Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giun móc – Dấu hiệu bị lây nhiễm và cách điều trị

( VOH ) - Nhiễm giun móc nếu không phát hiện và điều trị, người bệnh có thể bị thiếu máu nặng. Vậy làm sao để nhận biết sớm nhiễm giun móc và điều trị như thế nào? hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Giun móc là gì?

Giun móc là một loài ký sinh trùng thuộc ngành giun tròn. Giun móc sống trong ruột non của ký chủ là động vật có vú như chó, mèo hoặc người. Hai loài giun móc phổ biến ở người là Ancylostoma duodenaleNecator americanus.

Giun móc được cho là gây nhiễm trên 600 triệu người trên khắp thế giới.

giun-moc-dau-hieu-bi-lay-nhiem-va-cach-dieu-tri-voh

Nhiễm giun móc dễ bị thiếu máu (Nguồn: Internet)

2. Quá trình con người bị nhiễm giun móc

Ấu trùng và những con giun móc trưởng thành thường sống trong ruột của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Nếu đối tượng nhiễm bệnh đi cầu hoặc phân của họ được dùng làm phân bón thì trứng giun sẽ bám vào đất.

Trứng giun móc theo phân ra đất, nở thành ấu trùng, sống ở đất trong nhiều tuần. Gặp người, ấu trùng chui qua da, thường ở mu bàn chân, kẽ ngón chân, gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa (triệu chứng này diễn biến 3 – 4 ngày rồi tự hết). Ấu trùng qua da vào bạch huyết và máu rồi lên phổi, chui vào phế nang, di động lên phế quản và hầu họng rồi được nuốt ruột.

Giun móc ký sinh ở tá tràng, ruột non, tại đây chúng hút máu ở tá tràng, tiết ra độc tố gây ức chế cơ quan tạo máu.

3. Triệu chứng bị nhiễm giun móc

Khi bị nhiễm giun móc, bệnh nhân không có biểu hiện đặc hiệu, chỉ có đau vùng thượng vị (tùy mức độ nhiễm giun) và các triệu chứng thiếu máu như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, chóng mặt khó thở,…

Triệu chứng đau của bệnh nhân cũng không đặc trưng, cơn đau có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, lúc đói đau nhiều hơn, ăn uống kém, kèm theo đầy bụng khó tiêu.

Ngoài ra, khi ấu trùng giun móc xuyên qua da sẽ gây viêm da tại chỗ với biểu hiện ngứa, có các nốt đỏ kéo dài 1 – 2 ngày.

Để xác định có bị nhiễm giun móc hay không thì bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và làm các xét nghiệm phân tìm trứng giun.

4. Những đối tượng dễ bị nhiễm giun móc

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm giun móc, nhưng phổ biến nhất là các trường hợp sau đây:

  • Những người tiếp xúc với môi trường không hợp vệ sinh có nhiễm ấu trùng giun móc, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn làm nghề trồng trọt, dùng phân sống bón cây, rau củ,.. là đối tượng dễ bị nhiễm giun móc nhất.
  • Ăn thực phẩm có chứa loại ấu trùng giun móc như rau sống, rau rửa không sạch,...
  • Tỷ lệ và cường độ nhiễm giun móc ở phụ nữ thường cao hơn so với nam giới.
  • Những người không sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

giun-moc-dau-hieu-bi-lay-nhiem-va-cach-dieu-tri-voh

Đi chân đất trong môi trường ô nhiễm dễ bị nhiễm giun móc (Nguồn: Internet)

5. Điều trị nhiễm giun móc bằng cách nào?

Sau khi được chẩn đoán nhiễm giun móc qua xét nghiệm mẫu phân, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giết chết giun móc như albendazole hoặc mebendazole. Tuy nhiên, những thuốc này không được dùng trong thai kỳ vì chúng có thể gây hại đến thai nhi.

Nếu bị thiếu máu, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc bổ sung chất sắt. Sau khi điều trị thiếu máu, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng giàu protein và bổ sung vitamin trong khoảng 3 tháng.

6. Cách phòng ngừa nhiễm giun móc

Để phòng chống bệnh giun móc, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo:

  • Nâng cao nhận thức, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
  • Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị nấu nướng.
  • Thực hiện ăn chín, uống chín.
  • Không dùng phân tươi để bón ruộng, vườn.
  • Mang đồ bảo hộ lao động khi lao động để tránh tiếp xúc với đất.
  • Sử dụng nhà cầu, hố xí hợp vệ sinh.
  • Tẩy giun định kỳ 2 năm/lần, thời gian cách nhau 4 – 6 tháng.
  • Diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng.

Nếu nghi ngờ nhiễm giun móc cần tẩy giun theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Bình luận