Kiểm soát để không tái phát đột quỵ như thế nào?

(VOH) - Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng về đột quỵ và những nguy cơ của nó. Đáng ngại hơn khi đã bị đột quỵ lần đầu thì sau đó, chính sự chủ quan sẽ làm cho người bệnh dễ rơi vào lần tái phát tiếp theo, nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra khuyết tật trầm trọng ở người lớn trên toàn cầu.

đột quỵ
Khi khởi phát cơn đột quỵ, bệnh nhân có các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não thiếu máu não như đau đầu, chóng mặt, đột ngột nhìn mờ… (Ảnh: camlawllp)

Tái phát đột quỵ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy

Việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị đột quỵ sẽ góp phần quan trọng bảo vệ bệnh nhân và hạn chế ở mức thấp nhất mọi biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, tái phát đột quỵ là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe người bị, hậu quả thì nặng nề mà việc hồi phục hầu như thấp.

Vậy nên, ngoài ý thức được sự nguy hiểm của đột quỵ, nếu không may bị đột quỵ thì người mắc cần tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị dự phòng, kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ để không bị đột quỵ lần sau. Điều này hầu như rất ít bệnh nhân chú tâm, khi lơ đễnh rơi vào những thói quen có hại thì việc tái phát đột quỵ sẽ rất dễ xảy ra.

Theo chia sẻ của Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hậu – Bệnh viện Gia An 115, cách đây không lâu, bác sĩ đã tiếp nhận và can thiệp điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não bị tắc hoàn toàn động mạch thân nền và hẹp trên 90% gần như tắc hoàn toàn động mạch đốt sống.

Bệnh nhân ngụ Quận Bình Tân, nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên trái, liệt mặt bên trái, nói đớ, tăng huyết áp – các triệu chứng khởi phát trước khi nhập viện 1,5 giờ. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ quyết định trước hết phải sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu nhỏ xung quanh và làm mềm cục huyết khối đang gây tắc động mạch thân nền.

Với cục huyết khối, bắt buộc phải được lấy ra bằng dụng cụ cơ học nhưng gốc động mạch đốt sống bị hẹp trên 90% là một trở ngại vì không thể đưa dụng cụ vào để lấy huyết khối. Chính vì thế, ê-kip phải đặt stent tái thông động mạch đốt sống để mở đường luồn dụng cụ lấy huyết khối, tái thông động mạch thân nền.

May mắn được can thiệp điều trị sớm và thành công nên bệnh nhân phục hồi tốt, không phải chịu di chứng nào và được xuất viện sau 7 ngày.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh bị tái phát cơn đột quỵ mà ông đã trực tiếp can thiệp điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân không hề hay biết mình đã từng bị tai biến nhồi máu não do nhồi máu nhẹ không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh chủ quan bỏ qua.

Nếu người bệnh không biết hoặc không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát thì khả năng xảy ra tái phát đột quỵ rất cao. Khi tái phát đột quỵ lần 2, lần 3… hậu quả có thể nặng nề hơn, khả năng phục hồi thấp hơn, chi phí điều trị cũng tăng lên so với đột quỵ lần đầu.

Xem thêm: Tái phát đột quỵ: Hậu quả nặng nề, khả năng phục hồi thấp hơn

Làm sao để giảm tái phát đột quỵ?

Sau khi xảy ra cơn đột quỵ lần đầu, nguy cơ tái phát rất cao, đặc biệt là khi lần đầu tiên không được phát hiện và khi người bệnh không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát. Một bệnh nhân tái phát cơn đột quỵ phải tiến hành nhiều phương pháp điều trị cùng lúc

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu khuyến cáo, để giảm tái phát đột quỵ, cần làm giảm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu cao… Những người bị đột quỵ có tiền căn tăng huyết áp, tăng lipid máu và nhồi máu não cũ sẽ là các yếu tố nguy cơ dễ gây tái phát cơn đột quỵ. Trong đó, mỡ máu cao gây các mảng xơ vữa gây hẹp, tắc động mạch là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cơn đột quỵ ở bệnh nhân này.

Chính vì vậy, việc kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và không bỏ sót những triệu chứng dù nhỏ nhất cũng là một điều quan trọng để tránh đột quỵ cũng như các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Nhiều trường hợp trước khi khởi phát cơn đột quỵ, bệnh nhân có các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não thiếu máu não như đau đầu, chóng mặt, đột ngột nhìn mờ… nhưng không đi khám để chẩn đoán, điều trị. Đến khi bệnh tiến triển, gây biến chứng đột quỵ thì hậu quả sẽ khôn lường.

Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, trong độ tuổi nào nên mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân bằng cách khám sức khỏe tổng quát định kỳ và tầm soát các yếu tố nguy cơ. Những người có nguy cơ cao mắc phải đột quỵ cần đặc biệt cẩn trọng là người lớn tuổi trên 50 tuổi, người đang mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ trong máu, bệnh tim, người hút thuốc lá, nghiện rượu, người béo phì, ít vận động.

Người có tiền sử đột quỵ càng phải quan tâm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, sử dụng thuốc điều trị sau đột quỵ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Với bệnh lý nguy hiểm này, nếu có các dấu hiệu khởi phát cơn đột quỵ, cần cấp cứu ngay tại bệnh viện có chức năng điều trị đột quỵ.

Các dấu hiệu của đột quỵ não bao gồm đột ngột tê cứng mặt, méo mặt tay, tê yếu hoặc khó cử động tay chân, một bên cơ thể, khó phát âm, nói không rõ chữ, nói ngọng bất thường, đột ngột choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác, thị lực.

Về chủ động phòng ngừa, mỗi người cần xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh  như hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, tuân thủ chế độ ăn uống điều độ, hợp lý, tập luyện thể dục hằng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức kéo dài.