1. Dị ứng thời tiết là gì?
Cơ thể con người thích nghi tốt với nhiệt độ khoảng từ 20 đến 30 độ C, trung bình khoảng 25 độ C. Trung tâm điều nhiệt ở trên não giúp cơ thể thích nghi khi có sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, trung tâm điều chỉnh không kịp hoạt động sẽ gây ra các rối loạn trong cơ thể và xuất hiện phản ứng dị ứng.
Dị ứng thời tiết có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào (Nguồn: Internet)
Dị ứng thời tiết là bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tác động từ bên ngoài môi trường, cụ thể là thời tiết thay đổi đột ngột. Có thể chia dị ứng thời tiết thành 2 loại gồm:
1.1 Dị ứng thời tiết nóng
Vào mùa hè, trong những ngày nắng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nên làn da luôn bị ẩm ướt, dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Hơn nữa, vào những ngày nóng, nhiệt độ dễ ảnh hưởng đến cơ thể, làm bệnh bị dị ứng thời tiết càng nặng thêm.
1.2 Dị ứng thời tiết lạnh
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, không khí hanh khô khiến da của những người mẫn cảm trở nên khô và hiện tượng dị ứng thời tiết lạnh xuất hiện. Ngay cả vào những ngày gặp mưa gió thì một số người vẫn có thể bị dị ứng thời tiết do cơ địa.
2. Dấu hiệu dị ứng thời tiết
Triệu chứng của dị ứng thời tiết cũng khá rõ rệt nên bạn dễ dàng nhận biết. Bạn có thể phát hiện bị dị ứng thời tiết qua các dấu hiệu sau:
- Da nổi phát ban với các mẩn đỏ, ngứa khi tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ nóng hoặc lạnh. Các vùng da dễ bị nổi mẩn nhất là bàn tay, chân, mặt,… Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh thường cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
- Da bị sưng rộp hay tấy đỏ.
- Các nốt dị ứng thường mẩn đỏ và có xuất hiện vảy ở đầu. Mẩn đỏ thường mọc ở khu vực mặt, đầu gối và khuỷu tay.
- Nổi mề đay cấp tính. Đây là triệu chứng nguy hiểm, khiến người bệnh bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, có thể dị ứng trên khắp cơ thể.
Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi, bạn có thể có biểu hiện của viêm mũi dị ứng như sổ mũi, hắt xì, ho khan hoặc đau đầu, mệt mỏi.
3. Đối tượng dễ bị dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ngoài người lớn, trẻ em cũng là đối tượng dễ bị dị ứng thời tiết do hệ miễn dịch còn non yếu.
Đối tượng có nguy cơ cao nhất là những cá thể có cơ địa dị ứng từ trước như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, dị ứng phấn hoa,… hoặc những người mắc các bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng, hen phế quản,…
4. Khi bị dị ứng thời tiết nên làm gì?
Không thể chữa trị dứt điểm khi bị dị ứng thời tiết vì nó liên quan đến cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Thực tế, có những trường hợp rất dễ bị dị ứng thời tiết, nhưng cũng có những người không bị. Đối với những người dễ bị dị ứng thời tiết chỉ có giải pháp là điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi.
Khi bị dị ứng không nên gãi (Nguồn: Internet)
Trong một số trường hợp, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa sẽ chấm dứt. Do đó, nếu bạn bị dị ứng thời tiết có thể chườm ấm hoặc tắm nước ấm để giảm ngứa.
Những người có cơ địa dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng, nhất là ở thời điểm giao mùa. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc để điều trị từng đợt dị ứng thời tiết. Tuy nhiên, khi sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao, cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
5. Giải pháp phòng tránh bị dị ứng thời tiết
Nếu có cơ địa dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi thì bạn hãy chú ý đến các vấn đề sau đây để chủ động phòng tránh:
- Tăng cường uống nước, ăn thêm hoa quả, nước ép trái cây mỗi ngày.
- Ăn các loại rau quả chứa nhiều vitamin C. Các loại thuốc bổ sung vitamin cũng sẽ giúp cơ thể bạn tăng sức đề kháng, qua đó giúp cơ thể tránh bị dị ứng thời tiết.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích.
- Chú ý giữ nhiệt độ cho cơ thể, khi ngủ không nên mở rộng cửa sổ để tránh bị gió lùa.
- Khi trời nắng nóng, bạn nên tránh hoạt động nhiều trong thời gian dài dưới nắng.
- Khi đi ra ngoài lúc trời lạnh cần đeo găng tay, đội mũ để tránh lạnh và bảo vệ da khỏi bốc hơi nước.
- Tập luyện thể dục, thể thao điều độ để tăng cường sức khỏe.
Lời khuyên: Khi thấy da có biểu hiện dị ứng, nổi sẩn ngứa thì không nên gãi, nên mặc đủ ấm, hạn chế mặc quần áo bằng chất liệu dễ gây kích ứng như vải bố. Ngoài ra, bạn cần giữ vệ sinh sạch sẽ chỗ bị dị ứng, không chà xát mạnh quanh vết dị ứng để tránh bị nhiễm trùng. Nếu tình trạng nặng cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để kịp thời điều trị.