Chờ...

Mang thai có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa sinh học ở phụ nữ

VOH - Nghiên cứu mới cho thấy, mỗi lần mang thai, sự lão hóa sinh học của người phụ nữ tăng thêm từ 2 đến 3 tháng.

Các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (New York) đã xem xét lịch sử sinh sản và mẫu DNA của 1.735 người trong một cuộc khảo sát sức khỏe liên tục và dài hạn ở Philippines để điều tra ảnh hưởng của việc mang thai đến quá trình lão hóa.

Họ tính toán tuổi sinh học của những người tham gia bằng cách sử dụng sáu “đồng hồ biểu sinh” khác nhau – công cụ di truyền ước tính tuổi sinh học dựa trên mô hình của một quá trình gọi là methyl hóa DNA.

mang-thai-090424
Mỗi lần mang thai, sự lão hóa sinh học của người phụ nữ tăng thêm từ 2 đến 3 tháng - Ảnh: Alamy

Nghiên cứu bao cho thấy, mỗi lần mang thai - sự lão hóa sinh học của phụ nữ sẽ tăng thêm từ 2 đến 3 tháng, và những phụ nữ mang thai thường xuyên hơn trong thời gian theo dõi (6 năm) có sự gia tăng độ tuổi sinh học rất cao, có nghĩa là họ già đi nhanh trong thời kỳ đó.

Mối quan hệ giữa mang thai và lão hóa sinh học vẫn tồn tại ngay cả khi các tác giả tính đến tình trạng kinh tế xã hội, hút thuốc, biến đổi gen và môi trường xây dựng xung quanh người tham gia nghiên cứu.

Các tác giả nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa sự lão hóa sinh học gia tăng ở người đàn ông và số lần vợ của họ mang thai.

Những phát hiện này được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Calen Ryan, tác giả chính của nghiên cứu và là cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Lão hóa Columbia cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy việc mang thai làm tăng tốc độ lão hóa sinh học và những tác động này thể hiện rõ ở phụ nữ trẻ, có khả năng sinh sản cao. Kết quả này cũng là kết quả đầu tiên theo dõi cùng một phụ nữ theo thời gian, liên kết những thay đổi về số lần mang thai của mỗi phụ nữ với những thay đổi về tuổi sinh học của họ”.

Ryan nhấn mạnh bối cảnh: “Nhiều trường hợp mang thai xảy ra vào cuối tuổi vị thành niên, khi phụ nữ vẫn đang phát triển. Chúng tôi cho rằng, kiểu mang thai này sẽ rất khó khăn đối với một bà mẹ đang lớn, đặc biệt nếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nguồn lực hoặc các hình thức hỗ trợ khác bị hạn chế.”

Ông nói thêm: “Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu về vai trò của việc mang thai và các khía cạnh khác của sinh sản trong quá trình lão hóa. Chúng tôi cũng không biết mức độ lão hóa biểu sinh tăng nhanh ở những cá nhân cụ thể này sẽ biểu hiện dưới dạng sức khỏe kém hoặc tử vong trong nhiều thập kỷ sau này trong cuộc đời”.