Chờ...

Gan nhiễm mỡ và những điều nên biết

(VOH) - Gan nhiễm mỡ là bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Nếu không kiểm soát tốt căn bệnh này, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thậm chí gây xơ hóa hoặc ung thư gan.

1. Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ ứ đọng trong tế bào gan và bào tương, làm giảm chức năng hoạt động của tế bào gan. Tế bào gan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như chuyển hóa các chất, giải độc cơ thể, dự trữ và tạo mật,…Khi những chức năng này bị rối loạn sẽ gây biến chứng không nhỏ cho sức khỏe.

gan-nhiem-mo-va-nhung-dieu-nen-biet-voh

Gan nhiễm mỡ là bệnh thường gặp hiện nay (Nguồn: Internet)

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, mỡ trong gan từ chiếm từ 3 – 5% trọng lượng của lá gan. Nếu lượng mỡ trong gan chiếm hơn số lượng này thì được đánh giá là gan nhiễm mỡ. 

Gan nhiễm mỡ có nhiều mức độ khác nhau như:

  • Gan nhiễm mỡ nhẹ: trọng lượng mỡ trong gan chiếm 5 – 10%.
  • Gan nhiễm mỡ trung bình: trọng lượng mỡ trong gan chiếm 10 – 20%.
  • Gan nhiễm mỡ nặng: trọng lượng mỡ trong gan chiếm hơn 20%.

2. Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Theo bác sĩ Bay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, có thể kể như:

2.1 Thừa cân – béo phì

Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn so với những người khác.

gan-nhiem-mo-va-nhung-dieu-nen-biet-voh

Thừa cân - béo phì dễ bị gan nhiễm mỡ (Nguồn: Internet)

2.2 Nghiện rượu

Khi nghiện rượu, rượu sẽ hủy hoại tế bào gan từ từ, lâu dần nó sẽ làm giảm chức năng gan và mỡ có điều kiện tích tụ lại trong tế bào gan. 

2.3 Do các bệnh lý khác

Những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp,…sẽ có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ.

2.4 Sử dụng thuốc không đúng hoặc lạm dụng

Sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm tổn thương đến tế bào gan, gan phải giải độc nhiều, điều này sẽ tạo điều kiện cho mỡ dễ tích tụ lại trong gan.

2.5 Ăn uống thiếu khoa học

Chế độ ăn thừa dinh dưỡng, ăn nhiều chất bột, ăn nhiều dầu mỡ,…mà không vận động để cơ thể chuyển hóa sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ triglyceride (mỡ xấu) và ứ đọng mỡ trong tế bào gan. 

3. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Gan nhiễm mỡ trong thời gian đầu thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Người bệnh có thể tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hoặc xét nghiệm để chẩn đoán một bệnh lý nào đó. Chính vì vậy, đa số người bệnh phát hiện gan nhiễm mỡ đều đã ở mức độ trung bình hoặc nặng.

Khi đó, nếu không tiến hành điều trị cũng như kiểm soát mỡ trong gan thì bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến chức năng gan, phá hủy tế bào gan, lâu dần sẽ dẫn đến xơ gan và cuối cùng là ung thư gan

Tổn thương gan có thể nhẹ hay nghiêm trọng, xơ gan diễn tiến nhanh hay chậm và ung thư gan đến sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào mức độ gan nhiễm mỡ nhiều hay ít và quá trình điều trị của người bệnh có tích cực hay không.

4. Điều trị gan nhiễm mỡ bằng cách nào?

Để điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả cần xác định chính xác nguyên nhân gốc để loại bỏ, nhằm ngăn chặn sự tiến triển của gan nhiễm mỡ. Bởi vì bác sĩ Bay cho biết, khi gan đã nhiễm mỡ thì rất khó trở lại bình thường, khó có thể “làm sạch” mỡ trong gan. Thành công trong điều trị chính là ngăn chặn gan nhiễm mỡ tiến triển thêm nữa.

Chính vì vậy, người bệnh phải đến gặp bác sĩ để thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định dùng hoặc hoặc tư vấn cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt cũng như ăn uống cho hợp lý. 

Để ngăn chặn sự tiến triển của mỡ trong gan thì người bệnh cần chú ý:

gan-nhiem-mo-va-nhung-dieu-nen-biet-voh

Hạn chế rượu bia để ngăn chặn sự tiến triển của gan nhiễm mỡ (Nguồn: Internet)

  • Giảm cân nếu đang thừa cân – béo phì.
  • Bỏ hoặc hạn chế bia rượu. Sau khi uống rượu tuyệt đối không dùng thuốc paracetamol.
  • Uống nhiều nước hơn mỗi ngày.
  • Hạn chế các món ăn có nhiều dầu mỡ như chiên, xào,...
  • Ngủ đủ giấc.
  • Vận động mỗi ngày để cơ thể cũng như gan chuyển hóa thức ăn tốt hơn.

Ngoài ra, bác sĩ Bay cho biết, người bị gan nhiễm mỡ có thể sử dụng một số thảo dược của Đông y để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, bạn phải đến gặp thầy thuốc để được thăm khám và tư vấn loại thảo dược phù hợp nhất.