Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người.
Dấu hiệu cảnh báo tình trạng tăng huyết áp
Cao huyết áp là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh, tuy nhiên tăng huyết áp lại gần như không có dấu hiệu nhận biết.
Cách duy nhất để nhận biết bạn có bị tăng huyết áp hay không đó là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Nếu huyết áp của bạn tăng cao, sẽ có một số dấu hiệu dưới đây:
- Nhức đầu.
- Chảy máu mũi.
- Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc.
- Tê hoặc ngứa ran các chi.
- Buồn nôn và nôn.
- Choáng và chóng mặt.
- Đau tim.
Ngoài ra huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Khi nào cần đi khám?
Kiểm tra huyết áp là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nói chung. Tần suất bạn nên kiểm tra huyết áp tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn.
Bắt đầu từ 18 tuổi, bạn hãy đo huyết áp ít nhất hai năm một lần. Nếu bạn từ 40 tuổi trở lên hoặc từ 18 đến 39 tuổi có nguy cơ cao bị huyết áp cao, hãy kiểm tra huyết áp mỗi năm một lần.
Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn đi kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn nếu bạn bị huyết áp cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim.
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên có thể được đo huyết áp như một phần của cuộc kiểm tra sức khỏe hàng năm.
Những ai có nguy cơ bị huyết áp cao?
- Tuổi: Nguy cơ tăng huyết áp đi cùng với tuổi, đặc biệt ở người từ 45 tuổi trở lên.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc tăng huyết áp tăng cao nếu trong gia đình bạn cũng có người bị tăng huyết áp.
- Thừa cân, béo phì: Cân nặng càng cao thì bạn cần nhiều máu hơn để cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn cho các mô, cơ quan. Khi thể tích máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, thì áp lực máu lên thành động mạch cũng tăng theo.
- Thiếu tập thể dục: Không tập thể dục có thể gây tăng cân. Cân nặng tăng làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Những người không hoạt động cũng có xu hướng có nhịp tim cao hơn.
- Hút thuốc lá: Việc hút thuốc không chỉ làm tăng huyết áp tạm thời mà những chất hoá học trong khói thuốc còn gây phá huỷ thành mạch, điều này khiến lòng động mạch bị thu hẹp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim của bạn.
- Ăn nhiều muối: Quá nhiều muối trong cơ thể có thể khiến cơ thể giữ nước. Điều này làm tăng huyết áp.
- Thiếu Kali trong khẩu phần ăn: Kali giúp cân bằng lượng muối trong tế bào của cơ thể. Sự cân bằng hợp lý của kali rất quan trọng để có sức khỏe tim mạch tốt. Mức kali thấp có thể là do chế độ ăn uống thiếu kali hoặc do một số tình trạng sức khỏe nhất định, bao gồm cả tình trạng mất nước.
- Uống nhiều bia, rượu: Rượu bia gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim do huyết áp.
- Căng thẳng: Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Những thói quen liên quan đến căng thẳng như ăn nhiều hơn, sử dụng thuốc lá hoặc uống rượu có thể khiến huyết áp tăng thêm.
- Mắc các bệnh mạn tính: Một số bệnh mạn tính cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp như bệnh thận, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ...
- Thai kỳ: Đôi khi mang thai gây ra huyết áp cao.
Huyết áp cao thường gặp nhất ở người lớn. Nhưng trẻ em cũng có thể bị huyết áp cao. Huyết áp cao ở trẻ em có thể do các vấn đề về thận hoặc tim.
Tuy nhiên, ngày nay càng nhiều trẻ em bị huyết áp cao là do thói quen sinh hoạt như chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu tập thể dục.