Chờ...

Người phụ nữ bị gián chui vào tai suýt thủng màng nhĩ

TPHCM - Chị G. (25 tuổi) đang ngủ cảm thấy con gián chui vào tai. Sáng hôm sau, do tai chị đau nhức, ù nên chị đi khám.

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 nội soi tai chị G. phát hiện một con gián kích thước khoảng 2×3 cm, đã chết, dính chặt vào ống tai trái, sát vào màng nhĩ. Ống tai chị G. sung huyết.

Ngay lập tức, ê kíp bác sĩ nội soi gắp con gián ra khỏi tai chị G., vệ sinh tai, kê đơn thuốc điều trị. Bác sĩ Hằng chẩn đoán chị G. dị vật ống tai trái, viêm ống tai, màng nhĩ còn nguyên vẹn.

gian-chui-vao-tai-051124-1
Hình ảnh con gián trong tai người bệnh và hình ảnh màng nhĩ tai trái sau khi gắp con gián ra - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
gian-chui-vao-tai-051124
Hình ảnh con gián được gắp ra khỏi tai người bệnh - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Khi côn trùng chui vào trong tai, nếu còn sống, chúng thường vùng vẫy, ngọ nguậy, thậm chí cắn khiến tai chảy máu, phù nề, thủng màng nhĩ, nhiễm trùng.

Tình trạng nhiễm trùng để lâu sẽ dẫn đến viêm tai giữa, nhiễm trùng có thể lan rộng vào xương chũm và các tổ chức ở não gây viêm màng não, áp xe não, liệt mặt, thậm chí tử vong. Nếu côn trùng là gián, dế hoặc những con có gai nhọn ở chân khi kẹt trong tai còn có nguy cơ gây thủng màng nhĩ.

Trường hợp côn trùng đã chết, không gây khó chịu như khi còn sống nhưng xác côn trùng có thể gây bít tắc ống tai, ù tai, không nghe rõ, viêm tai, nhiễm trùng lan rộng.

Bác sĩ Hằng khuyên: “Khi côn trùng chui vào tai, tốt nhất người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý sớm, đúng cách, hạn chế để côn trùng gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng trong tai. May mắn, trường hợp này, qua một đêm, màng nhĩ người bệnh còn nguyên vẹn”.

Cách xử trí khi côn trùng chui vào tai

Bác sĩ Hằng cho biết, khi côn trùng chui vào tai, người bệnh nên nằm nghiêng hoặc nghiêng đầu về phía tai mà côn trùng chui vào, ở chỗ nhiều ánh sáng.

Người trợ giúp dùng nước muối sinh lý nhỏ ngập tai để côn trùng chui ra hoặc chết vì ngạt, rồi nghiêng đầu cho côn trùng rơi ra ngoài, nếu không thấy côn trùng ra ngoài thì nên đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sĩ gắp ra.

Sau khi gắp côn trùng ra cần vệ sinh tai sạch sẽ, nhỏ thuốc vô tai theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa viêm nhiễm.

Trường hợp bị đau dữ dội, thậm chí chảy máu, cần đến bệnh viện ngay để bác sĩ gắp côn trùng ra và đảm bảo an toàn, không gây tổn thương tai nặng thêm.

Tuyệt đối không đánh vào đầu, vào tai hay hốt hoảng; không hơ lá, xông hơi hay dùng tăm bông ngoáy vào tai vì khiến côn trùng kích động, chạy sâu vào bên trong tai.

Lúc này sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng lan rộng, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm…

Côn trùng chui lọt vào tai thường gặp nhất khi người bệnh đang ngủ. Vì vậy, bác sĩ Hằng khuyến cáo, để phòng ngừa côn trùng chui vào tai, mọi người nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp.

Hạn chế ngủ trên nền đất và những nơi ẩm thấp, chật hẹp. Có thể xịt thuốc diệt côn trùng, vệ sinh ga áo gối thường xuyên, tránh để thức ăn vung vãi chỗ ngủ.