Theo nội dung của tờ trình Sở Y tế TP đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, dự kiến thời gian bắt đầu tiêm cho trẻ là từ ngày 22/10. Đối tượng tiêm là trẻ từ 12-17 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TPHCM với số lượng dự kiến khoảng 780.000 trẻ. Phạm vi triển khai 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Vaccine sử dụng là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi; thực hiện tiêm 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm chủng cùng loại vaccine.
Trên thế giới, những loại vắc xin phòng COVID-19 đã được xác định là an toàn cho người lớn, hiện đang được tiếp tục nghiên cứu ở trẻ em. Trong đó, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer-BioNTech là phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng có thể được chỉ định vắc xin này như các nhóm đối tượng ưu tiên khác trong tiêm chủng. Theo đó, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược trên 2.260 người tham gia từ 12 - 15 tuổi tại Hoa Kỳ. Trong nhóm này, khoảng một nửa được cho tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19, những đứa trẻ còn lại được tiêm giả dược. Qua phân tích sau tiêm, trong số những người tham gia (chưa nhiễm SARS-CoV-2 trước đó) thì không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh COVID-19 xảy ra trong số 1.005 người được tiêm vắc xin. Ngược lại, có 16 trường hợp mắc COVID-19 xảy ra trong số 978 người được tiêm giả dược. Qua đó cho thấy vắc xin có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 với chỉ định tiêm 2 mũi và mũi 2 cách mũi đầu tiên 3 tuần sau đó. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhận được liều lượng vắc-xin Pfizer-BioNTech COVID-19 giống như người lớn. Không có yêu cầu về trọng lượng của bệnh nhân đối với tiêm chủng COVID-19 và liều lượng vắc-xin COVID-19 không thay đổi theo trọng lượng của bệnh nhân.
Khác với ở quy trình tiêm ở người trưởng thành, Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết trên NLĐO: "trong khâu tầm soát trước tiêm của trẻ em, yêu cầu người nhà phải hợp tác với bác sĩ khi khám sàng lọc vì chỉ có cha mẹ mới nắm rõ tiểu sử của trẻ, trẻ không thể tự khai. Khám sàng lọc cho trẻ phải kỹ hơn, chăm chút hơn, hay nói đúng hơn là nhiều hơn các bước so với người lớn. Đặc biệt, với nhóm trẻ thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền, dị ứng nên đến tiêm tại các bệnh viện và nên ưu tiên cho nhóm trẻ này được tiêm trước."