Mụn nội tiết tố là gì?
Sự hành kinh ở người phụ nữ được điều tiết bởi 2 nội tiết tố chính, đó là estrogen và progesterone. Cả 2 nội tiết tố này đều do buồng trứng tiết ra và một phần do tuyến thượng thận cùng các cơ quan khác trong cơ thể sản xuất.
Da của chúng ta gồm có lớp thượng bì, trung bì và hạ bị, chịu sự điều tiết của các hormone, nhất là hormone sinh dục estrogen và progesterone.
Mụn do nội tiết tố thường xuất hiện xung quanh miệng (Nguồn: Internet)
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, khi có sự rối loạn nội tiết trong cơ thể, các kích thích tố sẽ kích hoạt và tăng tiết bã nhờn, tạo ra pH của da. Sự tăng tiết bã nhờn sẽ bịt kín các lỗ chân lông, các tuyến bã bị bịt kín, không thoát ra ngoài được sẽ tạo thành các ổ mụn. Bên cạnh đó, nếu progesterone tăng sẽ làm cho da khô, da dễ nhiễm trùng và dễ sinh ra mụn.
Như vậy, mụn nội tiết tố xảy ra khi có sự rối loạn nội tiết bên trong. Khi nội tiết tố được cân bằng thì mụn sẽ không hình thành nữa.
Mụn do nội tiết tố xuất hiện ở vị trí nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mụn như do căng thẳng, chế độ ăn uống không cân bằng, do khí hậu, da tiếp xúc với môi trường ô nhiễm,…Mụn do các nguyên nhân này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể như mặt, lưng, ngực,…Đối với mụn do nội tiết tố thì chúng thường chỉ khu trú ở những vùng xung quanh miệng đến cằm.
Chính vì vậy, trước khi kinh nguyệt xuất hiện, chị em phụ nữ thường được dự báo bằng những nốt mụn bọc lớn, đỏ, viêm tấy xuất hiện ở má dưới, quanh miệng và môi.
Như vậy, nếu thấy mụn xuất hiện quanh miệng, môi và bạn chuẩn bị bị hành kinh thì đó là mụn do nội tiết tố.
Mụn do nội tiết tố phải làm sao?
Như đã nói, khi nội tiết tố được cân bằng thì mụn do nội tiết tố sẽ không xuất hiện. Do đó, điều trị mụn do nội tiết tố là bổ sung nội tiết tố đang bị thiếu hụt.
Bác sĩ Bay cho biết, nếu bị mụn do nội tiết tố thì chị em có thể sử dụng nội tiết tố theo chỉ định của bác sĩ. Thực tế, chị em có thể sử dụng thuốc ngừa thai để khắc phục mụn do nội tiết tố, bởi vì trong thuốc ngừa thai có chứa các thành phần nội tiết giúp điều chỉnh kinh nguyệt được tốt hơn.
Mặc dù có thể sử dụng thuốc ngừa thai để khắc phục mụn do nội tiết tố nhưng chị em nên sử dụng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để sử dụng đúng liều lượng.
Bên cạnh đó, khi bị mụn do nội tiết tố thì chị em cũng chú ý chăm sóc da bên ngoài, rửa mặt sạch sẽ để làm thông thoáng các lỗ chân lông…
Lời khuyên
Xông mặt đúng cách có thể giúp loại bỏ mụn do nội tiết tố dễ dàng (Nguồn: Internet)
- Nếu bị mụn do nội tiết tố bạn không nên dùng móng tay gãi ngứa, chạm hoặc cào mụn. Bởi vì, ban đầu, mụn có chỉ nằm ở lớp biểu bì, nó sẽ thay cũ đổi mới (thay tế bào chết thành tế bào mới) trong vòng 4 – 6 tuần nên khi hết mụn sẽ không để lại sẹo. Nếu bạn cào mụn, khiến mụn bị bội nhiễm sẽ đẩy mụn đi sâu vào lớp thượng bì, sau khi hết mụn có thể để lại sẹo.
- Nên dùng bông thấm nước, chùi nhẹ vào nốt mụn để vệ sinh.
- Nếu mụn viêm tấy đỏ thì vệ sinh bằng bông thấm nước, sau đó bôi các loại cream mà bác sĩ chỉ định, không nên dùng các loại cream tự chế.
- Có thể xông mặt bằng cách nấu các loại lá như bưởi, sả, vỏ chanh, quýt,…Sau khi nấu nước, phủ khăn lên đầu và kê mặt vào tô nước nóng để xông mặt. Hơi nóng cùng tinh dầu của các loại lá sẽ giúp tẩy tế bào chết và cồi mụn bị lung lay, sau đó bạn chỉ cần lấy bông chùi nhẹ là có thể lấy cồi mụn ra.
Như vậy, mụn do nội tiết tố xảy ra khi bị rối loạn nội tiết tố trong cơ thể và hầu hết chị em phụ nữ đều gặp phải mụn do nội tiết tố trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Mặc dù mụn nội tiết tố không nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và có thể để lại sẹo nếu không khắc phục và chăm sóc da đúng cách. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ nếu chị em bị mụn nội tiết tố thường xuyên để được tư vấn và chăm sóc da đúng cách.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: