Nga phát triển vaccine điều trị ung thư đột phá, sắp thử nghiệm trên người

NGA - Vaccine ung thư do Nga phát triển có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong việc điều trị các loại ung thư khó chữa, mang lại hy vọng lớn cho bệnh nhân và gia đình họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài RT ngày 24/12, nhà vi trùng học Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya (Nga), tiết lộ rằng các nhà khoa học Nga đang trong quá trình hoàn thiện một loại vaccine điều trị ung thư mới, dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào năm tới.

Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực y học, với công nghệ vaccine hoàn toàn sản xuất trong nước.

Công trình nghiên cứu vaccine ung thư này bắt đầu từ năm 2022, khi các nhà khoa học nhận thấy tiềm năng của công nghệ mRNA, vốn đã được ứng dụng thành công trong các vaccine ngừa Covid-19.

vac-xin-ung-thu
Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, khác với vaccine Covid-19, loại vaccine này sẽ có mục tiêu điều trị ung thư và được thiết kế cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Mũi tiêm sẽ giúp tế bào bạch cầu nhận diện và tấn công các kháng nguyên trên bề mặt tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư, bao gồm cả những tế bào ung thư di căn.

Vaccine này đã được thử nghiệm thành công trên chuột mắc ung thư hắc tố, một loại ung thư da. Hiện tại, các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm vaccine trên ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất và khó điều trị bằng các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

Ngoài ra, ung thư tuyến tụy và một số loại ung thư thận cũng đang được nghiên cứu để áp dụng vaccine này.

Theo dự kiến, tháng 9/2025, Viện Nghiên cứu Ung thư Hertsen và Trung tâm Ung thư Blokhin (Nga) sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine này trên một nhóm nhỏ bệnh nhân để kiểm tra tính hiệu quả và độ an toàn. Nếu thành công, công nghệ này sẽ được triển khai rộng rãi tại Nga sau khi nhận được sự phê duyệt từ Bộ Y tế Nga.

Trên thế giới, một số vaccine trị ung thư đã được nghiên cứu và triển khai, như Sipuleucel-T (Provenge) được FDA phê duyệt vào năm 2010 cho ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, các nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman từ Đại học Pennsylvania, những người đã giành giải Nobel Y sinh 2023 nhờ nghiên cứu về vaccine mRNA, cũng đang hợp tác trong các dự án nghiên cứu vaccine điều trị ung thư dựa trên công nghệ này.

Bình luận