Hoa hậu H’Hen Niê mong mọi người không kỳ thị người có "H"

(VOH) - Một trong những khó khăn của công tác phòng chống HIV/AIDS là sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm, làm cho họ giấu giếm thân phận, bỏ điều trị, dẫn tới khó kiểm soát sự lây lan.

“Kỳ thị đối với người sống có HIV: còn hay không?” là chủ đề được Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TPHCM đưa ra bàn luận nhân tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 và kỷ niệm ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12.

Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, hiện có hơn 213.800 người nhiễm, số lượng tử vong tích lũy: 110.990 trường hợp. Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 13.000 người nhiễm mới HIV và 1.855 người tử vong do AIDS.

Trước đây lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu lây qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Một trong những nguyên nhân là do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Bạn Lê Tuấn Cường - thành viên giám sát do cộng đồng dẫn dắt trong chương trình Pepfar tại Việt Nam cho biết: “khi các bạn LGBT đến sử dụng dịch vụ y tế vẫn bị kỳ thị dù không biểu hiện trực tiếp, nhưng những lời lẽ của bác sỹ hơi nhạy cảm làm các bạn cảm thấy bị kỳ thị.

Khi bác sỹ hỏi: “có quan hệ đồng giới hay không? Chỉ có quan hệ đồng tính thì mới bị nhiễm”, vì vậy các bạn rất sợ khi đến môi trường y tế”.

Do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí sống khép kín, ẩn mình của người nhiễm HIV.

Chia sẻ của bạn TiLo Celia - một người chuyển giới nữ kể: “Đối với em và cộng đồng chuyển giới, khi đi xin việc làm cũng không dễ vì họ sẽ nhìn hồ sơ xin việc, so với ngoại hình bên ngoài, và thường là bị bác hồ sơ. Em mong muốn có sự bình đẳng giới, các nhà tuyển dụng, các công ty sẽ có một cách nhìn khách quan hơn”.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, cán bộ Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. 

“Vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người có "H". Đã có rất nhiều sáng kiến cải thiện giúp cho tình trạng kỳ thị giảm đi nhưng trong cộng đồng, ở nơi làm việc... vẫn còn khá nhiều nên rất cần có sự can thiệp và hỗ trợ để giảm kỳ thị phân biệt hơn nữa”.

Theo ông Nguyễn Anh Phong – Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, việc kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người có HIV làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm trí, khiến họ bị tự kỳ thị, ảnh hưởng đến quá trình điều trị HIV.

Hoa hậu H’Hen Niê mong muốn mọi người không còn sự kỳ thị người có
Hoa hậu H’Hen Niê tham gia 'Sống trọn vẹn từng phút giây, từng hơi thở' và viết điều ước lên cây ước

Tham dự ngày hội “Sống trọn vẹn 2022 - từng phút giây, từng hơi thở” Hoa hậu H’Hen Niê với vai trò là người đồng hành với người sống chung với HIV chia sẻ: "Các bạn nghĩ việc uống ARV có thể an toàn cho bản thân nhưng thực sự chỉ có hiệu quả sau 6 tháng điều trị. Đừng vì niềm vui của mình, nhu cầu của mình mà quên đi và không kiểm soát bản thân. Chúng ta cần nỗ lực để không tăng số ca nhiễm mới".

Hoa hậu H’Hen Niê mong muốn mọi người không còn sự kỳ thị người có H, kể cả những người sống chung khi có HIV cũng không nên tự kỳ thị mình, giúp họ giữ tinh thần lạc quan, động viên nhau để không còn rào cản. Hãy tạo điều kiện cho những người sống chung với "H" có thể phát triển khả năng của họ”.

Kỳ thị, tự kỳ thị và phân biệt đối xử là rào cản lớn đối với người nhiễm HIV, khiến cho họ khó tiếp cận điều trị, cũng như sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Chính họ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống HIV/AIDS.

Mọi người cùng chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao, hãy cùng mở lòng, chia sẻ, đồng cảm với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, hy vọng sớm kết thúc được dịch HIV/AIDS.