Ho có đờm – cách chữa từ kinh nghiệm dân gian đến Tây y hiện đại

(VOH) - Ho là phản xạ giúp làm sạch phổi, tiêu đờm, tống dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách long đờm để khạc đờm dễ dàng. Dưới đây là những cách khắc phục ho có đờm hiệu quả.

1. Ho có đờm uống thuốc gì?

Ho là một phản xạ có lợi khi nó giúp đẩy các dị vật, đờm, chất tiết,…ra ngoài. Tuy nhiên, ho cũng có thể là một phản xạ có hại khi nó gây mệt mỏi, khiến sức khỏe bị giảm sút hoặc ho kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có triệu chứng ho, bạn cần biết cách khắc phục cũng như dùng thuốc chữa trị hiệu quả.

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, cả Đông và Tây y đều có thuốc trị ho có đờm hiệu quả. Cụ thể là:

1.1 Chữa ho có đờm bằng thuốc Tây y

Một số loại thuốc Tây chữa ho có đờm thông dụng là:

  • Acodine;
  • Atussin;
  • Docolin;
  • Các loại siro ho có thành phần giúp an thần;

ho-co-dom-cach-chua-tu-kinh-nghiem-dan-gian-den-tay-y-hien-dai-voh-1

Không nên dùng thuốc Tây chữa ho trong thời gian dài (Nguồn: Internet)

Các loại thuốc này có tác dụng chữa ho có đờm hiệu quả, tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng. Khi dùng thuốc 1 – 2 ngày phải theo dõi xem có hiệu quả hay không, nếu không thì phải đến gặp bác sĩ để thăm khám. Hơn nữa, nếu ho kéo dài, ho có đờm nhiều, đàm có màu xanh hoặc vàng, hay đờm có lẫn máu thì phải đi thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán nguyên nhân và dùng thuốc đúng cách. 

Lưu ý: Các loại thuốc ho hay thuốc long đờm của Tây y thì không được sử dụng quá 5 ngày. Bởi khi lạm dụng sẽ gây ra những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

1.2 Chữa ho có đờm bằng thuốc Đông y

Theo Đông y, bệnh là do sự mất cân bằng trong cơ thể, do đó, việc điều trị nhằm mục đích tạo lại sự cân bằng, ít điều trị trúng đích như Tây y. Tuy nhiên, đối với ho có đờm, Đông y có một số loại thảo dược có thể điều trị trúng đích, tức là giảm phản xạ ho, tan đờm, tiêu đờm, long đờm (loãng đờm) để dễ khạc ra ngoài. 

Các loại thảo dược chữa ho có đờm gồm có:

ho-co-dom-cach-chua-tu-kinh-nghiem-dan-gian-den-tay-y-hien-dai-voh-2

Đông y có nhiều loại thuốc giảm ho, long đờm (Nguồn: Internet)

  • Hạnh nhân, cát cánh, thiên môn, mạch môn, tang bạch bì, tang diệp, xuyên bối mẫu, kha tử,…đây là các thảo dược Đông y có tác dụng trị ho.
  • Bài thuốc nhị trần than gồm có 4 vị thuốc như trần bì (vỏ quýt phơi khô), bán hạ, bạch linh, cam thảo,…bài thuốc này có tác dụng long đờm, tiêu đờm, tan đờm, giảm ho.
  • Các loại kháng sinh thực vật như hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, kim ngân hoa, liên kiều,…cũng có tác dụng long đờm, chữa ho nhờ có tính kháng sinh. 

2. Chữa ho có đờm theo kinh nghiệm dân gian

Bác sĩ Bay cho biết, trong dân gian có nhiều cách chữa ho có đờm rất hay, nhiều người đã áp dụng và nhận thấy có hiệu quả. Dưới đây là một số kinh nghiệm dân gian chữa ho có đờm:

ho-co-dom-cach-chua-tu-kinh-nghiem-dan-gian-den-tay-y-hien-dai-voh-3

Tắc chưng đường phèn - bài thuốc dân gian chữa ho quen thuộc (Nguồn: Internet)

  • Dùng trái tắc (hay quả quất) kết hợp với mật ong hay đường phèn, chưng cách thủy để uống. Cách này vừa thực hiện đơn giản, vừa dễ uống nên trẻ nhỏ hay người lớn đều có thể dùng được.
  • Dùng tỏi giã nát, cho thêm mật ong vào chưng cách thủy 5 – 10 phút rồi lấy nước uống.
  • Lấy các loại rau như tía tô hay tần dày lá, giã nát, vắt lấy nước cốt, sau đó cho thêm 1 chút muối vào để uống giúp giảm ho, long đờm.
  • Dùng lá hẹ, nấu nước uống. Cách này không chỉ giúp mát phổi, bổ phổi mà uống khi nước còn ấm cũng giúp long đờm, chữa ho.
  • Hoa đu đủ hay bông khế chưng cách thủy với đường phèn hay mật ong cũng có tác dụng chữa ho có đờm.
  • Lấy lá bạc hà hay rau kinh giới đâm nhuyễn pha với mật ong hay muối để uống.
  • Gừng và nghệ tươi đâm nhuyễn pha với mật ong uống cũng là cách để chữa ho có đờm hiệu quả theo kinh nghiệm dân gian. 
  • Pha nước ấm với gừng, chanh, mật ong uống cũng giúp thông giọng, loãng đờm, giảm ho.

Như vậy, với tình trạng ho có đờm, có rất nhiều cách để chữa trị từ việc dùng thuốc Tây đến các thảo dược Đông y và cả các kinh nghiệm dân gian. Do đó, nếu đang bị ho có đờm, bạn có thể tham khảo một số cách trên mà bác sĩ Bay đã chia sẻ, nhưng nếu tình trạng ho cứ kéo dài thì tốt nhất bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán và chỉ định điều trị kịp thời.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: