực phẩm từ thực vật như các loại đậu, hạt diêm mạch,…, bạn sẽ siêng nấu nướng hơn, điều này cũng đặc biệt tốt để giảm thiểu tình trạng lây lan của dịch bệnh nếu bạn đi ăn hàng quán như trước kia.

Cùng thay đổi thói quen ăn uống góp phần bảo vệ môi trường
Thực phẩm chịu trách nhiệm 30% khi thải nhà kính, nên chúng ta cần giảm lãng phí thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.

Sản vật địa phương: Không chỉ là lựa chọn hoàn hảo

Sản vật địa phương từ lâu đã quen thuộc với con người; do đó, các chợ nông sản đã không ngừng gia tăng số lượng trong suốt 15 năm qua. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là lượng khí thải không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu sử dụng, quy trình vận chuyển và đóng gói như bạn nghĩ từ trước đến nay.

Shyla Raghav, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực về biến đổi khí hậu tại Conservation International cho biết, chính phương thức và mục đích sử dụng đất đai sẽ ảnh hưởng đến việc biến đổi khí hậu, chẳng hạn: đối với lượng khí thải carbon thì việc sử dụng đất để trồng trọt và chăn nuôi sẽ thải ra 80% và nếu sử dụng trong quá trình vận chuyển sẽ thải ra 5%. 

Từ góc độ kinh tế, tuy việc hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương là một phần quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải tìm mọi cách để tăng gia sản xuất nếu bạn không có đủ các điều kiện phù hợp như giống cây trồng, nguồn đất,...

Còn các loại hải sản thì sao?

Tương tự các loại thực phẩm khác, hải sản được đánh bắt tự nhiên sẽ luôn luôn là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, theo Raghav, trước khi mua hải sản, cần lựa kỹ vì chất lượng hải sản đang bị ảnh hưởng rất nhiều do tình trạng đánh bắt quá mức như hiện nay.

Nếu xét về khía cạnh bảo vệ môi trường, thì tôm nuôi là một trong những thực phẩm bạn không nên chọn mua. Raghav cho biết: “Nuôi tôm là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nạn phá rừng ngập mặn, trong khi chính rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái giàu carbon nhất trên trái đất. Việc phá rừng nhằm mục đích nuôi tôm làm thải ra khí carbonic và khí mê-tan, gây nguy hại cho môi trường hơn rất nhiều so với chăn nuôi gia súc để lấy thịt.

Do đó, để góp phần bảo vệ môi trường, hãy thay đổi thói quen ăn uống bằng việc thay đổi món tôm nuôi sang các loại cá nhỏ hơn như cá cơm và cá mòi. Hơn nữa, việc sử dụng và chế biến các loài cá nhỏ này sẽ giúp tiêu tốn ít nhiên liệu hoặc năng lượng hơn so với các loại cá có vây lớn hơn như cá ngừ. Đồng thời, nếu xét về mặt nuôi trồng sao cho ít tác nhân gây hại đến môi trường, thì việc nuôi các loại động vật hai mảnh vỏ như hàu và trai có thể giúp làm sạch đường nước thông qua cơ chế ăn và lọc tự nhiên của chúng.

Cùng thay đổi thói quen ăn uống góp phần bảo vệ môi trường
Cùng giảm rác thải trong nhà bếp khi ta nấu ăn cũng là một cách giúp bảo vệ môi trường. 

Thay đổi nhỏ – Tác động lớn

Theo Murray, "những gì người tiêu dùng có thể làm là thúc đẩy nhu cầu”, đó chính là tiền để để tạo ra sự khác biệt. Chẳng hạn, việc khách hàng yêu cầu và chọn mua các sản phẩm được chứng nhận có nguồn gốc hữu cơ và sữa không chứa các hormone tăng trưởng tổng hợp đã tạo ra sự thay đổi lâu dài trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Do đó, để thay đổi, việc cần làm có thể chỉ bắt đầu bằng việc khuyến khích người tiêu dùng không ăn thịt vào một ngày nào đó trong tuần. 

Ngoài ra, theo Leslie Langevin, tác giả của cuốn sách The Anti-Inflammatory Kitchen Cookbook, một vài điều chỉnh nhỏ đối với thói quen đi chợ, sắm đồ của bạn có thể là một giải pháp:

- Lựa chọn thực phẩm organic/hữu cơ, khuyến khích việc sử dụng ít thuốc trừ sâu và thực hành sử dụng đất tốt hơn.

- Mua trái rau củ quả đúng mùa vụ, tại địa phương bạn sinh sống để giảm thiểu quá trình vận chuyển thực phẩm (gây phát thải khí CO2 có hại) và tránh sử dụng chất bảo quản thực vật.

- Chọn các mặt hàng thực phẩm với bao bì có thể tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon.

https://www.vinamilk.com.vn/
Bình luận