Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Ngủ ngon có thể làm chậm quá trình lão hóa

VOH - Một nghiên cứu mới ở Georgia (Mỹ) phát hiện ra rằng, việc duy trì lịch trình ngủ đều đặn có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa sinh học.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Health cũng kết luận rằng, những người có thói quen ngủ không nhất quán có tuổi sinh học cao hơn so với những người có lịch ngủ đều đặn.

Mặc dù các bài kiểm tra độ tuổi sinh học có thể gây tranh cãi, nhưng chúng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức độ “lão hóa” đang diễn ra bên trong cơ thể bạn.

ngủ ngon
Việc có được một giấc ngủ ngon mỗi đêm có thể ảnh hưởng đến tuổi tác của bạn - Ảnh: Healthlife

Xem thêm: Mẹo giúp bạn có được giấc ngủ ngon, không lo ngáy ngủ

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Augusta đã xem xét kiểu ngủ của hơn 6.000 người tham gia Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ được thực hiện trong những năm 2011 - 2014.

Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 50, đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ trong 4 - 7 ngày, ghi lại lượng thời gian họ ngủ và các dấu hiệu khác, chẳng hạn như tính đều đặn. Họ cũng trả lời một bảng câu hỏi liên quan đến thói quen, lối sống của họ.

Để xác định tuổi sinh học của người tham gia, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của họ, từ đó đưa ra nhiều dấu hiệu khác nhau về sức khỏe của họ, như mức cholesterol, bệnh tiểu đường và bệnh thận.

Khoảng 65% người tham gia nghiên cứu ngủ từ 7 - 9 giờ mỗi đêm, trong khi 16% ngủ dưới 7 giờ. Một lượng nhỏ khoảng 19% ngủ hơn 9 giờ.

Họ phát hiện ra rằng, những người có sự khác biệt lớn nhất về giờ đi ngủ và thời lượng ngủ trong tuần so với cuối tuần có tuổi sinh học cao nhất.

Những người có lịch trình ngủ linh hoạt và thoải mái nhất có tuổi sinh học lớn hơn 9 tháng so với những người có lịch ngủ cố định.

Các tác giả của nghiên cứu viết: “Chúng tôi nhận thấy rằng, sự thay đổi giấc ngủ lớn hơn, giấc ngủ bù nhiều hơn, giấc ngủ không đều đặn hơn và tình trạng lệch múi giờ xã hội nhiều hơn có liên quan đến tình trạng lão hóa sinh học cao hơn”.

Theo Phòng khám Cleveland, việc thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch vì có thể ảnh hưởng đến hormone gây căng thẳng, từ đó có thể làm tăng huyết áp. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và sức khỏe tâm thần.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng có mối tương quan giữa kiểu ngủ và việc sống lâu, khỏe mạnh.

Các tác giả của nghiên cứu viết: “Vì sự lệch lạc trong giấc ngủ hàng ngày là một yếu tố hành vi có thể thay đổi được, nên phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng, tăng cường thói quen ngủ đều đặn có thể là một cách mới để kéo dài tuổi thọ”.