Hướng dẫn mới: Các trường hợp trẻ trên 1 tháng tuổi chống chỉ định tiêm chủng
Theo Bộ Y tế, hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở tiêm chủng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Hướng dẫn thông tin chi tiết về việc khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài bệnh viện, các trường hợp chống chỉ định và hoãn tiêm đối với trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên.
Cụ thể, các trường hợp chống chỉ định gồm, trẻ có tiền sử phản vệ độ III trở lên sau tiêm chủng vaccine lần trước. Trường hợp có tiền sử lồng ruột, chống chỉ định với vaccine Rota. Trường hợp mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh, chống chỉ định với vaccine OPV.
Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Đọc thêm: Đa dạng hoá các hình thức tiêm chủng để người dân được phục vụ một cách đầy đủ, chu đáo
Các trường hợp tạm hoãn tiêm vaccine được áp dụng như sau: Trẻ có tiền sử phản ứng phản vệ độ II sau tiêm chủng vaccine lần trước chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện; Có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức...
Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng; Sốt trên 38°C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5°C; Trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng – cũng thuộc trường hợp hoãn tiêm chủng.
Các cơ sở tiêm chủng hoãn tiêm đối với trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng. Trẻ đang điều trị hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid toàn thân, trẻ hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày...