Khẩu trang giúp bản thân ngăn chặn nhiễm virus COVID-19, đồng thời cũng giúp tránh lây lan cho người khác, nhưng không ít người cảm thấy khó thở bằng mũi khi đeo khẩu trang và họ vô tình quen với việc thở bằng miệng. Điều này hãy cẩn thận! Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, đeo khẩu trang thở bằng miệng sẽ khiến bạn dễ bị cảm lạnh, khiến vi khuẩn sinh sôi và nếu bạn mắc bệnh nha chu thì khiến nó ngày càng trầm trọng hơn!
Đeo khẩu trang và thở bằng miệng dễ mắc bệnh
Theo một khảo sát về thực trạng khẩu trang ở tỉnh Kumamoto cho thấy, số người đeo khẩu trang và thở bằng miệng tăng 25%, nếu phân biệt rõ hơn về giới tính thì số nam giới thở bằng miệng khi đeo khẩu trang tăng gấp 1,3 lần, số nữ giới tăng gấp 2,5 lần. Đặc biệt đối với trẻ em dưới 10 tuổi, có 43% thở bằng miệng khi đeo khẩu trang.
Một cuộc khảo sát khác về thói quen đeo khẩu trang do công ty "LOTTE" của Nhật Bản thực hiện, nhắm vào 400 người trong độ tuổi 20 đến 60, cũng cho thấy có 44,6% số người tin rằng họ đã thay đổi hít thở so với khi không đeo khẩu trang, thay đổi này là thở bằng miệng khi đeo khẩu trang.
Có lẽ khi đeo khẩu trang thở bằng miệng chỉ là một hành vi vô thức nhưng bác sĩ nha khoa Haiji Miyamoto (Nhật Bản) cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu chúng ta thở bằng miệng, niêm mạc trong miệng (niêm mạc là lớp bao phủ xung quanh lưỡi và khoang miệng) sẽ bị khô và lượng nước bọt giảm sút, không chỉ khiến niêm mạc miệng bị viêm mà còn khiến chúng ta dễ bị nhiễm lạnh và cảm cúm.
Ngoài ra, do vi khuẩn sinh sôi trong miệng, hơi thở hôi của chúng ta trở nên nặng hơn và làm trầm trọng thêm bệnh sâu răng và bệnh nha chu.
Bác sĩ nha khoa Haiji Miyamoto giải thích thêm rằng, điều này là nguyên do giảm lượng nước bọt, nước bọt có chứa các thành phần kháng khuẩn và kháng thể immunoglobulin A (IgA) chống lại nhiễm trùng niêm mạc trong miệng cũng bị giảm sút. IgA là một trong 5 kháng thể có trong hệ thống miễn dịch của con người bao gồm IgG, IgA, IgM, IgE, IgD. Kháng thể immunoglobulin A (IgA) đóng vai trò như tuyến phòng thủ đầu tiên, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể.
Các tài liệu giáo dục sức khỏe răng miệng khác của Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, thở bằng miệng sẽ khiến miệng và môi rất khô, bắt đầu dẫn đến vệ sinh răng miệng kém, gây sâu răng và mắc bệnh nha chu.
Ngược lại với thở bằng miệng, bác sĩ nha khoa Haiji Miyamoto nói rằng, khi thở bằng mũi, lông mũi và niêm mạc có thể lọc sạch virus và vi khuẩn, đồng thời có thể làm ẩm và làm ấm không khí trong khoang mũi và sau đó đưa không khí trong lành hơn đến phổi.
Ngăn ngừa bệnh nha chu bằng cách chú ý ăn uống và giữ vệ sinh răng miệng
Ngoài việc đeo khẩu trang tránh thở bằng miệng thường xuyên, bác sĩ nha khoa Haiji Miyamoto chỉ ra rằng, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, việc quan tâm kiểm soát bệnh nha chu là rất quan trọng. Bệnh nha chu do khoảng 30 loại vi khuẩn nha chu gây ra, để giảm bớt vi khuẩn nha chu, ngoài việc đánh răng sau bữa ăn thì thành phần thức ăn cũng rất quan trọng.
Bạn có thể tăng lượng nước bọt bằng cách tăng tần suất nhai và tăng cường vệ sinh răng miệng, điều này cũng giúp một phần các bạn ngăn ngừa nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), khuyến nghị các bạn nên ăn các thực phẩm giàu chất xơ.
Ngược lại, nếu các bạn thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn và thức ăn nhanh không cần nhai quá nhiều, răng sẽ dễ trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn nha chu.
Ngoài ra, bệnh nha chu là bệnh khởi đầu của các bệnh về lối sống kém lành mạnh, thường do nhầm lẫn trong lối sống. Khi bệnh nha chu trở nên trầm trọng hơn, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc tích tụ mỡ nội tạng mà còn liên quan đến các bệnh như tiểu đường và xơ cứng động mạch.
Bác sĩ nha khoa Haiji Miyamoto cho rằng, mắc bệnh nha chu sẽ dễ bị béo phì. Ngược Lại, nếu áp dụng các phương pháp trên có hiệu quả giảm bớt vi khuẩn nha chu, khi tiếng nhai càng to, càng nhai càng dễ cho chúng ta có cảm giác no bụng và giảm lượng thức ăn, giúp giảm bớt béo phì.
Để ngăn ngừa nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), khi đeo khẩu trang không chỉ chú ý không thở bằng miệng mà còn phải chú ý chế độ ăn uống lành mạnh. Sau đó, giữ vệ sinh răng miệng thật tốt để răng miệng trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể, bảo vệ sức khỏe cho chúng ta.