Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bị hôi miệng phải làm sao?

( VOH ) - Mắc chứng hôi miệng không chỉ khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe răng miệng của bạn đang có vấn đề.

1. Hôi miệng là bệnh gì?

Chứng hôi miệng hay còn gọi là hơi thở có mùi là chứng bệnh khi miệng người phát ra hơi thở mang mùi hôi hoặc phát ra mùi khó chịu khi nói chuyện.

Hôi miệng sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, thiếu tự tin hay bối rối khi giao tiếp. Người xung quanh khi tiếp xúc trực tiếp sẽ cảm thấy khó chịu, thường quay mặt đi nơi khác hoặc lảng tránh, ít khi góp ý trực tiếp với người bệnh vì lý do tế nhị.

bi-hoi-mieng-phai-lam-sao-voh-1

Hôi miệng là tình trạng rất phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

2. Những nguyên nhân gây hôi miệng

Phần lớn hơi thở có mùi đều bắt nguồn từ miệng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm:

2.1 Chăm sóc răng miệng kém

Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị hôi miệng. Khi thức ăn bị kẹt giữa răng và nướu của bạn, vi khuẩn sẽ xâm nhập, gây nên mùi hôi thối.

2.2 Ăn thức ăn có mùi

Cà phê, tỏi, cá, hành, đồ cay,…là những thực phẩm gây hôi miệng. Mùi của nó sẽ dính xung quanh miệng kể cả khi bạn đã đánh răng. Theo nghiên cứu, cà phê, hành và tỏi có thể ở lại trong máu của bạn trong 72 giờ sau khi tiêu thụ.

2.3 Hút thuốc lá

Người hút thuốc lá có khả năng bị bệnh ở nướu và một số tình trạng khác của chứng hôi miệng.

2.4 Khô miệng

Nước bọt giúp làm sạch miệng, loại bỏ hạt gây ra mùi hôi miệng. Do đó, nếu bị khô miệng bạn dễ gặp phải tình trạng hôi miệng. Khô miệng mãn tính có thể do tuyến nước bọt có vấn đề hoặc một số bệnh lý khác gây ra.

2.5 Do thuốc

Có nhiều loại thuốc có thể làm khô miệng của bạn, gây hôi miệng. Các loại thuốc có thể kể như thuốc điều trị căng thẳng, trầm cảm, cao huyết áp, đau và căng cơ

2.6 Sức khỏe có vấn đề

Bạn bị ợ nóng, trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân khiến bạn bị hôi miệng. Hôi miệng cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của một số căn bệnh như tiểu đường, suy thận, xơ gan,…

3. Bị hôi miệng phải làm sao?

Để khắc phục chứng hôi miệng bạn cần tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh. Nếu hôi miệng không phải do bệnh lý gây ra thì bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng những phương pháp sau:

  • Giữ vệ sinh răng miệng thật tốt bằng cách đánh răng và làm sạch lưỡi của bạn ít nhất 2 lần một ngày.
  • Dùng chỉ nha khoa cho răng ít nhất một lần một ngày.
  • Hạn chế hút thuốc lá hoặc từ bỏ thuốc lá càng tốt.
  • Hạn chế dùng các thực phẩm có mùi cay nồng như hành, tỏi, cà phê.
  • Ăn rau mùi tây và bạc hà để khắc phục chứng hôi miệng tạm thời.
  • Nhai kẹo cao su không đường giúp tăng tiết nước bọt, tránh khô miệng và giảm hôi miệng.

Nếu sau khi thực hiện các biện pháp trên mà không khắc phục được chứng hôi miệng thì bạn nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa răng miệng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

4. Một số mẹo chữa hôi miệng hiệu quả

Trên thực tế có khá nhiều nguyên liệu tự nhiên có tác dụng tích cực đến tình trạng hôi miệng. Bạn có thể chữa hôi miệng bằng các mẹo dân gian sau đây:

4.1 Trị hôi miệng bằng nước muối

bi-hoi-mieng-phai-lam-sao-voh-2

Súc miệng bằng nước muối ấm là cách đơn giản để khắc phục chứng hôi miệng (Nguồn: Internet)

Nước muối loãng có nhiệt độ ấm vừa phải có tác dụng tuyệt vời trong việc ngăn chặn sự tích tụ của các vi khuẩn gây mùi trong cổ họng và khoang miệng. Bạn có thể súc miệng ngày hai lần vào sáng và tối bằng nước muối ấm để khắc phục chứng hôi miệng.

4.2 Trị hôi miệng bằng mật ong

Mật ong có đặc tính chống khuẩn mạnh, giúp tiêu diệt những vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng và tạo môi trường thuận lợi để những vi khuẩn có lợi phát triển. Bạn có thể sử dụng mật ong nguyên chất để khử mùi hôi miệng bằng cách:

  • Thoa đều mật ong trên nướu răng.
  • Dùng lưỡi đẩy cho mật ong thấm đều trong khoang miệng nhằm loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn.
  • Thực hiện trong vòng 3 – 5 phút sẽ thấy mùi hôi được loại bỏ đáng kể.

4.3 Chữa hôi miệng bằng lá ổi

Trong lá ổi có chứa các thành phần như hợp chất phenol, isoflavonoid, vitamin C, axit tannic, axit malic,…có tác dụng giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa hiệu quả. Đặc biệt lá ổi chứa rất nhiều flavonoid – một hợp chất đã được chứng minh có tác dụng chống lại vi khuẩn gây ra các bệnh răng miệng rất tốt.

Bạn có thể nghiền lá ổi khô và trộn với muối, sau đó đem nhai 2 lần/ngày để khử mùi hôi miệng. Hoặc bạn có thể dùng lá ổi non đun sôi, pha thêm vào đó một chút muối biển, sau đó chắt lấy nước và dùng nước này để súc miệng 2 – 3 lần/ngày.

4.4 Chữa hôi miệng bằng dầu tràm

Bạn chỉ cần nhỏ 1 - 2 giọt tinh dầu tràm vào bàn chải đánh răng để chải răng. Hoặc bạn có thể dùng kết hợp tinh dầu tràm với nước cốt lá bạc hà để súc miệng sẽ cho hiệu quả trị hôi miệng nhanh chóng, đồng thời ngăn ngừa các triệu chứng viêm nhiễm.

Trên đây là một số mẹo giúp bạn có thể khắc phục chứng hôi miệng tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên. Bạn hãy chọn cho mình một phương pháp phù hợp và thực hiện đều đặn để có hơi thở thơm mát và tự tin giao tiếp.

Bình luận