Năm 2023: Việt Nam phát hiện mới hơn 78.000 ca bệnh lao

VOH - Trong 9 tháng năm 2023, cả nước đã phát hiện 78.674 ca mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, số bệnh nhân được phát hiện nhiễm lao đa kháng thuốc 9 tháng năm 2023 là 2.764, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%.

Đây là những số liệu đáng chú ý liên quan tới bệnh lao được đưa ra tại Giao ban tổng kết hoạt động chương trình chống lao năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024 do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức vào ngày 22/12.

bệnh lao
Trong 9 tháng năm 2023, cả nước đã phát hiện 78.674 ca mắc lao các thể

Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh lao kê và cách điều trị

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Mỗi năm khoảng 11.000 người tử vong vì bệnh lao, cao hơn số người chết do tai nạn giao thông. Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao.

Tỷ lệ điều trị khỏi có dấu hiệu cải thiện, đạt 80% nhưng vẫn chưa bằng thời điểm trước Covid-19. Năm 2020, tỷ lệ điều trị khỏi lao là 84,5%. Ba tỉnh có tỷ lệ điều trị thành công cao 97-99% là Yên Bái, Quảng Trị và Trà Vinh.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, giống như các quốc gia trên thế giới, hoạt động phòng, chống lao tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Số ca phát hiện lao ở Việt Nam năm 2020 - 2021 giảm mạnh. Năm 2022, số bệnh nhân lao mới, tái phát và phát hiện trên toàn cầu đạt 7,5 triệu ca - con số cao nhất từ trước đến nay. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc bệnh lao mới và 11.000 người tử vong vì bệnh lao.

Ông Hòa nhận định: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và điều trị, trở thành nguồn lây trong cộng đồng". Ngoài ra, chuỗi cung ứng trang thiết bị vật tư bị đình trệ khiến công tác phòng chống lao gián đoạn.

Các chuyên gia nhìn nhận, công tác phòng chống lao vẫn còn nhiều khó khăn. Năm nay, Chương trình Chống lao Quốc gia đã chuyển nguồn thanh toán chi phí thuốc điều trị lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang Quỹ Bảo hiểm y tế.

Việt Nam cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lao, có ý nghĩa lớn trong phát hiện bệnh, đặc biệt là các trường hợp dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã phục hồi trên toàn cầu năm 2022, sau hai năm gián đoạn liên quan đến Covid, song đây vẫn là vấn đề y tế nghiêm trọng.

Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm ngoái trên thế giới là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995.