Một nghiên cứu cho thấy khả năng xuất hiện tình trạng cấp cứu tim mạch gây đe dọa mạng sống trong thời gian lễ hội lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm chứ không chỉ gia tăng vì thời tiết lạnh giá. Các nguyên nhân bao gồm do sự căng thẳng gia tăng, thói quen bị gián đoạn, và thậm chí có thể là quá vui vẻ trong kỳ nghỉ.
Một số ca cấp cứu tim mạch do lạnh nhưng gia tăng cả ở những kỳ nghỉ hè ấm áp
Một nghiên cứu trên Tập san Circulation của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy các trường hợp tử vong do tim mạch xảy ra vào ngày 25/12 là cao nhất. Tiếp đến là ngày 26/12 và ngày Tết Dương lịch 1/1.
Một số trường hợp cấp cứu tim mạch có thể xảy ra do điều kiện mùa đông khắc nghiệt và nhiệt độ đóng băng, thời tiết lạnh có thể gây co mạch máu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2016 tại New Zealand, nơi có tháng Mười Hai và tháng Một ấm áp, đã nhận thấy xu hướng tương tự. Điều này thể hiện mối liên quan giữa các biến cố tim mạch với các kỳ nghỉ.
Một nghiên cứu quan sát ở Thụy Điển phát hiện ra rằng nguy cơ đau tim cao hơn xảy ra vào ngày Giáng Sinh và những kỳ nghỉ giữa mùa hè, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh.
Không thấy nguy cơ gia tăng trong lễ Phục sinh hoặc các sự kiện thể thao, bao gồm FIFA World Cup và Thế vận hội Olympic mùa đông. Nam giới có xu hướng xuất hiện cơn đau tim trong Thế vận hội Olympic mùa hè nhưng không đáng kể.
Nguy cơ cao hơn vào sáng sớm và vào ngày thứ Hai. Nguy cơ rõ rệt hơn ở những người trên 75 tuổi bị bệnh tiểu đường và có tiền sử bệnh mạch vành.
Tiến sĩ Ahmad Alkhalil, bác sĩ tim mạch can thiệp Viện tim Stony Brook, cho rằng sự gia tăng các cơn đau tim vào dịp giữa mùa hè, với lễ kỷ niệm phổ biến tại Thụy Điển và dường như ảnh hưởng nhiều hơn ở nam giới.
Ông nói, “Phụ nữ không bị ảnh hưởng nhiều,” đồng thời lưu ý rằng có lẽ điều này có thể là do các hoạt động nướng thịt và uống rượu mà nam giới tham gia nhiều hơn. Ông cho biết thêm, “Trong khi đó, dịp Giáng Sinh và Năm mới thì đồng đều hơn, không có sự phân biệt giới tính. Cả nam và nữ đều có xu hướng bị với tỉ lệ như nhau.”
Hội chứng “trái tim tan vỡ’ là nguyên nhân của một số ca bệnh
Tiến sĩ Alkhalil cho biết, những biến cố tim mạch này giống với bệnh cơ tim do căng thẳng hay còn gọi là hội chứng “trái tim tan vỡ.” Đây là một tình trạng tạm thời đặc trưng bởi sự suy yếu đột ngột của cơ tim.
Hội chứng “trái tim tan vỡ” hay bệnh cơ tim Takotsubo, dường như có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng, mặc dù hiện tượng này vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ.
Điểm mấu chốt là có một yếu tố căng thẳng được xác định gây giảm đáng kể chức năng của tim. Không giống như bệnh tắc nghẽn mạch vành cần đặt stent, trong bệnh lý này mạch vành không bị tắc nghẽn.
Tiến sĩ Alkhalil cho biết thông thường bệnh nhân đến viện vì đau ngực do tắc nghẽn mạch vành, nhưng với bệnh Takotsubo, bạn chỉ cần điều trị bằng thuốc, sau đó tim sẽ từ từ hồi phục.
Mối nguy hiểm những ngày nghỉ?
Tiến sĩ Supreeti Behuria, giám đốc khoa tim mạch tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island ở New York, nói rằng những yếu tố căng thẳng trong kỳ nghỉ như đi du lịch và dành thời gian cho gia đình thường làm gián đoạn các thói quen lành mạnh.
“Một số người quên uống thuốc, quên thói quen tập thể dục hàng ngày, và có thể không tuân theo cách ăn uống lành mạnh cho sức khỏe trái tim.” Tiến sĩ Behuria cho biết.
Sự kết hợp của những yếu tố này trong kỳ nghỉ lễ có thể dẫn đến bệnh tim mạch hoặc cơn đau tim, đặc biệt đối với những người đã có các bệnh như cao huyết áp, cholesterol trong máu cao hoặc tiểu đường.
Một mối nguy hiểm khác là “hội chứng tim ngày lễ,” nhịp tim không đều do uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ nếu không được điều trị.
Tiến sĩ Behuria cho biết, “Để giảm nguy cơ bị hội chứng tim ngày lễ, mọi người nên ăn uống điều độ, tránh uống quá nhiều cà phê, và duy trì cung cấp đủ nước. Không uống quá 1 ly đồ uống có cồn mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới.”
Thời tiết lạnh giá còn là mối gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, tuân theo các thực hành giữ gìn sức khỏe cơ bản có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch quanh năm.