Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Hàn Quốc có vi phạm quy định của ILO trong ‘cuộc chiến’ chống lại bác sĩ cấp dưới?

VOH - Giới y tế đang chỉ trích rằng, lệnh “yêu cầu các bác sĩ cấp dưới phải quay trở lại làm việc” của Chính phủ Hàn Quốc vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Cuộc đình công của các bác sĩ ở Hàn Quốc bắt đầu vào giữa tháng 2 nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y lên ít nhất 2.000 suất mỗi năm của Chính phủ.

Theo Korea Herald, ước tính đến ngày 8/3, gần 12.000 bác sĩ cấp dưới/thực tập, tương đương 93% tổng số trên toàn quốc đã ngừng làm việc. Kể từ tuần trước, chính phủ Hàn Quốc đã gửi thông báo cho các bác sĩ yêu cầu quay trở lại làm việc và đe dọa đình chỉ giấy phép hành nghề của họ.

hàn quốc
Nhân viên y tế và một bệnh nhân đi trên hành lang tại một bệnh viện đa khoa ở Seoul - Ảnh: Yonhap

Xem thêm: Hàn Quốc: Đình chỉ giấy phép hành nghề của hàng ngàn bác sỹ thực tập

Giới y tế cho rằng, lệnh của Chính phủ Hàn Quốc vi phạm Công ước số 29 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), còn được gọi là Công ước Lao động Cưỡng bức, được thiết kế để cấm bất kỳ thực thể nào sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc. 

Các bác sĩ biểu tình cho rằng, chính phủ đã hạn chế quyền tự do bỏ việc của họ, đồng thời buộc các bác sĩ phải tiếp tục làm việc mà không có bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng 'đất nước đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế'.

Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức bác bỏ tuyên bố này, trích dẫn một điều khoản đặc biệt trong quy định của ILO rằng việc từ chức hàng loạt của các bác sĩ có thể "gây nguy hiểm cho sự tồn tại hoặc hạnh phúc của toàn bộ hoặc một phần dân chúng".

Chính phủ tuyên bố rằng, việc buộc các bác sĩ quay trở lại làm việc là có thể chấp nhận được vì nếu không thì dân chúng sẽ đứng trước một cuộc khủng hoảng y tế, ngay cả khi có một loạt biện pháp tạm thời khác.

Jeong Byung-wang, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế phụ trách chính sách chăm sóc sức khỏe cho biết, chính phủ phải khôi phục các dịch vụ y tế với lệnh quay trở lại làm việc và họ đang truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người lãnh đạo cuộc biểu tình lớn.

Trong khi đó, các bác sĩ trẻ lại lập luận rằng, không có hiệp hội nào đại diện hay chủ mưu cho việc ra đi của cá bác sĩ. Thực tế, tất cả đều tự nguyện từ chức. Không có tiền lệ pháp lý nào ở Hàn Quốc quy định hành động nghỉ việc là từ chối lệnh quay trở lại làm việc.

Vào cuối tháng 2, một số bác sĩ cấp dưới được cho là đã xin lời khuyên từ ILO về việc liệu hành động của chính phủ chống lại việc từ chức của các bác sĩ cấp dưới có bị coi là vi phạm Công ước ILO - có hiệu lực ở nước này vào tháng 4/2022 hay không. ILO chưa đưa ra phản hồi.

Liệu lệnh của chính phủ Hàn Quốc có cấu thành hành vi vi phạm các quy định của ILO hay không vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Một chuyên gia pháp lý ở Seoul được Yonhap News dẫn lời cho rằng, việc chính phủ từ chối chấp nhận đơn từ chức được coi là "lao động cưỡng bức", do đó cấu thành hành vi vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. 

Một ý kiến khác lại cho rằng, lệnh của Seoul không cấu thành hành vi vi phạm quy định của ILO vì về bản chất, các bác sĩ cấp dưới không phải là đối tượng bị cưỡng bức lao động.

Trong khi đó, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết sẽ triển khai 20 bác sĩ quân đội và 138 bác sĩ y tế công cộng để lấp đầy khoảng trống tại 20 cơ sở y tế. Hơn nữa, tổng cộng 316,7 tỷ won từ quỹ dự trữ ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế sẽ được chi để ngăn chặn khủng hoảng.

Chính phủ Hàn Quốc coi việc tăng hạn ngạch tuyển sinh là một bước quan trọng để giải quyết khối lượng công việc quá mức của thực tập sinh và bác sĩ nội trú trong bối cảnh bệnh viện thường xuyên thiếu nhân lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiết yếu như cấp cứu.

Tại 47 bệnh viện đa khoa ở Hàn Quốc, số bác sĩ thực tập chiếm 37,5% trong tổng số 23.000 bác sĩ tại đây. Những bác sĩ thực tập làm việc trung bình 77,7 giờ một tuần. 

ILO - một cơ quan của Liên Hợp Quốc, vẫn chưa công khai tán thành quan điểm của chính phủ Hàn Quốc cũng như quan điểm của các bác sĩ phản đối chính sách tăng chỉ tiêu đào tạo. Tuy nhiên, cơ quan này từng can thiệp vào các chính sách của chính phủ Hàn Quốc liên quan đến quyền của người lao động với vụ việc gần đây nhất là vào tháng 12/2022.

Khi đó, ILO đã gửi công văn tới chính phủ Hàn Quốc yêu cầu “can thiệp ngay” lệnh hành chính của Seoul buộc các tài xế xe tải chở hàng phải quay trở lại làm việc. Các tài xế trước đó nghỉ việc để phản đối kế hoạch loại bỏ giá cước vận chuyển an toàn.

Cuộc đình công của tài xế xe tải kết thúc sau 16 ngày, để lại thiệt hại kinh tế ít nhất 3 nghìn tỷ won (2,3 tỷ USD) do làm gián đoạn hệ thống hậu cần quốc gia.