Chờ...

Giải pháp nào cho bệnh nhân béo phì tại Việt Nam?

(VOH) - Béo phì gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, làm giảm chất lượng sống, giảm thời gian sống và ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội. Vậy chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa và quản lý bệnh tốt hơn?

Tình trạng béo phì gia tăng tại Việt Nam

Với sự phát triển của đời sống và khoa học kỹ thuật trong chăm sóc y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó thì tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng gia tăng một cách nhanh chóng.

Trong Chương trình tư vấn "Giải pháp mới cho bệnh nhân béo phì tại Việt Nam" diễn ra vào ngày 28/7/2022 các chuyên gia cho biết, năm 1993, tỷ lệ thừa cân béo phì của người Việt Nam vào khoảng 2,3%. Tuy nhiên, theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia điều tra vào năm 2020, tỷ lệ này là 19,6%, tỷ lệ béo phì ở thành thị cao hơn ở nông thôn (thành thị gần 23%, nông thôn 17,6%). Không chỉ đối với người trưởng thành, ngay cả trẻ em tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội.

béo phì
Tỷ lệ người béo phì tăng ở các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội. (Ảnh: Bộ Y tế)

Người Việt Nam dùng lương thực chính có nguồn gốc từ tinh bột và ăn thịt, rau củ quả, tuy nhiên hiện nay đã có nhiều sự thay đổi trong khâu ăn uống của người Việt. Với sự phát triển và giao lưu văn hóa, người Việt gia tăng sử dụng các thực phẩm nhập khẩu và có ảnh hưởng phong cách ăn uống của người phương Tây. Nhiều sản phẩm đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn được sử dụng vì độ nhanh chóng và tiện lợi.

TS. BS Nghiêm Nguyệt Thu - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Nguyên gây nên tình trạng béo phì thường có các yếu tố bên trong như yếu tố về gen, các yếu tố về gia đình. Các yếu tố bên ngoài ví dụ như thay đổi chế độ ăn, thay đổi cách ăn, ít vận động thể lực… Ngoài ra thì có các yếu tố khác như dùng thuốc hoặc tâm lý cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì, thừa cân”.

Nhờ vào điều kiện kinh tế tốt hơn mà số lượng tiêu thụ thịt cá các loại của người Việt đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc người Việt đang tăng cường tiêu thụ các thực phẩm nhiều protein.

Nhiều người có những hành vi “sai lầm” trong ăn uống, hoặc có những chế độ tập luyện mà bản thân nghĩ là có thể giảm cân, tuy nhiên có khi nó lại không đúng, không giảm được cân, ngược lại với mong muốn, có khi lại tăng cân nhiều hơn, có những trường hợp biến chứng hoặc tác dụng phụ bất lợi cho cái việc thực hiện hoạt động giảm cân.

Giải pháp bệnh cho béo phì

TS. BS Nguyễn Quang Bảy chia sẻ: “Béo phì gây ảnh hưởng đến hình thức, ảnh hưởng đến cả cơ hội trong hôn nhân, trong vấn đề tạo thu nhập, tạo việc làm. Ngoài ra, béo phì còn gây ra rất nhiều bệnh. Nghiên cứu cho thấy, béo phì chính là thủ phạm hoặc có liên quan đến khoảng 300 bệnh khác nhau, trong đó có rất nhiều các bệnh nguy hiểm như: ung thư đường tiêu hóa, ung thư tụy, ung thư gan…”.

Béo phì là bệnh lý mãn tính được định nghĩa là tình trạng tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức làm suy giảm sức khỏe, chính vì vậy người bệnh cần phải có hướng điều trị đúng đắn hoặc có sự phối hợp chặt chẽ của của bác sĩ điều trị thì mới đạt được hiệu quả tối đa.

Hiện nay, các phương pháp điển hình thường áp dụng cho người bệnh béo phì như: thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật, hay điều trị về các mặt tâm lý. Tùy vào từng thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

“Vai trò của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng rất quan trọng, những người thừa cân béo phì đang muốn giảm cân - nên có sự tư vấn từ bác sĩ nội tiết, chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia tập luyện thể lực, để có được phương thức giảm cân đúng và đạt hiệu quả– Bác sĩ Bảy nói thêm.

Xem thêm: Phối hợp đa chuyên khoa để tăng tính hiệu quả trong điều trị béo phì

Giảm thực phẩm có độ đậm năng nượng cao, tăng rau và ăn 2 suất hoa quả trên một ngày, giảm thực phẩm nhiều chất béo, dùng các suất ăn nhỏ và chỉ ăn một phần mỗi bữa. Ăn chậm cảm giác no sẽ xuất hiện sau khoảng 20 phút sau khi bắt đầu bữa ăn, đều là những cách thông thường mà người giảm cân áp dụng. Ngoài ra, còn có các thuốc điều trị béo phì như nhóm orlistat, nhóm Phentermine hoặc Phentermine/topiramate… đều được thêm vào với chế độ ăn và hoạt động thể chất để kiểm soát cân nặng, và tất cả đều phải theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với các bệnh nhân béo phì có chỉ số BMI lớn thì có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển hóa hay còn được gọi là phẫu thuật giảm béo. Giải pháp này thì phải được chỉ định từ bác sĩ đối với các bệnh nhân có chỉ số BMI trên 30 và mắc đái tháo đường không kiểm soát, hoặc là những bệnh nhân có chỉ số BMI từ 35-39 và có đi kèm theo các bệnh đồng mắc.

Các nhóm thuốc đồng vận GLP-1 cũng được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh béo phì, GLP -1 là một Peptide gồm 31 amino acids, được tiết ra chủ yếu từ L-Cells trong ruột và não (nhân bó đơn độc). GLP-1 được phóng thích khi có thức ăn tức là người bệnh dùng bữa và sau khi ăn xong thì GLP-1 được phóng thích.

Ths. BS Đặng Bích Ngọc kết luận, khi muốn điều trị bệnh béo phì, phối hợp đa chuyên khoa đóng vai trò quan trọng trong điều trị béo phì. Điều trị béo phì cần phối hợp giữa chế độ ăn, luyện tập, thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 có hiệu quả cao trong giảm cân nặng, đạt được ngưỡng cân nặng mục tiêu và ít tác dụng phụ bất lợi.